09/08/2017 12:58 GMT+7 | SEA Games 29
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày vui nói chuyện buồn đương nhiên là chẳng ai thích! Nhưng rõ ràng tương lai cái sân chơi thể thao số 1 của khu vực lại nằm ở chính những ngày vui thế này...
1. Ra đời từ năm 1959 với cái tên SEAP Games - Đại hội Thể thao bán đảo Đông Nam Á, tổ chức lần đầu tiên tại Bangkok, Thái Lan. Rồi đến năm 1977 được đổi tên thành SEA Games - Đại hội thể thao Đông Nam Á khi ngày hội thể thao lớn nhất khu vực diễn ra tại Malaysia ở lần tổ chức thứ 9 và kéo dài tới nay với lần thứ 29 cũng trên đất Mã.
Nhắc lại chiều dài hơn nửa thế kỷ để thấy bề dày lịch sử của SEA Games, cũng như những đóng góp của sân chơi này vào sự phát triển của thể thao khu vực nói riêng và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia Đông Nam Á nói chung.
Nhưng hãy trở lại với riêng lĩnh vực thể thao, SEA Games dù vẫn là ngày hội thể thao số 1 của khu vực, nhưng quá trình "tự diễn biến" đã khiến sân chơi này đến nay bỗng trở thành... gánh nặng mà có một thực tế cần phải thừa nhận... không nhiều người muốn gánh!
Chẳng cần quay lại bánh xe lịch sử mà khi những điều kiện chính trị, xã hội ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của SEA Games, bởi ngay ở thời điểm hiện tại, tương lai của sân chơi này còn đang bị bỏ ngỏ.
Số là SEA Games 29 tới sẽ diễn ra tại Malaysia. Tuy nhiên, chủ nhà của kỳ Đại hội 2 năm sau là Philippines đã chính thức rút vì hoàn cảnh riêng trong nước (do tình hình bất ổn và ngân sách tổ chức SEA Games 30 sẽ được sử dụng để phục hồi thành phố Marawi - địa điểm tổ chức Đại hội bị chiến tranh tàn phá) vì thế hiện vẫn chưa rõ chủ nhà của kỳ SEA Games kế tiếp khi theo thông tin từ báo chí, Singapore đã từ chối, các quốc gia đăng cai kế tiếp (theo kế hoạch) là Việt Nam, Campuchia không đủ thời gian chuẩn bị.
2. Tất nhiên, SEA Games sẽ không dừng lại, chỉ có điểu, chẳng cần phải là một nhà quản lý chuyên môn thể thao giỏi cũng đủ nhận ra sự bất cập đang khiến sân chơi này trở nên... mất giá và trở thành... gánh nặng!
Bất cập đầu tiên chính là công tác tổ chức. Với chu kỳ 2 năm/ 1 lần, SEA Games diễn ra quá liền kề trong 1 khu vực chỉ có 11 quốc gia và cũng là quá ngắn nếu so với chu kỳ 4 năm của Olympic hay Asian Games. Rồi dù có đến 11 quốc gia, nhưng hoàn cảnh lịch sử và mức độ chênh lệch về mặt bằng kinh tế, xã hội khiến việc đăng cai, tổ chức SEA Games là bài toán lớn dù theo điều lệ của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á, việc tổ chức lần lượt theo thứ tự A, B, C...
Thế nhưng, bất cập lớn nhất lại nằm ở chính mảng chuyên môn thể thao khi tình trạng "vơ vét" huy chương nhằm đánh chiếm ngôi đầu luôn xuất hiện mỗi khi SEA Games được tổ chức. Dưới "danh nghĩa" phát triển thể thao khu vực, nhưng với đặc quyền lớn, không ít các nước chủ nhà SEA Games luôn đưa vào chương trình thi đấu những môn thế mạnh của mình và ngược lại, không gì khác, loại bỏ thế mạnh của đối thủ chỉ để có nhiều huy chương hơn, nhiều cơ hội hơn đứng cao nhất trong bảng xếp hạng huy chương. Từ đó, chuyện "lobby" trên bàn Hội nghị trở thành chuyện đương nhiên của các kỳ Đại hội.
Tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị thông qua thể thao - Điều đó là không thể phủ nhận, chỉ có điều với những mục tiêu quá cá nhân, thể thao Đông Nam Á vẫn chưa thể đạt được cái đích chuyên môn quan trọng - Tiệm cận với mặt bằng thể thao châu lục, hướng tới tầm thế giới!
3. Hãy "cứu" lấy SEA Games! Sâu trong tâm khảm mỗi người làm chuyên môn thể thao khu ưucj đều nghĩ tới, nhưng có vượt được qua sức ép thành tích hay không thì là câu chuyện chẳng hề đơn giản. Muốn "cứu" SEA Games thì điều quan trọng là phải "cứu" chính mình khỏi căn bệnh thành tích... Thể thao Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất