Đoàn TTVN tham dự ASIAD 16: Vẫn câu hỏi cũ, ta đang ở đâu?

17/10/2010 07:17 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) - Chúng ta đã ở trong tốp đầu của khu vực. Nhưng chúng ta đang ở đâu trên vũ đài châu lục và thế giới. Câu hỏi ấy đặt ra cho TTVN đến giờ vẫn chưa trả lời được.

Từ con đường châu Á...

Có một chi tiết khá thú vị là nếu không tính lần có mặt tại Olympic Moscow 1980 với sự tài trợ hoàn toàn của Liên Xô cũ, thì châu Á mới chính là sân chơi lần đầu TTVN tham dự một cách đầy đủ nhất sau khi trở thành thành viên chính thức của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Năm 1982, khi ASIAD lần thứ 9 được tổ chức tại New Dehli (Ấn Độ), đoàn TTVN chỉ vỏn vẹn 40 thành viên tranh tài ở 3 môn thể thao cơ bản nhất là: điền kinh, bơi, bắn súng, đã bất ngờ giành được tấm HCĐ nội dung súng ngắn bắn nhanh nhờ công nam xạ thủ Nguyễn Quốc Cường với thành tích 591 điểm.

Một sự khởi đầu không tồi với một nền thể thao chỉ vừa bắt đầu trở lại với đấu trường quốc tế, nhưng tấm huy chương ấy lại không đồng nghĩa với việc TTVN đã đủ sức tranh chấp tầm châu lục. Cũng phải tới khi Việt Nam vững chắc ở tốp 3 đấu trường khu vực, tại SEA Games 2005, những nhà quản lý TTVN mới mạnh dạn tuyên bố: Nâng tầm mục tiêu, tấn công đấu trường châu lục!

1 năm sau cột mốc ấy, TTVN thất bại cay đắng tại ASIAD 15 (Doha, Qatar 2006). Từ vị trí thứ 15 rơi thẳng xuống hạng 19, đặt chỉ tiêu giành từ 5 đến 7 HCV, chung cuộc chỉ có 3 mà có đến 2 trong số đó là nằm ngoài dự báo chuyên môn (từ cầu mây). Và cũng kể từ sau ASIAD 2006, các nhà quản lý chuyên môn thôi nhắc tới chuyện “nâng tầm”. Con đường châu Á vẫn còn xa.


... Đến sự “khiêm tốn” của
hôm nay

Thế nhưng dù chùn bước, thì TTVN cũng vẫn phải đi. Chúng ta bắt buộc phải có thành tích và vị trí tốt ở ASIAD nếu muốn chứng minh sự phát triển của mình. Và 4 năm trôi qua, khi kỳ ASIAD 16 cận kề, thay vì những lời tuyên bố “to tát”, các nhà quản lý thể thao trở nên khiêm tốn hơn nhiều bằng cái mục tiêu giành từ 4 đến 6 HCV!


TTVN sẽ dẫn quân rầm rộ đi Quảng Châu với 392 thành viên

Một sự khiêm tốn đáng ngạc nhiên nếu so với các kỳ đại hội trước và so chính với lực lượng, cũng như cơ hội mà TTVN có được trên đất Quảng Châu sắp tới.

Tại Doha năm 2006, đoàn TTVN với 357 thành viên, trong đó có 247 VĐV dự tranh 26 môn và phân môn, qua đó giành 3 HCV - 13 HCB - 7 HCĐ, đó là chưa tính đến việc “hụt chỉ tiêu”.


Còn lần này, với 392 thành viên, 260 VĐV và thi đấu ở 29 môn và phân môn, vậy mà chỉ tiêu đặt ra còn thấp hơn cả chỉ tiêu lần trước (!?). Dĩ nhiên, thể thao không phải là phép số cộng đơn thuần, rồi ngay cả mục tiêu đặt ra cũng chỉ là khái niệm mang tính tương đối, nhưng rõ ràng nếu nhìn vào số cơ hội có được sau 4 năm, thì khả năng có thêm vàng của TTVN là rõ rệt. Đó hẳn là nhà á quân Olympic môn cử tạ nam Hoàng Anh Tuấn ở hạng 56kg; là Nữ hoàng kata Nguyễn Hoàng Ngân cùng ĐKVĐ kumite hạng 48kg nữ Vũ Thị Nguyệt Ánh của karatedo; là các cô gái cầu mây, những người đang sở hữu 2 tấm HCV ở nội dung đồng đội và đôi; là các cơ thủ ở nội dung carom, hay các kỳ thủ cờ vua, cờ tướng cũng là những ứng viên hàng đầu trong cuộc tranh chấp ngôi cao. Thấp hơn một chút còn có taekwondo, điền kinh, tán thủ nữ, đội súng trường hơi di động nữ... hoàn toàn có thể gây được bất ngờ.


Vậy, đây là sự khiêm tốn hay đúng hơn là sự “cẩn thận” tới mức thái quá của một nền thể thao vốn đã quá quen với chuyện “thử kêu, đốt xịt”?

Và đằng sau những
tấm huy chương

TTVN có hoàn thành chỉ tiêu tại ASIAD 16 hay không, chỉ có thực tế của đấu trường vốn khắc nghiệt mới mang tới câu trả lời chính xác nhất. Rồi dù cơ hội là có thật và lớn là bao đi chăng nữa, thì khó khăn, thách thức vẫn cứ hiện hữu.


Cho đến giờ này, khi chỉ còn chưa 1 tháng nữa, ngọn lửa ASIAD chính thức bùng cháy ở Quảng Châu và danh sách đoàn TTVN tham dự đại hội cũng đã chốt lại, nhưng khó có thể nói, trong suốt quãng thời gian 4 năm qua, chúng ta đã có được sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng nhất. Ngay trong số những niềm hy vọng kia còn đầy rẫy những nỗi lo về phong độ mà điển hình là thất bại của á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn tại giải VĐTG vừa qua. Đó là còn chưa kể đến mệnh đề đơn giản trong thể thao: ta tiến, thì đối thủ cũng tiến.

Nói tóm lại, trước khi nghĩ đến chuyện chỉ tiêu, điều quan trọng nhất với TTVN lúc này là cần phải vượt lên những giới hạn mà chúng ta đã lập ra trong quá khứ. Vượt lên để rồi biết mình đứng đâu trên bản đồ thể thao châu lục, để từ đó tìm ra chính xác con đường đi cho tương lai.

Vũ Duy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm