Thể thao Việt Nam vẫn chờ một cú hích

03/02/2025 05:55 GMT+7 | Thể thao

Trả lời các kiến nghị của cử tri TP.HCM gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Văn Hùng một lần nữa cho hay những năm qua, cơ quan quản lý Nhà nước về thể thao luôn quan tâm, ưu tiên nghiên cứu, xây dựng các chính sách tốt nhất cho VĐV, HLV để họ an tâm tập luyện và thi đấu, mang vinh quang cho Tổ quốc.

Các chính sách này đều được thể chế hóa thông qua các văn bản, bao gồm chế độ khen thưởng khi đạt thành tích tại các sự kiện thể thao khu vực và thế giới cũng như những ưu đãi dành cho VĐV có thành tích ở giai đoạn hậu thi đấu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thì một số chính sách cho đến thời điểm này vẫn còn thấp, nhất là các chính sách liên quan đến chế độ tiền lương vốn có tác động đến phần lớn các VĐV, những người chưa có hoặc thuộc các môn thi đấu khó đạt được thành tích vượt trội.

Nhiều năm gần đây, có cảm giác thể thao Việt Nam (TTVN) đang bị "mắc kẹt" trong sự phát triển của chính mình. Chúng ta chuẩn bị cho SEA Games khá nhẹ nhàng, dễ dàng thiết lập các chỉ tiêu huy chương, thậm chí dự báo chính xác vị trí chung cuộc. Thế nhưng, không thể có những bước đột phá một cách chắc chắn ở những đấu trường lớn hơn. Kể từ sau chiếc HCV Olympic lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016 đến nay, môn thể thao đạt được tầm vóc thế giới duy nhất có lẽ là Billiards, không nằm trong nhóm môn đầu tư trọng điểm. Năm ngoái, việc xạ thủ nữ Trịnh Thu Vinh giành chiến thắng tại cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu cũng như Cúp chiến thắng cho dù cô không có huy chương ở Olympic, đã nói lên nhiều điều.

Những kiến nghị của cử tri TP.HCM, một trong 3 đơn vị đóng góp nhiều nhất cho TTVN về lực lượng VĐV lẫn số huy chương quốc tế, cho thấy cần có một bước đột phá mạnh mẽ từ khâu đầu tư. Hay nói đúng hơn, TTVN cần một cú hích thực sự đến từ lĩnh vực kinh tế thể thao để tăng thêm nguồn lực tài chính cho thể thao đỉnh cao.

Thể thao Việt Nam vẫn đợi một cú hích - Ảnh 1.

Thu Vinh dù không giành được huy chương ở Olympic Paris 2024 nhưng vẫn giành chiến thắng tại cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu 2024 cũng như Cúp chiến thắng 2024. Ảnh: Hoàng Linh

VĐV không an tâm với thu nhập, hoặc không cảm thấy thỏa đáng với sức lực và tuổi trẻ mình đã bỏ ra, thì rất khó để vượt qua được các giới hạn của bản thân khi thi đấu. Trường hợp nhiều VĐV giỏi rời khỏi thể thao Vĩnh Phúc vừa qua, là một ví dụ cho thấy cần có cách làm khác về khía cạnh đầu tư.

Thực tế cho thấy, phần lớn thu nhập của VĐV đến từ hoạt động thi đấu. Có thành tích nhiều thì thu nhập cao, và ngược lại. Tuy nhiên, số lượng giải đấu ở một số môn lại không nhiều. Dễ tổ chức và tốn chi phí thấp như bóng bàn, cầu lông thì cũng không quá 6 giải/năm ở tầm quốc gia với tổng cộng chưa đến 30 ngày thi đấu. Môn điền kinh với khá nhiều nội dung thi đấu, nhưng cho đến nay, được biết đến nhiều nhất vẫn là giải vô địch quốc gia định kỳ 1 lần/năm và diễn ra trong bối cảnh không có khán giả. Trước đây từng có ý tưởng về Cúp tốc độ dành cho các nội dung chạy của điền kinh, tổ chức thi đấu 5-7 lần mỗi năm, nhưng không thể thành hình. Thay vào đó, mà hàng chục giải marathon trên khắp mọi miền đất nước do các đơn vị ngoài xã hội tổ chức. Nhiều tuyển thủ quốc gia tham gia và chiến thắng, đi kèm với đó là tiền thưởng.

Thế nên "cú hích" mà TTVN cần lúc này có lẽ thiết thực nhất vẫn là làm sao tăng số sự kiện thi đấu và tìm cách thương mại hóa các sự kiện đó để "chuyển hóa" thành những khoản thu nhập thông qua thi đấu cho VĐV. Đó cũng là cách để khái niệm về "kinh tế thể thao" đi vào đời sống nhanh nhất, thay vì cứ mãi đặt các câu hỏi về việc làm sao để có một nền kinh tế thể thao.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm