18/09/2023 14:58 GMT+7 | ASIAD 2023
Thể thao Trung Quốc đã thống trị ASIAD suốt hơn 4 thập kỷ qua, nhưng ở môn thể thao vua, tấm Huy chương vàng vẫn chỉ là giấc mơ.
Trong tất cả các Đại hội thể thao châu lục trên khắp thế giới, có lẽ không ở đâu đặc biệt như ASIAD, nơi đoàn Thể thao Nhật Bản nhất toàn đoàn ở 8 kỳ đầu tiên, và sau đó đến lượt Trung Quốc thống trị 10 kỳ Á vận hội sau đó.
Quyền lực số một ở ASIAD…
ASIAD lần thứ 9 tại New Delhi (Ấn Độ) là kỳ Á vận hội đánh dấu sự chuyển giao về quyền lực thể thao châu lục. Dù cùng giành 153 huy chương như Nhật Bản, song với 4 HCV nhiều hơn (61 so với 57), đoàn thể thao Trung Quốc đã lần đầu tiên giành ngôi nhất bảng tổng sắp huy chương ASIAD. Đáng chú ý, đó mới là lần thứ 3 Trung Quốc tham dự Á vận hội.
Kể từ đó, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản để trở thành đoàn thể thao số 1 châu Á suốt 10 kỳ Á vận hội liên tiếp, bất kể họ có phải là chủ nhà (2 lần – Bắc Kinh 1990, Quảng Châu 2010) hay không. Trên bảng tổng sắp huy chương trong lịch sử ASIAD, Trung Quốc giành tới 1.473 HCV trong tổng số 3.187 huy chương, trội hơn hẳn Nhật Bản (1.032/3.054), và Hàn Quốc (745/2.235), và bỏ cực xa những đoàn kế tiếp như Iran (179/557), Ấn Độ (155/672), Kazakhstan (155/557), và Thái Lan (132/586).
Với thế mạnh ở các môn thể thao Olympic như nhảy cầu, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng, bóng bàn, cầu lông, bơi lội, điền kinh,… thể thao Trung Quốc thậm chí còn vươn tầm thế giới. Trong 10 lần dự Thế vận hội kể từ Los Angeles 1984 đến Tokyo 2021, Trung Quốc đã 9 lần nằm trong Top 4 (lần duy nhất ngoài Top 4 là Seoul 1988 – vị trí thứ 11). Thậm chí kể từ đầu thế kỷ XXI đến giờ, họ đều nằm trong Top 3 Thế vận hội, với đỉnh cao là ngôi nhất toàn toàn tại Bắc Kinh 2008.
Tại ASIAD 2018 ở Jakarta và Palembang, Trung Quốc giành ngôi nhất toàn đoàn với 132 HCV trong tổng số 289 huy chương. Thành tích của họ gần gấp đôi đoàn thứ nhì Nhật Bản (75 HCV), gấp 3 lần đoàn thứ ba Hàn Quốc (49 HCV), và gấp hơn 4 lần so với đoàn chủ nhà Indonesia (31 HCV). Nhưng thành tích ấy vẫn chưa là gì so với ASIAD 2010 tại Quảng Châu, khi Trung Quốc lập kỷ lục giành đến 199 HCV. Liệu năm nay, khi tiếp tục có lợi thế chủ nhà, và mang đến 886 VĐV – một con số đẹp theo quan niệm của người Trung Quốc – họ có thể cán mốc 200 HCV?
… nhưng vẫn mơ HCV bóng đá
Thể thao Trung Quốc quả thực thống trị sân chơi châu lục, nhưng đáng tiếc là bóng đá lại không thể có được tầm vóc như thế, bất kể chính phủ nước này từng bỏ ra hàng tỷ USD với những kế hoạch hoành tráng để phát triển môn thể thao vua. Đáng chú ý nhất là Kế hoạch 50 điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm đưa Trung Quốc thành một cường quốc bóng đá thế giới.
Nhưng rốt cục đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn chỉ là một đội bóng hạng hai ở châu Á, chứ đừng nói vươn tầm thế giới. Trong lần duy nhất tham dự VCK World Cup (2022), họ ra về với 3 trận toàn thua, không ghi bàn nào nhưng thủng lưới 9 lần. Trên bình diện châu Á, Trung Quốc chưa bao giờ vô địch châu Á. Kể từ lần về nhì năm 2004, khi tham dự với tư cách chủ nhà, họ đều không thể lọt vào bán kết ở 4 VCK Asian Cup. Kể từ Thế vận hội Seoul 1988, họ chưa một lần vượt qua vòng loại Olympic. Trung Quốc cũng chưa bao giờ giành HCV ASIAD, dù họ từng tiến rất sát mục tiêu này hồi năm 1994 (thua Uzbekistan 2-4 ở chung kết).
Kể từ khi sân chơi này dành cho lứa tuổi Olympic, Trung Quốc thậm chí không một lần lọt được vào tứ kết. Ở ba kỳ Á vận hội gần nhất, họ đều bị loại ở vòng 2, tức là kém cả Việt Nam. Năm 2018, trong khi thầy trò Park Hang Seo lọt vào đến tận bán kết, và chỉ dừng bước khi thua Hàn Quốc, đội sau đó giành HCV, thì Trung Quốc bị Saudi Arabia loại ở vòng 2. Song có lẽ minh chứng tệ hại nhất cho sự kém cỏi của bóng đá trẻ Trung Quốc có lẽ là thành tích của họ ở giải U23 châu Á. Trong 4 lần tham dự, U23 Trung Quốc thắng đúng 1 trận (năm 2018, khi họ là chủ nhà), và thua đến 11 trận.
Vì sao với 1,4 tỷ dân, và được đầu tư lớn mà Trung Quốc vẫn không thể có một đội bóng mạnh? Kế hoạch bóng đá học đường không thành công khi giới trẻ nước này không yêu thích gì bóng đá. Giải nhà nghề Trung Quốc cũng không tin cậy cầu thủ trẻ khi chỉ sử dụng một cách đối phó. Và ngay cả "hạ sách" là nhập tịch cầu thủ cũng không phải phương án giải quyết. Bên cạnh đó, trình độ tổ chức và hệ thống quản lý cũng là một vấn đề khác với những cách vận hành không giống ai. Một khi chưa giải quyết được những vấn đề thế này, tấm HCV Á vận hội vẫn chỉ là giấc mơ của đất nước đông dân nhất thế giới mà thôi. Tại ASIAD 19, Olympic Trung Quốc nằm ở một bảng đấu rất dễ với những đối thủ là Olympic Ấn Độ, Olympic Bangladesh, và Olympic Myanmar, song những thách thức thật sự với họ sẽ đến ở vòng knock-out.
Đội hình Olympic Trung Quốc dự môn bóng đá nam ASIAD không có cầu thủ nào sinh năm 2002 đổ lại. Trong số này cũng chỉ có 5 cầu thủ sinh năm 2001, còn lại là sinh năm 2000 (8) và 1999 (6). Họ cũng sử dụng tối đa số cầu thủ trên 24 tuổi là hậu vệ Liu Yang (sinh năm 1995), tiền vệ Gao Tianyi (1998) và chân sút Tân Long (1988). Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng các học trò của HLV Dejan Durdevic chắc chắn là một trong những đội có độ tuổi trung bình cao nhất giải. Để so sánh, 17/22 cầu thủ Olympic Việt Nam sinh năm 2002 trở lại.
Do ASIAD 19 bị lùi lại một năm, nên ban tổ chức cũng quy định về độ tuổi tham dự là U24+3, chứ không phải U23+3 như bình thường.
Tuấn Cương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất