Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố: Trung Quốc 'ăn cắp' tàu lặn của Mỹ ở Biển Đông

19/12/2016 15:40 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trung Quốc cho rằng tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch của Mỹ, vốn điều hành thiết bị lặn mà nước này thu giữ, đã tiến hành các hoạt động gián điệp đối với Trung Quốc.

 

Truyền thông Trung Quốc và giới chuyên gia ngày 19/12 cho rằng tàu lặn không người lái (UUV) mà một tàu hải quân Trung Quốc thu giữ ở Biển Đông tuần trước là một phần trong nỗ lực giám sát của Mỹ tại vùng biển tranh chấp này, song Bắc Kinh dường như sẽ không làm to chuyện về việc trao trả Washington thiết bị này.

 

Tờ “People's Daily”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 19/12 đăng tải một bài bình luận cho rằng tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch của Mỹ, vốn điều hành thiết bị lặn trên, đã “liên tiếp vi phạm” khi tiến hành các hoạt động gián điệp đối với Trung Quốc.


Tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông. Ảnh: AFP

Bài viết có đoạn: “Việc (Mỹ) hạ giọng khi nói về những hoạt động của thiết bị lặn này không thể che giấu những mục đích thực sự đằng sau. Thiết bị lặn này, từng nổi lên mặt nước ở Biển Đông, là đỉnh của tảng băng chiến lược quân sự của Mỹ, bao gồm cả chiến lược đối với Trung Quốc”.

Giáo sư Mã Cương tại Đại học Quốc phòng thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói với tờ “China Daily” rằng tàu USNS Bowditch là một tàu do thám quân sự “khét tiếng”, đã theo dõi vùng bờ biển Trung Quốc từ năm 2002. Theo cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc, chính con tàu này liên quan đến các vụ việc hồi năm 2001 và 2002 khi nó bám theo các tàu của Hải quân Trung Quốc đang hoạt động tại Hoàng Hải.

Báo chí Trung Quốc còn cho biết con tàu này cũng đã hoạt động tại Eo biển Đài Loan. Giáo sư Ma nói: “Do đó, việc Hải quân Trung Quốc nghi ngờ các hoạt động của tàu Bowditch là chuyện bình thường”. Giám đốc trung tâm nghiên cứu an ninh thuộc Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trương Hoàng nói với “People's Daily” rằng Mỹ lâu nay vẫn viện những lý do dân sự để thu thập thông tin vốn có thể liên quan đến lĩnh vực quân sự.

Trong khi đó, chuyên gia hàng hải Nghê Lạc Hùng từ Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, cho rằng sự kiện này sẽ không ảnh hưởng đến bức tranh toàn cảnh của mối quan hệ Mỹ - Trung và ông cho rằng Bắc Kinh sẽ không tìm kiếm lời xin lỗi từ phía Washington.

Trước đó, ngày 16/12, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Hải quân Jeff Davis, cho biết một tàu dân sự của Hải quân Mỹ do Bộ Tư lệnh Hải vận thuộc quân đội Mỹ điều khiển đang tiến hành thu hồi 2 UUV ở khu vực cách Vịnh Subic, gần Philippines khoảng 80,5 km về phía Tây Bắc.

Tàu Trung Quốc đã tiếp cận và thu giữ một trong hai UUV này. Theo ông, tàu Trung Quốc đã nhận thông điệp radio từ tàu Mỹ song không phản hồi lại yêu cầu trao trả tàu.

Mới đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 18/2 tuyên bố ông "không muốn lấy lại tàu lặn không người lái bị Trung Quốc thu giữ". Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Bắc Kinh tuyên bố trả lại thiết bị nói trên "theo cách thức phù hợp".

Trên trạng mạng cá nhân, ông Trump viết: “Chúng ta cần phải nói với phía Trung Quốc rằng chúng ta không muốn lấy lại chiếc tàu lặn mà họ đánh cắp. Hãy để họ giữ nó”. Sau khi thiết bị này bị giữ hôm 15/12, chủ nhân tương lai thứ 45 của Nhà Trắng cáo buộc Trung Quốc “ăn cắp” tàu lặn.

Sự cố trên đã làm dấy lên những quan ngại mới ở Washington và trong các đồng minh châu Á về việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, và về những động thái mà dư luận cho là phản ứng hung hăng của Bắc Kinh đối với những tuyên bố chủ quyền hàng hải của các bên tranh chấp trong khu vực.

B.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm