Súng laser “hạ” máy bay trong nháy mắt

09/01/2013 09:57 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Một công ty Đức đã vừa thử nghiệm thành công pháo laser, qua đó đưa chúng ta tiến gần hơn tới những kịch bản như trong các bộ phim viễn tưởng của Hollywood.

Công ty Rheinmetall Defense có trụ sở ở Düsseldorf gần đây đã thử một cỗ pháo laser năng lượng cao công suất 50kW tại bãi thử của họ ở Thụy Sĩ. Theo công ty, vũ khí laser này đã có thể bắn hạ hai chiếc máy bay không người lái cùng nhiều mục tiêu khác nhau.

Cắt thép, bắn hạ máy bay không người lái

Hệ thống này thực ra không phải là một thiết bị phóng một tia laser đơn nhất. Thay vì thế, nó là 2 module phát laser được gắn trên ụ pháo phòng không Revolver Gun do Oerlikon sản xuất và được cấp thêm các nguồn điện phụ. Hai module này có công suất lần lượt là 30 kW và 20 kW, và công ty đã kết hợp năng lượng của chúng bằng công nghệ chồng tia laser Beam Superimposing Technology (BST).

Sức mạnh kết hợp của hai tia laser đã đủ lớn để phá hủy nhiều mục tiêu khác nhau.

Hệ thống pháo laser của công ty Rheinmetall Defense

Trong cuộc thử nghiệm của Rheinmetall Defense, đầu tiên hệ thống đã có thể cắt rất ngọt một cây xà thép với độ dày 15mm từ khoảng cách 1km. Tiếp đó, từ khoảng cách 2km, vũ khí đã có thể bắn cháy một số chiếc máy bay không người lái khi chúng đang bổ nhào xuống hướng mặt đất với tốc độ 50m/giây.

Ra-đa của pháo laser này là một hệ thống được sử dụng rộng rãi mang tên Skyguard, đã có thể bắt bám những chiếc máy bay không người lái ngay khi chúng đang trong quá trình lấy độ cao ở khoảng cách lên tới 3km.

Để kết thúc buổi thử nghiệm, hệ thống đã biểu diễn việc bắt bám một mục tiêu đạn đạo nhỏ. Cụ thể, nó đã "tóm được" và dùng tia laser phá hủy một viên bi thép với đường kính 82mm đang bay với vận tốc 50 mét/giây. Viên bi thép này được bắn ra để mô phỏng một quả đạn cối đang bay tới và hệ thống pháo laser đã chứng minh được khả năng tiêu diệt quả đạn này một cách dễ dàng.

Mục tiêu chế pháo mạnh hơn, cơ động hơn

Rheinmetall tuyên bố pháo laser của họ sẽ giảm thời gian để các hệ thống C-RAM (Hệ thống chống rốc két, đạn pháo và cối) có thể tiêu diệt mục tiêu nguy hiểm xuống chỉ còn tính bằng vài giây, ngay cả trong tình trạng điều kiện thời tiết khó khăn.

Thực tế, thời tiết tại bãi thử Ochsenboden ở Thụy Sĩ, nơi màn thử nghiệm diễn ra đã có cả băng giá, mưa, tuyết và ánh sáng mặt trời rất mạnh. Các điều kiện thời tiết này có nghĩa điều kiện thử nghiệm đã không hoàn hảo, nhưng người ta vẫn thu được kết quả hoàn hảo nhất.

Hình ảnh cho thấy pháo laser bắn hạ thành công viên bi sắt với đường kính 82mm

Rheinmetall đã thử một hệ thống pháo laser 10 kW vào năm ngoái. Năm tới, công ty đã có kế hoạch thử nghiệm công nghệ trên một hệ thống pháo 60 kW. Ngoài việc trang bị tia laser mạnh hơn, cỗ pháo mới còn được gắn kèm pháo nòng xoay Ahead Revolver Gun 35mm. Với sự kết hợp của cả hai hệ thống, Rheinmetall hy vọng sẽ tìm ra các phương thức tối ưu trong đó vũ khí laser và pháo tự động có thể sử dụng kết hợp để mang lại hiệu quả ngăn chặn tối đa.

Ngoài ra, công ty đã có đích đến hết sức rõ ràng, rằng pháo laser công suất 100 kW là điều họ đang hướng tới. Cuối cùng, họ sẽ bắt đầu gắn các hệ thống laser cực mạnh này lên những chiếc xe bọc thép TM170. Mục tiêu tối thượng của họ là lắp pháo laser lên các loại xe có thể hoạt động mà không cần vỏ bảo vệ.

Dù công suất pháo mới của Rheinmetall nghe có vẻ nhỏ hơn công suất laser lên tới 200 petawatt (1 petawatt = 1.015 watt), mức công suất 50 kW đã đủ để tạo nên sự khác biệt trên chiến trường.

Loại vũ khí nhiều nơi thèm muốn

Các nhà quan sát nói rằng ngoài các cuốn tiểu thuyết viễn tưởng, ý định sử dụng tia laser để làm vũ khí đã xuất hiện kể từ giữa thế kỷ 20. Ban đầu người ta sử dụng tia laser hóa học, trong đó laser lấy năng lượng từ phản ứng hóa học. Nhưng các hệ thống này cần nhiều thiết bị với kích cỡ lớn, tiêu thụ nhiều nhiên liệu, cần một lượng lớn hóa chất để điều khiển năng lượng. Vũ khí laser hóa học cũng rất độc hại và đòi hỏi người ta phải mặc đồ bảo hộ khi sử dụng.

Sự bất tiện của laser hóa học khiến người ta quan tâm nhiều hơn tới laser thể rắn, vốn dựa vào các vật liệu gốm và thấu kính quang học để tạo tia laser. Chúng có kích cỡ nhỏ, gọn nhẹ và chỉ cần nguồn năng lượng đầu vào là có thể tạo được tia laser. Nhưng cho tới gần đây, tia laser thể rắn vẫn chưa thể đạt được mức sức mạnh ngang với tia laser hóa học nên vẫn chưa thể áp dụng đại trà trong hoạt động quân sự.

Các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc hiện đều đã có các chương trình phát triển năng lượng cao riêng. Trong đó Mỹ đã có nhiều công ty nghiên cứu vũ khí laser và đã đạt được những tiến bộ nhất định.

Đơn cử như trong khuôn khổ Hội chợ hàng không Farnborough hồi năm 2010, công ty Raytheon đã giới thiệu một hệ thống pháo laser công suất 50 kW. Hệ thống mang tên Laser Close-In Weapon System (CIWS) này có thể hoạt động độc lập hoặc sử dụng chung trong một hệ thống phòng thủ phức tạp hơn. Trong các cuộc thử nghiệm diễn ra vào tháng 5 năm đó, tia laser từ hệ thống này đã có thể bắn hạ được một số chiếc máy bay không người lái.

Gần đây, hồi tháng 6/2012, Lục quân Mỹ đã công bố thông tin chi tiết về một loại vũ khí laser khác do họ nghiên cứu và loại vũ khí này có thể bắn tia laser công suất lớn để tiêu diệt mục tiêu chỉ trong cái nháy mắt!

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm