Những động thái “lạ” tại cửa khẩu biên giới Móng Cái

21/08/2012 17:26 GMT+7 | Thế giới

Từ giữa năm 2012 đến nay, hoạt động giao thương với Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đã có những dấu hiệu bất thường làm cho kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ và các tháng trước đó.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do phía Trung Quốc tăng cường các hoạt động kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Ngay cả những loại hàng hóa nguyên liệu thô, thủy sản đông lạnh vốn rất hút hàng thì nay cũng không dễ gì sang được bên kia biên giới.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó chủ tịch UBND thành phố Móng Cái - xác nhận đúng là có những động thái không bình thường trong thời gian qua.

Với lợi thế thành phố cửa khẩu lớn nhất miền Bắc, Móng Cái thường xuyên có trên 400 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh thương mại qua biên giới với Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày có khoảng 450 container hàng hóa xuất nhập khẩu, có trên 1.600 tàu, đò của Việt Nam tham gia vận chuyển hàng hóa chủ yếu trên sông Ka Long và bến Lục Lầm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ năm 2005 đến 2011 đạt 23.866 triệu USD và luôn trong xu thế tăng trưởng.


Tuy nhiên, từ đầu năm 2012 đã có chỉ số giảm. Trong 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố đạt 2.607.641 triệu USD, chỉ bằng 78,9% so với cùng kỳ.

Hiện chưa cập nhật số liệu của tháng 8, nhưng nếu có thì chắc chắn giảm mạnh so với tháng trước. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản như cao su, tinh bột sắn, thuốc lá điếu… Thậm chí ngay cả khoáng sản than, loại hàng hóa thuộc loại đắt khách nhất, chạy nhất thì nay Trung Quốc cũng không có nhu cầu mua của Việt Nam, dù chính hay tiểu ngạch.

Chi cục Hải quan Móng Cái cũng cho biết, tính đến ngày 9/8/2012 trên địa bàn Móng Cái còn tồn 3.860 container, gần một nửa trong số đó với 1.314 container là hàng thực phẩm đông lạnh, phải dùng điện bảo quản tại các kho bãi chờ xuất.

Ông Nguyễn Văn Tính, Trưởng trạm KSLH Km15 - Bến tàu Dân Tiến cho biết thêm, trước kia, thỉnh thoảng cũng có những đợt ứ hàng nhưng không kéo dài, trước sau gì cũng được xuất khẩu. Riêng đợt này, hầu như không có lô hàng nào xuất được sang Trung Quốc, hàng ứ đọng đã nhiều tháng và rất khó để biết cụ thể đến bao giờ thì những "công" hàng tồn đọng này mới được xuất biên. Đặc biệt, đối với hàng tạm nhập tái xuất thì việc ứ đọng lại thêm một gánh nặng nữa cho các lực lượng chức năng...

Một số doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh xuất nhập khẩu vì sốt ruột chờ đợi quá lâu đã tự thăm dò động tĩnh từ phía bên kia biên giới. Thông tin mà họ cung cấp là khoảng một tháng nay, phía Trung Quốc đã bố trí gần như dày đặc các nhà tạm (lán trại, nhà bằng vỏ container, bạt...) làm chốt điểm kiểm soát có vũ trang dọc chiều dài biên giới.

Đáng ngại hơn, một số thương nhân Việt thường xuyên làm ăn với Trung Quốc đã mở tài khoản ngân hàng tại thành phố Đông Hưng (thuộc tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc) để tiện giao dịch, thanh toán. Nhưng từ tháng 7/2012, bất ngờ đã bị phía Trung Quốc phong tỏa. Ngoài ra, một số người Việt Nam lao động theo các hợp đồng tại Trung Quốc khi về nước mang theo tiền lương cũng bị tịch thu tại cửa khẩu.

Cũng có nguồn tin không chính thức nói rằng, Trung Quốc tăng cường kiểm soát khu vực biên giới là nhằm bảo đảm an ninh phục vụ Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc. Đợt 1 "cấm biên" đến hết ngày 31/8/2012, nhưng không rõ sau đó sẽ "mở" biên hay cấm tiếp đợt 2, đợt 3...

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương, Sở Công Thương Quảng Ninh và UBND thành phố Móng Cái đã có cuộc họp khẩn cấp nhằm giải quyết những bế tắc hiện nay trong hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới. Song, chưa có kiến giải quan trọng nào để cải thiện tình hình.

Theo CAND

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm