04/10/2013 07:15 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Đã 17 năm trôi qua, nhưng người dân Mỹ vẫn còn nhớ về mâu thuẫn giữa nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa Newt Gingrich và Tổng thống Mỹ Bill Clinton trên chuyên cơ Air Force One. Lần đó, nước Mỹ cũng phải tạm thời đóng cửa một phần Chính phủ.
Thời điểm đó, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ có cuộc thảo luận về vấn đề ngân sách trên chuyến bay Air Force One kéo dài 25 tiếng trở về từ Israel.
Sự tự ái của lãnh đạo đảng Cộng hòa
Tổng thống Mỹ khi đó, ông Bill Clinton, không hiểu vô tình hay cố ý đã để nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa Newt Gingrich ngồi lặng lẽ trên hàng ghế cuối cùng trong chuyến bay.
Chuyến bay có sự góp mặt của ông Bill Clinton, cựu Tổng thống Jimmy Carter và George HW Bush tới Israel để dự tang lễ của Tổng thống Yitzhak Rabin. Nhà lãnh đạo Israel thiệt mạng trong vụ ám sát vào ngày 4/9/1995.
"Tôi ngồi trên máy bay Air Force One kéo dài 25 tiếng với tư cách là nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa, vậy mà họ (ám chỉ ông Clinton) không hề quan tâm tới sự hiện diện của tôi ở hàng ghế sau"- ông Newt Gingrich trả lời phỏng vấn sau chuyến bay trở về từ Israel.
Những tờ báo lớn ở Mỹ sau đó còn tiết lộ ông Gingrich cảm thấy "tự ái" đến mức đỉnh điểm trên chuyến bay trở về Washington. Trong khi ông Clinton nổi bật ở hàng ghế đầu và bước xuống máy bay từ cửa trước, dưới sự đón chào của ống kính truyền thông, ông Ringrich cùng cộng sự phải lặng lẽ rời máy bay từ cửa sau.
Chỉ vài ngày sau sự kiện tưởng chừng như không ảnh hưởng gì đến cuộc thảo luận chính thức về vấn đề ngân sách, ông Gingrich cùng các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã phủ quyết dự luật về ngân sách để duy trì Chính phủ Mỹ hoạt động. Lý do là ông không đồng tình với những chính sách cắt giảm thuế, hỗ trợ cho người nghèo mà ông Clinton đề xuất.
"Tôi nghĩ rằng ông Clinton hiểu tại sao vấn đề lại trở nên phức tạp như vậy" - Gingrich nói, ám chỉ tới việc mình đã từng bị "bạc đãi" trên chiếc Air Force One.
Hình ảnh không hài lòng của Gingrich sau đó được mô tả như một đứa trẻ đang khóc trên mục biếm họa của tờ New York Daily News. Sợ mất mặt, Gingrich đã phải nói cụ thể hơn về sự kiện trên chuyến bay Air Force One. Theo ông, nguyên nhân do Clinton đã không sử dụng thời gian quý báu trong chuyến bay dài 25 tiếng để thảo luận về vấn đề khủng hoảng ngân sách.
Hậu quả của màn "giận dỗi" là Chính phủ Mỹ đóng cửa kéo dài tổng cộng 28 ngày và nền kinh tế Mỹ phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề. Nó đánh dấu khoảng thời gian chính phỷ Mỹ buộc phải tạm ngừng hoạt động dài nhất trong lịch sử, gồm hai thời điểm, kéo dài từ ngày 14-19 tháng 11 và từ ngày 16/12 tới ngày 6/1.
Thời điểm đầu tiên, khoảng 800.000 nhân viên đã buộc phải nghỉ làm tại nhà. Đây cũng là lần cuối cùng chính phủ Mỹ trả tiền lương cho các nhân viên dù họ buộc phải tạm thời nghỉ làm.
Lần thứ hai, 280.000 nhân viên chính phủ đã phải tạm thời nghỉ việc không lương gây tác động mạnh đến nền kinh tế Mỹ. Tất cả các công viên, tòa nhà liên bang, các công ty dịch vụ du lịch công, phục vụ du khách tới Mỹ đã phải ngưng hoạt động.
Như trò trẻ con
Những chính sách kiên quyết của ông Clinton thời điểm đó về sau đã khiến Gingrich phải chấp nhận hầu hết các điều kiện và thông qua dự luật ngân sách hoạt động, qua đó chấm dứt quãng thời gian tồi tệ nhất trong lịch sử Chính phủ Mỹ.
17 năm đã trôi qua và chính phủ Mỹ giờ đây một lần nữa phải tạm ngừng hoạt động, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không thể đạt được tiếng nói chung về một dự luật liên quan tới ngân sách do Đảng Cộng hòa kiên quyết chỉ chấp nhận thương lượng nếu ông từ bỏ hoặc tạm ngừng chương trình y tế cho người nghèo.
Nhiều người dân Mỹ mô tả việc chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động như một trò chơi trẻ con của những Nghị sỹ tại Quốc hội. Họ đem việc chính phủ phải ngừng hoạt động để gây áp lực lên Tổng thống chỉ vì những dự luật mà họ cảm thấy không thoải mái.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất