Giới đấu giá đau đầu chống đồ cổ Trung Quốc giả

08/02/2012 14:50 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Nicolas Chow đặt một chiếc kính lúp lên một chiếc bình thời Minh để kiểm tra tác phẩm đồ gốm đã 600 năm tuổi. Chow, lãnh đạo phòng nghệ thuật và đồ gốm Trung Quốc tại nhà đấu giá Sotheby's, chỉ ra những bọt khí không đều mà nếu dùng mắt thường sẽ không thể thấy chúng, trên món đồ gốm có màu trắng pha lẫn xanh lam được làm từ đầu thế kỷ 15.

Dấu hiệu đặc biệt này là một trong những điểm nhận dạng để các chuyên gia dựa vào đó xác định liệu một món đồ gốm có giá trị thực nhiều triệu đô la, hay chỉ là một thứ vứt đi không đáng lấy nửa xu.

Sốt làm giả đổ cổ

"Các bọt khí xuất hiện trong quá trình nung. Trong thế kỷ 15, người ta không có một nhiệt độ đều tại các lò nung" - Chow nói về chiếc bình gốm, vốn đã đạt giá gần 22 triệu USD tại một cuộc đấu giá ở Hong Kong hồi năm ngoái, qua đó lập kỷ lục về giá cho một món đồ gốm thời Minh - "Cảm giác về nước men cũng rất quan trọng. Chỉ cần lướt tay anh lên bề mặt chiếc bình là sẽ có câu trả lời. Thợ gốm ngày xưa cũng thực hiện rất nhiều những cuộc kiểm tra kiểu này. Họ sống cùng các tác phẩm của mình. Rất khó để những kẻ giả mạo làm lại món đồ tinh xảo như vậy. Nhưng trên thị trường vẫn tồn tại một mối lo nhất định".

Chow đang kiểm tra một chiếc bình gốm
được cho là làm dưới thời Minh

Nhu cầu sưu tập cổ vật Trung Quốc đã bùng nổ rất mạnh trong thời gian qua, giúp đẩy Hong Kong lên vị trí thứ 3 trên thị trường toàn cầu, chỉ sau London và New York, trong bối cảnh các nhà sưu tập đua nhau trả những khoản tiền có thể khiến kẻ khác trố mắt, để sở hữu một phần lịch sử của nước này.  Giúp làm tăng nhiệt cho cuộc chơi là sự xuất hiện của một tầng lớn những người Trung Quốc siêu giàu, muốn nhân cơ hội để khoe của, dưới cái bóng "giật lại một phần lịch sử và văn hóa Trung Quốc" từ tay những nhà sưu tập phương Tây.

Cùng nhau, các nhà đấu giá Sotheby's và Christie's đã bán được số cổ vật và tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc trị giá 460 triệu USD trong năm ngoái. Tuy nhiên thị trường cũng xuất hiện rất nhiều đồ giả từ những kẻ lưu manh, muốn nhân cơ hội để kiếm quả đậm.

"Có rất nhiều đồ nghệ thuật giả trên thị trường và làn sóng này đang tăng lên bởi giá đồ cổ cũng đang tăng một cách chóng mặt" - Tang Hoi-chiu, curator tại Bảo tàng Nghệ thuật Hong Kong cho biết - "Có những món đồ giả ngoài kia được làm rất giỏi".

Muôn hình vạn trạng đồ giả

Vấn đề đồ giả đã được nêu lên hồi tháng trước, khi người ta đặt nghi vấn quanh tính xác thực của một chiếc bàn trang điểm và ghế đẩu làm từ ngọc bích, được cho là có xuất xứ từ đời Hán ở Trung Quốc. Chiếc ghế đã được bán đấu giá tới mức 35 triệu USD tại đại lục Trung Quốc. Tuy nhiên các chuyên gia hiện đang nghi ngờ liệu đây có phải đồ thật hay không, bởi thời kỳ kéo dài từ năm 206 trước Công nguyên tới năm 220 sau Công nguyên, người Trung Quốc thường ngồi trên sàn nhà, chứ không phải trên ghế đẩu hay ghế dựa, để trang điểm.

Rosemary Scott, giám đốc phòng nghệ thuật châu Á tại nhà đấu giá Christie's nói rằng rất khó để có được thông tin chính xác về nguồn gốc của đồ cổ giả, dù rất nhiều món được làm tại Trung Quốc đại lục. Scott nói rằng một lượng lớn đồ giả được làm rất tệ và bị nhận dạng chỉ sau không quá 30 giây. "Một lần người ta đưa cho tôi xem một món đồ cổ thậm chí còn cao hơn tôi, trong khi lẽ ra nó chỉ cao có 30 cm" - Scott nói.

Nhưng bà thừa nhận có các món đồ cổ được làm giả vô cùng tinh vi và người ta phải mất nhiều thời gian để xem liệu nó có phải đồ xịn hay không. Việc này thường đòi hỏi các nhà đấu giá bỏ ra rất nhiều công sức để kiểm tra. Họ thường dùng nhiều biện pháp xác định khác nhau, gồm đo tuổi carbon để xác định chính xác niên đại. Nhưng quy trình đo tuổi bằng carbon sẽ cần phải lấy mẫu, khiến món đồ gốm bị lõm hoặc bị  kém thẩm mỹ hơn trong mắt các nhà sưu tập khó tính.

Ông tin rằng đồ cổ giả dù làm khéo tới đâu vẫn để lộ ra những đặc điểm khiến chúng bị lật mặt.

Scott nói rằng kiểm tra carbon chỉ là khâu cuối cùng, bởi trước đó bà thường để tác phẩm cho một đội các chuyên gia kiểm tra và đưa ra kết luận về nó. "Liệu món đồ cổ này có hình dáng chuẩn xác không? Bề mặt của nó có đúng như vậy không, màu sắc có chuẩn xác không và có được trang trí bằng đúng loại bút lông không?" - bà nói về những yếu tố sẽ bị kiểm tra.

Và thường khi một món đồ cổ chạm ngưỡng khá khổng lồ, các nhà đấu giá sẽ nhanh chóng ngập lụt trước các món đồ tương tự, dù phần lớn chúng là đồ giả và không thể qua nổi cặp mắt diều hâu của lực lượng kiểm soát. "Chỉ trong vài tuần, chúng tôi đã nhận được vô số bản sao của chiếc bình đạt giá kỷ lục" - Pola Antebi, lãnh đạo phòng đồ gốm và các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc tại nhà đấu giá Christie's ở Hong Kong nói - "Khỏi phải nói kết quả đã khủng khiếp thế nào".

Sự phức tạp chưa dừng lại ở đó. Được biết một số hoàng đế Trung Quốc từng ra lệnh cho cấp dưới phải tái tạo các tác phẩm nghệ thuật có từ thời kỳ trước đây và những món đồ này không bị xem là giả. Ngoài ra còn phải kể tới các món đồ gốm hoặc cổ vật "xịn", nhưng trải qua quãng thời gian kéo dài hàng thế kỷ đã được tút tát nhiều lần.

"Lúc này vấn đề đã trở thành chuyện một món đồ đã qua chỉnh sửa hay chưa, không còn là chuyện thật hay giả nữa. Nhưng các nhà sưu tập thích đồ còn nguyên xi, thứ gì đó chưa bị ai chạm vào" - Antebi nói và cho biết việc tút tát lại món đồ cổ có thể khiến giá của nó giảm mất một nửa hoặc hơn.

Một cuộc chiến khó khăn

Phần lớn đồ xịn có giá trị hiện tới từ các nhà sưu tập có tên tuổi. Nhưng người thường cũng có khả năng đưa tới những món đồ thực, có giá trị, là của gia bảo họ truyền lại qua nhiều đời, hoặc họ vô tình mua được mà không biết nó là kho báu.

"Sự kỳ vọng vào giá trị của những món cổ vật này rất cao. Vì thế sẽ rất khó khăn khi anh phải nói với người ta rằng cổ vật sẽ không mang lại khoản tiền cần thiết để đóng học phí cho con, hay tiền lương hưu để họ sống an nhàn khi về già" -  Antebi kể và cho biết bà thường thông báo tin đồ giả cho những người bán một cách lịch sự và nhẹ nhàng nhất có thể.

Trong nhiều trường hợp, những người bán gọi điện tới và đặt ra quá nhiều câu hỏi, khi họ nhận tin món đồ của mình là giả. Với những người lâu năm trong nghề như Scott, các nhân vật này thường chính là lực lượng làm giả đồ cổ và đồ nghệ thuật, đang dò hỏi về sai sót của chúng nhằm sửa lỗi.

Để đối phó, các nhà đấu giá thường không đưa cổ vật ra trưng bày trong các catalogue giới thiệu mặt hàng đấu giá, nếu nghi ngờ đặc điểm nhận dạng của chúng đã bị lộ và sẽ bị làm giả. "Danh tiếng của chúng tôi quan trọng hơn và đó là thứ chúng tôi phải bảo vệ" - Scott nói.

Với Chow, việc tìm ra đồ giả là một cuộc chiến kéo dài, trong đó phần thắng thường thuộc về phía những người đã có nhiều kinh nghiệm cọ xát. Chow chỉ ra rằng người dày dạn kinh nghiệm thường phân biệt rất nhanh đâu là của thật và đâu là đồ giả. "Sau một thời gian hành nghề, anh sẽ bắt đầu có cảm giác về đồ cổ. Nếu anh nhấc 50 chiếc bình đời Minh lên và cảm thấy một chiếc có vẻ hơi nhẹ quá, giống như cảm giác lúc anh mang theo một chiếc túi bên trong có laptop và lúc khác quên mất nó, thì có nghĩa chắc chắn có đồ giả xuất hiện" - ông nói - "Những tay làm giả có thể bắt chước chuẩn xác một đặc điểm nào đó của đồ thật, nhưng bắt chước tất cả các đặc điểm thì vô cùng khó khăn".

Tường Linh (Theo AFP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm