Phải thi công đường dẫn cầu Nhật Tân cầm chừng suốt 1,5 năm do mặt bằng chậm giải phóng, nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đề nghị được bồi thường 200 tỷ đồng. Bộ Giao thông cho hay, sẽ tính toán mức thiệt hại của doanh nghiệp này.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: ĐL.
Tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về các dự án hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đã đề nghị bồi thường 200 tỷ đồng do chậm tiến độ giao mặt bằng 1,5 năm tại dự án cầu Nhật Tân.
"Chúng tôi đã trao đổi với Đại sứ quán Nhật Bản là chưa bao giờ có tiền lệ đền bù khi chậm giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhà thầu đã phát đơn thì mình phải vào cuộc. Nếu đưa ra tòa, phần đúng thuộc về họ nhiều hơn", Thứ trưởng Trường nói.
Ông Trường cũng cho biết, Bộ Giao thông có tính đến đền bù thiệt hại cho nhà thầu song mức đền bù bao nhiêu thì phải tính toán chặt chẽ và có sự vào cuộc của các cơ quan liên quan.
Khâu giải phóng mặt bằng cầu Nhật Tân do TP Hà Nội thực hiện, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý hạ tầng Tả Ngạn. Trong ba gói thầu của dự án, gói số 3 đường dẫn phía bắc cầu Nhật Tân do Công ty TNHH Xây dựng Tokyu (Nhật Bản) làm nhà thầu chính được khởi công tháng 3-2009.
Mặc dù đã được khởi công, song nhà thầu phải thi công cầm chừng do thiếu mặt bằng. Tiến độ bàn giao mặt bằng của dự án này đã nhiều lần phải gia hạn cho các địa phương vì lý do như thiếu nhà tái định cư, chậm lên phương án đền bù, dân không đồng thuận... Hiện, khu vực đảo giao thông tại nút giao Phú Thượng, quận Tây Hồ vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án như đường Nhật Tân - Nội Bài, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên...
"Cần có giải pháp để các dự án trên địa bàn Hà Nội rút ngắn tiến độ 3 - 6 tháng. Thời gian qua, vành đai 3 trên cao đã có gói thầu rút ngắn tiến độ 15 tháng", lãnh đạo Bộ Giao thông bày tỏ.
Theo quy hoạch tổng thể, dự án cầu Nhật Tân là một trong 7 cầu bắc qua sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Với thiết kế dây văng, cầu bắt đầu tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đến điểm cuối giao với quốc lộ 3 (huyện Đông Anh). Cầu được thiết kế vĩnh cửu với kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, thép và dây văng. Chiều dài toàn tuyến là 8,4 km, trong đó cầu dài 3,9 km, đường dẫn 4,5 km, chiều rộng đảm bảo cho 8 làn xe, trong đó 6 làn xe cơ giới.
Dự án có tổng mức đầu tư 7.530 tỷ đồng, gồm vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Sau khi hoàn thành, cầu Nhật Tân sẽ giảm tải cho cầu Chương Dương, rút ngắn quãng đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thủ đô.
Theo kế hoạch, tháng 10-2014, cây cầu này sẽ hoàn thiện và đi vào khai thác. Tuy nhiên, hiện các nhà thầu mới hoàn thành được 60% khối lượng công việc.
Theo Đoàn Loan
VnExpress