Chảo lửa Trung Đông đang kề cận bờ vực chiến tranh​

09/01/2020 08:30 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đúng như lời cảnh báo sau vụ Mỹ sát hại Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qassem Soleimani ngày 3/1 vừa qua, Iran ngày 8-1 đã tiến hành trả đũa Mỹ bằng việc phóng loạt hàng chục tên lửa vào hai căn cứ của Mỹ và liên quân tại Iraq. Những đòn trả đũa “ăn miếng, trả miếng” giữa Mỹ và Iran này đang đẩy Trung Đông tới sát bờ vực chiến tranh hơn bao giờ hết.   

Rủi ro khó lường với Trung Đông sau diễn biến bất ổn tại Iraq

Rủi ro khó lường với Trung Đông sau diễn biến bất ổn tại Iraq

Tình hình tại Iraq trở nên bất ổn khi hàng nghìn người biểu tình ủng hộ lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi bao vây và tấn công phá hoại tòa nhà đại sứ quán Mỹ nhằm phản đối các cuộc không kích của quân đội Mỹ khiến hàng chục tay súng thuộc một nhánh của lực lượng này thiệt mạng.

Căng thẳng không ngừng leo thang   

Ngay từ những ngày đầu của năm mới 2020, căng thẳng ở Trung Đông đã dâng cao sau sự việc quân đội Mỹ ngày 3-1 tiến hành vụ không kích nhằm vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad, làm Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và chỉ huy lực lượng dân quân Hashed al-Shaabi của Iraq al-Husssaini thiệt mạng. Vụ việc đã ngay lập tức thổi bùng ngọn lửa căng thẳng giữa Iran, Iraq và Mỹ nói riêng và tạo ra nhiều rủi ro tiềm ẩn cho khu vực Trung Đông nói chung.   

Sau vụ việc trên, Iran tuyên bố sẽ trả thù vụ không kích của Mỹ và cảnh báo Mỹ sẽ phải trả cái giá rất đắt. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ “đáp trả mạnh chưa từng thấy” và sẽ sử dụng vũ khí “hoàn toàn mới” nhằm vào 52 mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran, nếu Tehran dám tấn công trả đũa Mỹ. Theo giới phân tích, con số 52 mục tiêu trên được xem là tượng trưng cho số người Mỹ từng bị giữ làm con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran trong hơn một năm bắt đầu từ cuối năm 1979.   

Đáp lại những lời đe dọa của Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã nhắc lại vụ tàu chiến của Mỹ bắn hạ một máy bay Iran mang số hiệu IR655 hồi năm 1988 làm 290 người thiệt mạng và khẳng định “đừng bao giờ đe dọa dân tộc Iran”.   

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ tại một căn cứ của liên quân ở ngoại ô thị trấn Ras al-Ain, tỉnh Hasakeh, Syria ngày 6/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, chính phủ Iran ngày 5-1 đã thông báo quyết định thực hiện bước đi thứ 5 và là bước đi cuối cùng cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Iran ký với các cường quốc P5+1 hồi năm 2015, hay còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo đó, Iran tuyên bố nước này sẽ không còn tuân thủ các giới hạn vận hành trong công nghiệp hạt nhân, gồm cả các yếu tố liên quan tới năng lực và mức độ làm giàu uranium, số nhiên liệu làm giàu cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Chính phủ Iran khẳng định, sau bước đi trên, Iran sẽ theo đuổi chương trình hạt nhân dựa trên nhu cầu về công nghệ. Tuy nhiên nước này khẳng định vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) như nước này đã từng làm trong quá khứ.   

Tiếp đó, ngày 7-1, Quốc hội Iran tiến hành bỏ phiếu liệt Bộ Quốc phòng Mỹ (Lầu Năm góc) là "tổ chức khủng bố" và chịu sự trừng phạt của Tehran. Theo đó tất cả các thành viên Lầu Năm góc, các tổ chức và công ty trực thuộc cùng các chỉ huy Mỹ lên kế hoạch và thực hiện vụ sát hại Tướng Qassem Soleiman ngày 3-1 vừa qua đều bị liệt vào "danh sách đen". Động thái trên được Iran đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ. Ông Zarif vốn dự kiến sẽ tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra vào ngày 9-1-2020 tại thành phố New York, Mỹ, với nội dung chính là tình trạng căng thẳng đang ngày càng leo thang giữa Washington và Tehran.   

Cũng trong ngày 7-1, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani cho biết Iran đang cân nhắc 13 "kịch bản trả thù" nhằm đáp trả cuộc không kích sát hại Tướng Qassem Soleimani.   

Có thể thấy, những diễn biến trên cho thấy căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông “nóng” lên từng ngày. Và trong một động thái được xem là đẩy “chảo lửa” Trung Đông đến sát bờ vực chiến tranh, rạng sáng ngày 8-1-2020, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tiến hành dồn dập hai đợt tấn công bằng tên lửa vào 2 căn cứ quân sự Ain al-Asad và Irbill, nơi có binh sĩ Mỹ và liên quân đồn trú ở Iraq. Đây được coi là hành động đáp trả trực diện của Iran nhằm trả thù cho vụ Tướng Qassem Soleimani bị Mỹ hạ sát, cũng là câu trả lời của Iran cho những lời đe dọa tung đòn không kích của Tổng thống Donald Trump.   

IRGC tuyên bố cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ của Mỹ tại Iraq là một phần chiến dịch trả thù của Iran đối với vụ sát hại Tướng Soleimani, đồng thời cảnh báo nhiều cuộc tấn công nữa có thể diễn ra. Trong khi đó, Cố vấn Tổng thống Iran, ông Hessameddin Ashena tuyên bố bất cứ hành động trả đũa nào của Washington sau các vụ tấn công tên lửa của Tehran nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq đều có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực Trung Đông. Còn Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thì khẳng định nước này “đã tiến hành và hoàn tất” các hành động đáp trả tương xứng nhằm vào Mỹ, song "Iran không tìm cách leo thang căng thẳng hay chiến tranh, nhưng sẽ tự vệ trước bất kỳ hành động gây hấn nào".    

Đáp trả trước tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 8-1 của Tổng thống Mỹ Trump rằng “Mọi thứ đều ổn” sau loạt vụ tấn công tên lửa của Iran, truyền thông nhà nước Iran cho rằng, Tổng thống Mỹ đã cố tình giảm mức độ thiệt hại mà nước này vừa trải qua. Theo truyền hình Iran, ít nhất 80 "phần tử khủng bố Mỹ" đã bị tiêu diệt trong các vụ tấn công sử dụng 15 tên lửa mà Tehran vừa tiến hành nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq, đồng thời lưu ý không tên lửa nào trong số này bị đánh chặn.  Đài truyền hình Iran còn dẫn một nguồn tin cấp cao trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho hay, Iran có 100 mục tiêu khác trong khu vực nằm trong tầm ngắm của mình nếu Washington thực hiện bất kỳ biện pháp đáp trả nào.

Chú thích ảnh
Tên lửa được phóng từ Iran nhằm vào các mục tiêu quân sự của Mỹ ở Iraq. Ảnh: IRNA/TTXVN

Liệu có chiến tranh?   

Cuộc tập kích tên lửa của Iran sáng ngày 8-1 đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột quân sự trực diện giữa Mỹ và Iran tại vùng Vịnh. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, bước đi tiếp theo của hai nước sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ thiệt hại của lực lượng quân sự Mỹ sau cuộc tập kích tên lửa của Iran vào sáng ngày 8-1. Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về cách phản ứng đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Dự kiến Tổng thống Trump sẽ đưa ra tuyên bố chính thức vào sáng ngày 9-1.   

Trước phản ứng có phần bình thản của Tổng thống Trump trước “đòn trả đũa” của Iran, giới quan sát đã đưa ra những lý giải khác nhau. Phát biểu với VOX, Chuyên gia Ilan Goldenberg-Giám đốc Chương trình an ninh Trung Đông thuộc Trung tâm vì An ninh mới của Mỹ-nhận định, sở dĩ chính quyền Tổng thống Trump chưa vội vã đưa ra phản ứng đáp trả là bởi họ đang xem xét đánh giá thiệt hại sau các cuộc không kích của Iran, suy tính nhiều kịch bản khác nhau, cân nhắc giữa được và mất. Một cách giải thích khác thì cho rằng các đợt tấn công của Iran “không thực sự nghiêm trọng”.   

Các chuyên gia khác nhận định, thực hiện tấn công bằng tên lửa vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq để trả thù cho Thiếu tướng Qasem Soleimani bị Mỹ sát hại, Iran đang chơi một canh bạc mạo hiểm. Tướng Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran, chỉ sau nhà lãnh đạo tối cao-Đại giáo chủ Ali Khamene. Là một người cộng sự tin cậy và trung thành với ông Khamenei, Tướng Soleimani có ảnh hưởng lớn trong việc định hình chính sách đối ngoại của Tehran. Hay nói đúng hơn, ông chính là “đạo diễn” kiêm “tác giả” của nhiều chính sách cũng như chiến lược của Tehran đối với Syria, Iraq, Liban, Dải Gaza… Trong hầu hết mọi cuộc xung đột ở Trung Đông, Tướng Soleimani được giới phân tích khu vực đánh giá là có vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy cán cân quyền lực trong khu vực theo chiều hướng có lợi cho Tehran. Do vậy, cái chết của nhân vật nhiều ảnh hưởng này chắc chắn sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng và bộ máy quân sự của Iran.   

Với mất mát và tổn thất lớn đến như vậy, Iran chắc chắn phải có hành động trả đũa. Vì thế, hành động trả đũa công khai của Iran vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq ngày 8-1 có ý nghĩa quan trọng, một mặt nhằm trấn an dư luận trong nước nhưng mặt khác cũng chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy được Iran là quốc gia mạnh mẽ và rắn rỏi, không lùi bước trước mọi mối đe dọa. Theo chuyên gia phân tích Ilan Goldenberg, ngoài hành động quân sự “nóng” là tấn công tên lửa vào căn cứ của Mỹ ở Iraq, Iran còn có thể thực hiện các biện pháp đáp trả khác theo thời gian, cả công khai lẫn bí mật, như tấn công mạng máy tính của Mỹ, tấn công các đại sứ quán Mỹ hay thực hiện những vụ ám sát quan chức Mỹ…   

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, thực hiện loạt vụ tấn công tên lửa đáp trả Mỹ ngày 8-1 song các tuyên bố của Iran cho thấy nước này không muốn kích hoạt một cuộc chiến tranh toàn diện. Bằng chứng là lời khẳng định của Ngoại trưởng Iran Zarif rằng Iran không muốn leo thang căng thẳng hay chiến tranh. Cho dù đang rất “sôi sục” muốn trả đũa, nhưng Iran trong tình hình hiện nay, xét về cả thế và lực, cũng không đủ khả năng để có thể phát động một cuộc chiến tranh tổng lực, quy mô lớn chống Mỹ vì nó sẽ kích hoạt những biện pháp đáp trả tương xứng từ phía Washington, và khi ấy Tehran khó có thể chống đỡ được.   

Vì vậy, đánh giá về nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Mỹ với Iran, chuyên gia phân tích Ilan Goldenberg cho rằng: “Hiện tại, các bên không phải trong tình trạng chiến tranh mà chỉ ở trong tình huống căng thẳng gia tăng”. Hơn nữa, để có thể phát động một cuộc chiến tranh, chính quyền Trump cũng cần phải có được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Điều này được xem là không dễ dàng khi mà tại Quốc hội Mỹ, phe Dân chủ vẫn đang cực lực phản đối những hành động của chính quyền Tổng thống Trump trong những ngày qua ở vùng Vịnh. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi mới đây cho biết, Hạ viện dự kiến sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu trong tuần này về Nghị quyết Quyền hạn chiến tranh để hạn chế khả năng hành động của Tổng thống Trump chống lại Iran.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm