06/03/2020 17:37 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/3, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 952/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thẩm định Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung.
Theo đó, Bộ VHTTDL thỏa thuận Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lăng miếu Triệu Tường (giai đoạn 2), bao gồm các nội dung:
Đối với Miếu Triệu Tường: Phục dựng Đông - Tây phối điện (2 bên Nguyên Miếu); Phục dựng Miếu thờ, cổng thành ngoài, cổng thành trong, cổng Nam thành trong, tường thành nội và thành ngoại, tường thành và cổng thành các phía còn lại, hồ trước Nguyên Miếu và hồ 2 bên cổng Nam thành nội, hào nước và cầu qua hào, hạ tầng kỹ thuật trong di tích.
Đối với Lăng Trường Nguyên: Tôn tạo Phương cơ, nhà bia, bình phong, la thành, nhà sắp lễ thay lễ phục, miều thờ thần núi Triệu Tường, bình phong trước miếu; xây dựng nhà vệ sinh; Di dời dân cư và mộ trong khu vực Lăng Trường Nguyên.
Đối với Đền Ông: xây dựng cổng đền; tôn tạo sân lễ hội, bãi xe, nhà Ban quản lý, nhà dịch vụ, nhà nghỉ chân, nhà vệ sinh.
Tuy nhiên, Bộ VHTTDL lưu ý: Các công trình phục dựng cần bám sát kết quả khai quật khảo cổ và tư liệu lịch sử. Việc mở rộng đất gắn với việc tu bổ, tôn tạo di tích cần có sự đồng thuận của dòng họ, nhân dân và chính quyền địa phương.
Đồng thời, đối với Miếu Triệu Tường: Không phục dựng Công quán, nhà kho, trại lính và công trình phía sau Công quán; Tiến hành lấp, bảo vệ hố khảo cổ và cắm biển giới thiệu các nền móng công trình khảo cổ; Bổ sung giải pháp bảo vệ đối với các dấu tích khảo cổ trong phương án phục dựng tường thành, Đông - Tây phối điện, cổng thành và cầu. Bên cạnh đó, căn cứ quy mô công trình Nguyên Miếu hiện có để tính toán giảm quy mô thiết kế cổng Nam thành Nội và Đông - Tây phối điện.
Đối với Lăng Trường Nguyên: Đổi tên "Nhà thay lễ phục" bằng "nhà đón tiếp - soạn lễ và trông nom di tích"; Điều chỉnh phương án phục dựng công trình miếu Thần có quy mô 1 gian, 2 chái.
Đối với Đền Đức Ông: Tính toán giảm quy mô thiết kế cổng Đền để phù hợp với quy mô các công trình hiện có trong di tích; Không phục dựng Tả vu, Hữu vu; Điều chỉnh phương án phục dựng đền Đức Ông có quy mô 1 tầng mái (không thiết kế công trình có bố cục mặt bằng chữ "Đinh", 2 tầng mái) và kiến trúc của công trình tương đồng kiến trúc với các công trình hiện có trong di tích.
Ngoài ra, nghiên cứu phương án xây dựng 01 công trình mang tính biểu tượng thay cho phương án xây dựng phù điêu.
Bộ VHTTDL có ý kiến để UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ Dự án, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trước nhân dân địa phương để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định pháp luật hiện hành.
Di tích lăng miếu Triệu Tường là nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm, miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc. Các nhà sử học coi khu di tích này là “kinh thành Huế thu nhỏ”.
Trở lại cội nguồn lịch sử, vào cuối đời Hậu Lê, Nguyễn Kim (hậu duệ của Nguyễn Công Duẩn) là một tướng giỏi có nhiều công lao được phong tước An Thành Hầu. Năm 1527, sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi lập nên triều Mạc. Không từ bỏ ý chí, Nguyễn Kim chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh lên Sầm Châu - vùng Thanh Hoá giáp Lào lập bản doanh phò Lê diệt Mạc
Năm 1545, khi Nguyễn Kim mất được đưa đến án tang tại núi Thiên Tôn. Năm 1803 vua Gia Long cho xây gần đó một miếu 3 gian 2 chái thờ Nguyễn Kim và để thờ vọng Nguyễn Hoàng (1558 – 1613). Miếu được đặt tên là Nguyên miếu (sau còn gọi là miếu Triệu Tường). Cạnh đó còn có miếu thờ Trừng Quốc Công thân phụ Nguyễn Kim.
Năm 1808, Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là lăng Trường Nguyên (lăng này không có dấu vết rõ ràng nên chỉ xây nên một nền vuông để bái yết và cúng tế).
Làng Gia Miêu trước kia thuộc huyện Tống Sơn (Hà Trung ngày nay) là quê hương gốc rể cội nguồn của Hòang tộc Nguyễn ở Thanh Hóa. Vì tính chất thiêng liêng đặc biệt ấy nên nhà Nguyễn gọi Gia Miêu là đất Quý Hương (tên Nôm gọi là Bái Đền), gọi huyện Tống Sơn là Quý Huyện. Khu di tích nầy có ba địa điểm nổi tiếng gồm Lăng Triệu Tường, miếu Triệu Tường và đình Gia Miêu.
Giai đoạn sau năm 1975, do những quan điểm sai lầm thời bao cấp, Miếu Triệu Tường đã bị phá hủy hoàn toàn. Đến nay, Khu di tích lăng miếu Triệu Tường đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Khôi Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất