Thăng Long giữa 'kinh' và 'tỉnh', giữa 'thị' và 'đô'

19/06/2021 06:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Công trình Thăng Long - Kinh Kì - Kẻ Chợ (Thời Lê - Trịnh; Thời Tây Sơn và nhà Nguyễn; NXB Kim Đồng, 2021) của Nguyễn Quốc Tín và Nguyễn Huy Thắng đã tiếp cận lịch sử gần 350 năm của Thăng Long - Hà Nội (1527 - 1873) từ những giao thoa của chất “kinh” và “tỉnh”, chất “thị” và “đô”, dưới một góc nhìn hòa trộn giữa “sử” và “truyện” đủ chính xác và đầy cuốn hút.

Phục dựng điện Kính Thiên, hoàn trả hồn cốt cho Hoàng thành Thăng Long

Phục dựng điện Kính Thiên, hoàn trả hồn cốt cho Hoàng thành Thăng Long

Mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đặt quyết tâm trong việc phục dựng Điện Kính Thiên, hoàn trả hồn cốt cho di sản Hoàng thành Thăng Long.

Với vị thế đế kinh, Thăng Long không phải luôn yên ổn với “cương vị” của mình mà vẫn có lúc bị “cạnh tranh”, san sẻ quyền lực hay bị “thất sủng” theo cách này hay cách khác.

Dưới thời Lê, Đông Kinh (Thăng Long) bị chia sẻ trách nhiệm bởi Dương Kinh của nhà Mạc và thậm chí bị “đối địch” (đúng hơn là “đối trọng”) bởi hành cung Vạn Lại của nhà Lê ở Thanh Hóa. Dương Kinh là do nhà Mạc lập ra ở Cổ Trai (nay là Kiến Thụy, Hải Phòng) và Vạn Lại là do Trịnh Kiểm thay vua Lê lập ra tại sách Vạn Lại (nay thuộc Thọ Xuân, Thanh Hóa). Những dấu tích của Dương Kinh và Vạn Lại dẫu không còn hoặc chỉ còn khá ít ỏi nhưng cũng cho thấy sự tang thương của thời cuộc mà Thăng Long, Dương Kinh hay Vạn Lại từng trải qua, hay đúng hơn là những tang thương mà các đời vua Lê từ thời Lê Trung hưng trở về sau từng nếm trải.

Sự kiện năm Ất Sửu (1805) thành Thăng Long bị vua Gia Long cho phá đi và xây lại vì... hơi to, “cho tương xứng với vị trí một trấn thành” đánh dấu sự chính thức sắm vai “hàng tỉnh” của kinh đô một thời.

Năm 1831, vua Minh Mạng chia đặt lại các tỉnh trong cả nước, tên gọi “Hà Nội” ra đời từ đó. Trong bộ sách này, những trang sử của Thăng Long - Hà Nội được kể tới năm 1873, khi thành Hà Nội thất thủ trước đạn pháo của giặc Pháp do Garnier dẫn đầu.

Thăng Long giữa 'kinh' và 'tỉnh', giữa 'thị' và 'đô' - Ảnh 1.

Bộ sách “Thăng Long - Kinh Kì - Kẻ Chợ” của Nguyễn Quốc Tín và Nguyễn Huy Thắng

Diện mạo mới cho Kinh Kì

Dưới ngòi bút của Nguyễn Quốc Tín và Nguyễn Huy Thắng, sự “thăng trầm quyền lực” của Thăng Long - Hà Nội (1527 - 1873) hiện lên theo những mảng, miếng được sắp đặt tưởng chừng như ngẫu nhiên chứ không bị lệ thuộc vào mạch thời gian của sử biên niên, từ những câu chuyện xung quanh “Đông Kinh những năm bình yên ngắn ngủi” (sau thời kì “Giặc bên ngoài chưa yên, các quyền thần đánh giết lẫn nhau, dưới cửa khuyết máu dây đầy chốn kinh sư, Mặt trời vàng tối, đất nước càng ngày càng suy” - như ghi chép của Đại Việt sử kí toàn thư) đến “Trận đánh quyết định ở Đông Kinh” (năm 1592 do Tiết chế Trịnh Tùng chỉ huy 6 vạn quân từ Thanh Hóa ra Thăng Long quyết chiến với nhà Mạc khiến nhà Mạc thua trận phải rút lên Cao Bằng) rồi cảnh “Thăng Long điêu tàn”, “Vua Lê về lại Hoàng thành” để làm vua theo kiểu làm vì, trở thành những ông vua “ngoan” do chúa Trịnh “đào tạo”...

Sự xuất hiện của nhà chúa (mà trực tiếp là chúa Trịnh) đã mang lại một “Diện mạo mới cho Kinh Kì” mà ở đó, theo ghi chép của một giáo sĩ nước ngoài vào năm 1626 - vừa tròn một thế kỷ kể từ ngày Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527): “Đông Kinh không có thành trì, hào lũy và các cơ quan phòng thủ mà giống như một đô thị mở ở châu Âu, điều hiếm thấy ở châu Á vào thời điểm đó. Cung điện lợp ngói, tường xây đá to, chạm trổ đẹp. Chu vi 5, 6 dặm, dân cư đông đúc, nằm trên một con sông rộng ăn ra biển, cách 18 dặm”.

Trong khung cảnh đó, nổi bật lên là “Nguy nga phủ Trịnh”, còn được gọi là Vương phủ, Chính phủ, Soái phủ hay Nội phủ mà theo nhiều ý kiến thì đó là một khu vực hình chữ nhật với “2 bề dọc là 2 đoạn đầu phố Bà Triệu và Quang Trung, 2 bề ngang là 2 đoạn giữa phố Hai Bà Trưng và Trần Hưng Đạo” ngày nay, bao gồm “không những một cụm các lâu đài mà cả một thành phố rất đẹp và rộng” với “số lính canh và các quan võ rất đông, voi ngựa và khí giới đạn dược rất kỳ lạ và vượt quá sự tưởng tượng của mọi người” như lời kể của giáo sĩ người Italy - Mirini...

Sự kiện ngày 21/12/1873, Garnier đã bị quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc giết chết là sự kiện khép lại những trang sử của Thăng Long - Kinh Kì - Kẻ Chợ trong gần 350 năm đó.

Thăng Long giữa 'kinh' và 'tỉnh', giữa 'thị' và 'đô' - Ảnh 2.

Chốn thượng đô của kinh sư muôn đời, chốn tụ hội quan yếu của bốn phương

Xuất phát là, và được kỳ vọng, được xây dựng làm “vạn thế kinh sư chi thượng đô” (là chốn thượng đô của kinh sư muôn đời), Thăng Long vốn là đế đô, là thượng đô, kinh đô đồng thời cũng là nơi “tứ phương bức thấu chi yếu hội” (chốn tụ hội quan yếu của 4 phương) và là trung tâm kinh tế của cả nước.

Dẫu chất “đô” thường mạnh hơn chất “thị” nhưng chất “Kẻ Chợ” vẫn là một đặc trưng không thể trộn lẫn của đất Kinh Kì, như Nguyễn Huy Thắng và Nguyễn Quốc Tín đã viết trong bộ sách: “Các khu buôn bán, khu sĩ hoạn, khu vực hành chính, kể cả vương phủ cùng đan xen nhau, trong nhiều trường hợp còn hòa quyện vào nhau, như khu phủ chúa gần kề các làng nghề phường thợ, khu sĩ hoạn gần nơi buôn bán... Điều này đã dẫn đến cách gọi Kẻ Chợ để chỉ người Thăng Long, rồi là cả đất Thăng Long truyền thống và đổi thay. [...] “Chất” Kẻ Chợ thực sự đã hình thành, hiện hữu ở người Thăng Long - Hà Nội mà người ta không thể gọi theo cách nào khác” và “nếu như cái tên mới Hà Nội do nhà Nguyễn đặt ra, ban đầu khó được người dân chấp nhận, thì người ta vẫn quen gọi Thăng Long bằng cái tên nôm na Kẻ Chợ như tự thuở nào”.

Chất Kẻ Chợ đó hiện lên qua ca dao, qua những biểu hiện của sự hội ngộ Đông - Tây, sự xuất hiện của các thương nhân phương Tây, sự hình thành của các khu phố người Hoa... Ở đó, từ chỗ là nơi hội tụ của thợ khéo trăm miền (Kẻ Vọng khéo ngọc khéo ngà/ Đưa nhau đi bán cho nhà giàu sang/ Kẻ Lủ thì bán bỏng rang/ Trên ô Hàng Đậu lắm hàng nhiều thay), Kẻ Chợ đã trở thành “chợ của các chợ”, phù hợp với sự “bùng nổ dân số cơ học” từ đầu thế kỷ 17, sau khi kết thúc chiến tranh Lê - Mạc. Những chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử, chợ Ông Nước, chợ Mới, chợ Đông... là “chợ đầu mối” đương thời, để từ đó hàng hóa theo mọi ngả (cả đường bộ, và đường thủy như sông Hồng, sông Tô Lịch) tỏa đi các nhánh, phục vụ nhu cầu của quý tộc, quan lại, cư dân, binh lính, nho sĩ lên kinh thành du học...

Các “chợ đầu mối” đó được “tiếp sức” bởi các chợ nhỏ, lẻ như chợ Gạo, chợ Cá, chợ Đuổi, chợ Hôm... Những phiên chợ, theo miêu tả của tác giả bộ sách, đã trở thành những “ngày hội” mà mọi người đến đó không chỉ để buôn bán mà đôi khi đến như một thú vui, một thói quen, đến để gặp gỡ bạn bè hay thậm chí đến chỉ để... ăn quà.

Nơi hội tụ của các tài hoa

Là một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa, Thăng Long - Hà Nội được khai thác cả ở yếu tố “đô” và “thị” nhưng vượt lên trên điều đó, đến một tầm mức nhất định, chất Kẻ Chợ hiện lên qua những giá trị văn hiến, nghệ thuật, như sự xuất hiện của vài hiệu ảnh đầu tiên mang kỹ thuật phương Tây về và bọc lên đó ý nghĩa của đạo hiếu trong tên gọi “Cảm Hiếu đường”... Thăng Long - Hà Nội ở đây gắn với “Ngũ Long lâu”, hay “Vườn Thượng uyển và đêm hội Long Trì”, liên quan tới những nhân vật lừng lẫy như Trịnh Tùng, Bảng Đôn, Minh Mạng... nhưng trên hết, mảnh đất này vẫn là “nơi hội tụ của các tài hoa”, là vùng đất của “phố và phường”, “nơi Đông Tây hội ngộ”, có vẻ đẹp kết tinh từ những vật “trơ gan cùng tuế nguyệt” như “bảng vàng bia đá” hay chỉ mong manh như một áng văn Nôm (Tụng Tây hồ phú)...

Dẫu nhìn từ khía cạnh nào thì vẫn thấp thoáng hình bóng của những con người bình dị, “những cuộc đời đã hóa núi sông ta”, như tác giả Nguyễn Huy Thắng chia sẻ: “Thời cuộc có thể thay đổi. Thăng Long - Hà Nội có thể là kinh đô hay không trong trường kỳ lịch sử. Điều làm nên diện mạo đích thực của mảnh đất này vẫn là những người dân của nó. Dù họ là người gốc gác ở đây hay người các nơi kéo về sinh cơ lập nghiệp, dù họ lo làm ăn buôn bán hay đến để tầm sư học đạo... tất cả đều được dung nạp để dần trở thành những người mang chung một bản sắc, được trộn lẫn bởi 2 yếu tố: Người dân Kinh Kì và người dân Kẻ Chợ”.

Chất “sử” hòa quyện cùng chất “truyện”

Thu thập thông tin từ nhiều nguồn, từ sử sách chính thống của các triều đại xưa (Đại Việt sử ký toàn thư) đến các tác phẩm văn học dân gian (ca dao, tục ngữ...), tác phẩm văn học viết (Hoàng Lê nhất thống chí, Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút...), từ ghi chép của người trong nước (Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú) đến các ghi chép của người nước ngoài (Một chuyến du lịch đến Đàng Ngoài năm 1688 của W. Dampier...)... công trình Thăng Long - Kinh Kì - Kẻ Chợ của Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng viết theo lối đan cài, nhẹ nhàng, vừa rõ là “sử” nhưng cũng đầy chất “truyện”, nhẹ nhàng và gần gũi, vừa có phong khí trầm lắng của sử cũ nhưng cũng có sự thân thương của lời kể bình dân, có say sưa, có tiết chế, khách quan và tràn đầy xúc cảm.

Dù trong thực tế hay trong sách vở, Thăng Long - Kinh Kì - Kẻ Chợ - Hà Nội luôn đáng yêu và đáng yêu một cách bộn bề. Người yêu Thăng Long - Hà Nội có thể yêu mảnh đất này một cách thuần túy cảm xúc nhưng không nên và không thể lạc lối trong sự bộn bề (dẫu đáng yêu) đó. Công trình của Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng dẫn người đọc vào một trong những lối đi cho tình yêu ấy: Vượt lên sự bộn bề, đủ sâu sắc, và đầy trí tuệ.

Văn Uyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm