26/04/2023 16:06 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Cậu bé thần đồng 2 tuổi đã biết chữ, 4 tuổi đã học xong cấp 2, 13 tuổi vào đại học cuối cùng lại có cái kết buồn.
Người ta nói “cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái”, giáo dục gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi người. Tuy nhiên, một số bậc cha mẹ vì mong muốn con mình thành “con rồng cháu phượng” nên đã hủy hoại chính tương lai của chúng.
Ngụy Vĩnh Khang sinh năm 1983 trong một gia đình bình thường ở huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Cha anh là một thương binh, mẹ làm lao động chính trong nhà với thu nhập ít ỏi của một nhân viên của một cửa hàng bách hóa. Sau khi Ngụy Vĩnh Khang ra đời, cậu bé đã trở thành niềm hy vọng của cả gia đình. Khi mới chỉ vài tháng tuổi, mẹ cậu đã dạy con đọc chữ và đọc thơ Đường cho Vĩnh Khang nghe. Năm 2 tuổi, khi đứa trẻ khác còn mới biết nói, Ngụy Vĩnh Khang đã biết hơn 1.000 chữ Hán và hoàn thành chương trình trung học cơ sở căn bản khi mới 4 tuổi.
Cậu bé nông thôn nghèo từ nhỏ đã bộc lộ tài năng học tập đáng kinh ngạc nên ở trường tiểu học, Ngụy Vĩnh Khang chỉ học lớp 2 và lớp 6, bỏ qua mọi lớp học khác và vào thẳng trường cấp hai trọng điểm khi mới 8 tuổi. 13 tuổi, thần đồng “ngàn năm có một” này trở thành sinh viên đại học trẻ nhất ở Hồ Nam. Năm 17 tuổi, anh được nhận vào Học viện Khoa học Trung Quốc và trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Bộ não thần đồng của Ngụy Vĩnh Khang đã khiến anh nổi tiếng toàn quốc từ khi còn rất nhỏ. Ở quê hương, anh là niềm tự hào của mọi người. Ở huyện Hoa Dung, một số người có thể không biết tên của bí thư quận ủy nhưng chắc chắn ai cũng phải biết tên Ngụy Vĩnh Khang.
Mẹ của Ngụy Vĩnh Khang - Tằng Học Mai, tin rằng chỉ cần con mình học giỏi thì sẽ có một tương lai tươi sáng. Vì vậy, ngay từ khi con còn bé, bà đã xác định để con tập trung 100% vào việc học không bao giờ để con trai can thiệp vào bất kỳ việc nhà nào. Không chỉ đơn thuần là giúp giặt giũ, nấu nướng mà bà còn rửa mặt, tắm rửa, làm vệ sinh cá nhân giúp con. Để không làm tốn thời gian học hành của con trai, bà Tằng đã đích thân đút từng thìa cơm cho cậu bé ăn.
Cậu bé thiên tài đã được mẹ kè kè theo bên cạnh suốt quãng đường cấp ba và thậm chí là đại học. Không có mẹ, Ngụy Vĩnh Khang không biết lo việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày như thế nào. Và kiểu giáo dục này đã khiến thần đồng sụp đổ, ngay cả khi mang bộ óc thông minh hơn người.
Cả đời chỉ biết cắm mặt vào trang sách, Ngụy Vĩnh Khang hoàn toàn không có kiến thức xã hội, vô cùng thiếu khả năng tự chăm sóc bản thân. Khi còn học ở Bắc Kinh, anh đã từng nhất quyết muốn sống một mình, rời xa khỏi sự che chở của mẹ. Người xung quanh miêu tả ngoài giỏi sách vở ra, thiên tài này không khác gì một kẻ ngốc, thậm chí giữa mùa đông lạnh của phương Bắc, anh cũng chỉ mặc một cái áo mỏng và đi dép lê ra ngoài.
Vì không có khả năng tự mình sắp xếp cuộc sống căn bản, Vĩnh Khang rơi vào khủng hoảng và đã bị Học viện Khoa học Trung Quốc đuổi học. Một thiên tài từng nổi tiếng toàn quốc, được đặt biết bao nhiêu kỳ vọng cứ như vậy mà sa sút. Về sau, người ta gọi Ngụy Vĩnh Khang bằng cái tên đầy chua chát: “Thần đồng đáng thất vọng nhất Trung Quốc”.
Sau cú “ngã ngựa” gây sốc của con trai, bà Tằng Học Mai đã bắt đầu suy nghĩ về phương pháp giáo dục của mình. Ngày trước khi con còn nhỏ, mỗi khi có bạn học đến chơi với Ngụy Vĩnh Khang, bà luôn nói rằng con không có ở nhà vì lo lắng sẽ làm “thần đồng” nhà mình mất tập trung. Việc không có bạn bè, không tiếp xúc với bất cứ thứ gì ngoài sách vở đã hình thành thói quen không biết nói chuyện và bệnh tâm lý ăn sâu bám rễ vào Vĩnh Khang. Cứ như vậy, thiên tài ngày càng học giỏi bao nhiêu thì càng kém kiến thức xã hội bấy nhiêu.
Sau khi con bị cho nghỉ học và trở về nhà, mẹ Ngụy Vĩnh Khang bắt đầu tỉnh ngộ và thay đổi. Bà dạy con trai làm việc nhà, đồng thời khuyến khích con ra ngoài giao tiếp nhiều hơn với các bạn cùng trang lứa và thay đổi cách giáo dục. Ngụy Vĩnh Khang vì thế mà đã được “trưởng thành” một lần nữa ở độ tuổi ngoài 20. Anh đi học vào một ngôi trường khác dù kém tiếng hơn là Đại học Công nghệ Bắc Kinh.
Về sau, “thần đồng gây thất vọng nhất Trung Quốc” năm xưa làm một công việc bình thường, kết hôn sinh con và sống kín tiếng. Cuối năm 2021, anh đột ngột qua đời ở tuổi 38 vì bạo bệnh.
Câu chuyện của Ngụy Vĩnh Khang là một bài học đáng giá cho nhiều bậc phụ huynh. Dù tài năng có xuất chúng đến đâu nhưng thần đồng cũng phải được dạy dỗ đúng cách. Phương pháp giáo dục sai lầm có thể làm mất đi một thiên tài. Việc cha mẹ chiều chuộng con cái, không chú trọng đến việc rèn luyện tính cách và khả năng tự lập cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ thì sẽ biến con thành một mọt sách không hơn không kém.
Nguồn: Sohu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất