Mở hội tò he

13/07/2010 11:07 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chỉ là một sự kiện cấp… làng, vậy nhưng cuộc thi nặn tò he truyền thống tại Xuân La (ngày 10/7/2010 vừa qua) lại là một dấu mốc quan trọng trong sự thăng trầm của “làng tò he” đã có vài trăm năm tuổi.

Chàng trai trẻ lập CLB tò he của làng

27 nghệ nhân, 1/3 số thành viên của CLB nghệ nhân tò he thôn Xuân La (xã Phượng Dức, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cùng tham gia thi tài giữa tiết Hè oi bức. Từng tổ, từng tổ, họ cùng biểu diễn với độ khéo và độ dẻo của đôi bàn tay, để cho ra mắt những quân tò he làm từ bột nếp và phẩm màu. Rồi, một phần những quân tò he thu được lại được dùng để... làm quà tặng cho quan khách, chủ yếu là các chuyên viên văn hóa và cánh báo chí từ Hà Nội tới.


Tò he nặn hình rồng và tượng vua Lý Thái Tổ được trưng bày trong lễ khai mạc
Đơn giản vậy, nhưng không hề dễ dàng để các nghệ nhân ấy giành được giải trước con mắt khắt khe của BGK và... dân làng Xuân La. Bởi, nói như lời họ, ở cái “đất tò he” này, đứa trẻ con 10 tuổi cũng có thể nặn và tạo hình nhoay nhoáy.

“Cụ và các ông tôi đều “kiếm cơm” bằng nghề này. Nhưng người trực tiếp dạy cho tôi là bố. Ngồi mày mò cạnh bố từ khi còn là trẻ con, năm 10 tuổi tôi cũng đã bắt đầu nặn được các quân tò he rồi” - anh Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch CLB nghệ nhân tò he Xuân La kể.

Lên Hà Nội học năm 1997, khi là sinh viên, bản thân Thành cũng đã có vài năm “kiếm thêm” bằng cách mang bột gạo, dao, sáp ong... vào công viên Thủ Lệ để “hành nghề” tò he. Chẳng có gì lạ khi ở đó, anh gặp lại rất nhiều gánh tò he của người dân trong làng. Mà không chỉ ở Hà Nội, nhiều năm nay, người dân Xuân La còn mang tò he lưu lạc tới tận Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, TP.HCM để kiếm sống.

Tháng 5/2009, CLB nghệ nhân tò he Xuân La được thành lập, như một nỗ lực để giữ lại truyền thống của làng nghề độc đáo này. Những buổi sinh hoạt của họ được tổ chức theo tháng với mục đích trao đổi về nghề và... sẻ kinh nghiệm bán hàng.

Sống trên “sân nhà” mới là khó


Thi nặn tò he. Ảnh: Lê Bảo

“Tới các tỉnh có lễ hội, những nghệ nhân làm tò he thường cũng phải mang theo cả những đồ chơi khác để bán kèm - anh Thành kể - Giá bán thông thường dao động từ 5 - 20 ngàn đồng/ con tò he, nhưng cũng chỉ được vài con trong ngày cao điểm. Rồi trong làng, những người làm tò he cũng phải xoay đủ nghề khác để sinh nhai, chứ khó lòng chỉ trông vào một gánh tò he mà sống”.

Nhiều năm nay, từ nghề tò he truyền thống, rất nhiều hộ dân làng Xuân La đã chuyển sang kiếm sống bằng các nghề làm tượng gỗ, tượng thờ và đặc biệt là nghề làm tranh khảm giấy. Điển hình, số người làm tranh khảm giấy tại đây lên tới gần 3.000 người, gấp 15 lần số người còn tồn tại với nghề tò he.

“Tôi vốn là người rất mê tò he và tìm hiểu khá kĩ về món đồ chơi nay - Ông Nguyễn Văn Bảo (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) kể - Quãng thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, tò he khó khăn lắm mới tồn tại được, chủ yếu là nhờ những gánh tò he bán rong của những nghệ nhân còn trụ lại với nghề. Cách đây chục năm, tò he bắt đầu hồi sinh dần, khi những nghề thủ công truyền thống được chú trọng. Nhưng, tò he cũng chịu cảnh hẩm hiu như “anh” rối nước thôi: có mặt tại các hội chợ, làng nghề, thậm chí cũng may mắn đi Tây, đi Tàu theo những chuyến xuất ngoại. Nhưng việc tiêu thụ được trên “sân nhà” là thị trường trong nước lại luôn là điều khó.

Như nhận xét của các nghệ nhân, so với những mặt hàng lưu niệm khác, nhược điểm của tò he nằm ở việc bột nặn bằng gạo nếp rất mềm, khó để lâu trong khí hậu nóng ẩm và rất dễ bị chuột bọ gặm nhấm. Hiện, thị trường có loại bột hóa học của Đài Loan, với màu sắc đẹp và để được vài năm, nhưng lại có giá thành rất đắt lên tới 2 triệu đồng/kg.

Làm tò he khổng lồ hướng về đại lễ

“Thỉnh thoảng, trong làng cũng có những vị khách du lịch nước ngoài vào thăm. Họ xem nặn tò he, mua hàng, rồi cao hứng thì đặt nặn luôn một bức tượng chân dung bằng bột. Nhưng tất cả cũng chỉ là tự phát (Anh Đặng Đình Tiên, người giành giải Nhất Cuộc thi nặn tò he kể)

Bên cạnh cuộc thi nặn tò he, các nghệ nhân làng Xuân La đã thiết kế một số sản phẩm độc đáo mang kích thước khổng lồ: Rồng thời Lý, tượng vua Lý Thái Tổ, mô hình chùa Một Cột và Văn Miếu... Đây là những tác phẩm do nghệ nhân CLB tò he làm trong suốt 1 tháng, chỉ riêng tác phẩm tò he rồng Thăng Long là đã mất hơn 60 kg bột gạo. Như hi vọng của các nghệ nhân, chương trình kỷ lục Guinness Việt Nam sẽ sớm công nhận những kỷ lục này.


Để rồi, theo đề xuất từng bước một, các nghệ nhân có thể sẽ thành lập chi hội Di sản văn hóa tại làng Xuân La, được công nhận thành làng nghề tò he một cách chính thức và tổ chức những tour du lịch cho khách tham quan...

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm