Tết Hàn sao giống Tết Việt vậy?

19/02/2015 07:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Ở Việt Nam và Hàn Quốc, gần đến ngày đầu tiên của tháng Giêng, sẽ có một “cuộc di chuyển lớn của cả dân tộc”. Đó chính là việc mọi người về quê tụ họp gia đình và cùng nghỉ Tết. Tết Âm lịch (Tết Nguyên Đán) đứng đầu các phong tục trong tháng Giêng, đó là dịp lễ quan trọng nhất trong số các ngày lễ của năm”, GS-TS Ahn Kyong Hwan (Đại học Chosun, Hàn Quốc) chia sẻ.

Hàn Quốc và Việt Nam vốn cùng sử dụng Âm lịch từ xưa, nên cả hai dân tộc cùng đón những ngày lễ tết giống nhau trong cùng thời gian. Hàn Quốc vốn là một quốc gia nông nghiệp, ngày mồng 1 Tết là ngày lễ đầu tiên của năm. Mồng 1 Tết còn được gọi là Nguyên đán (Wondan, 元旦), Tuế Thủ (Sesu, 歲首), Niên Thủ (Yeonsu, 年首), nhưng thông thường gọi là “Seol”. Seol bằng Hán tự viết là Thận Nhật (Shinil, 愼日), có ý nghĩa rằng: “Phải thận trọng, để không hành động ẩu tả và bừa bãi”. Điều này là do họ nghĩ rằng, mồng 1 Tết là thời điểm đánh dấu khởi đầu năm mới, nên vận may trong một năm sẽ tùy thuộc vào ngày đầu năm.


Tết với người Hàn Quốc xưa nay vẫn là dịp để gia đình sum họp

Ở Việt Nam, người ta gọi ngày Tết Âm lịch lớn nhất trong năm là Tết, từ “Tết” có nguồn gốc từ Hán tự là “tiết” (節), có ý nghĩa là đốt tre, khi khí hậu và mỗi mùa phân biệt khác nhau ở mỗi thời kỳ khác nhau trong năm như các đốt cây tre nối với nhau. Và ở Việt Nam cũng gọi Tết Âm lịch là Tết Nguyên đán. Ở Việt Nam, Tết tạo thành ba hình thái kết hợp, như việc các đốt tre nối với nhau. Đó là, sự kết nối lại với gia đình đã sống chia cắt ở các nơi khác nhau trên toàn quốc, sự hợp lại với linh hồn tổ tiên đã qua đời, và sự giao lưu về tâm linh với các vị thần trong đời sống như Thần bếp chẳng hạn. Vì vậy, trong suốt kỳ nghỉ Tết Âm lịch, mỗi người cố gắng giảm bớt những phẫn nộ, giận dữ và giữ phong thái điềm tĩnh và thận trọng. Vì họ tin rằng, ngày đầu của năm mới sẽ quyết định “cát hung họa phúc” (điều tốt lành, điều dữ, tai vạ và phúc) của năm đó.

Món ăn ngày Tết tiêu biểu của hai nước có điểm chung là làm từ gạo. Ở Việt Nam, người ta không sử dụng lửa vào dịp Tết Âm lịch, nên họ phát triển loại bánh chưng và bánh dày có thể bảo quản lâu, còn người Hàn Quốc thì ăn canh bánh bột gạo trắng (teokkuk) nấu bằng bánh bột gạo trắng (gareateok, heenteok) với ý nghĩa cầu mong trường thọ và không bệnh tật.

Ngày đón Tết Âm lịch có lẽ bắt đầu bằng việc dâng cúng thần bếp, được gọi là Ông Táo hay Ông Công, vào ngày 23 tháng Chạp. Nghi thức này giống với ý nghĩa ngày cúng Thần bếp (祀竈日) của Hàn Quốc, nhưng thần bếp theo quan niệm ở Việt Nam thì có ba vị thần, hai nam và một nữ. Ở Hàn Quốc ngày xưa cũng có tục cúng Thần bếp vào ngày 23 tháng Chạp, và ngày này được gọi là Sajoil (祀竈日), nhưng ngày nay tục lệ này hầu như không còn nữa.

Ở Hà Nội ngày xưa có tục lệ là, giống như tục đi rao bán túi lộc (bokjori) ở Hàn Quốc, trẻ con chia thành từng nhóm, chúng bỏ tiền đồng hay miếng kim loại vào lư đồng (cắm nhang) hay ống tre rồi đi quanh mấy nhà giàu và hát bài ca chúc phúc, khi đó chủ nhà sẽ ra cho quà, tiền hay pháo. Trò chơi này, người ta gọi là “súc sắc súc sẻ”.

Vào ngày mồng 1 Tết, mọi người đi thăm hỏi những người lớn tuổi trong họ hàng thân thích, thầy cô, hàng xóm... để chúc năm mới và cầu phúc lộc cho nhau. Vào ngày này, trẻ em sẽ được mừng tuổi (cho tiền lì xì). Tiền mừng tuổi còn gọi là tiền lì xì, được bỏ vào trong phong bì đỏ cho trẻ em. Ở Hàn Quốc thì trẻ con phải lạy chúc năm mới người lớn, còn người lớn thì chúc phúc lại và mừng tuổi cho trẻ con.

Những điều cấm kỵ trong dịp Tết Âm lịch ở mỗi vùng miền và mỗi dân tộc ở Bắc - Trung - Nam đều có khác nhau đôi chút, tuy nhiên, phần lớn là mọi người tránh mặc quần áo màu trắng và màu đen, vì đây là hai màu tượng trưng cho sự chết chóc. Và họ tránh nói những điều gở, xui xẻo hay nói về sự chết. Người đầu tiên đến xông nhà mà có nhiều phúc lộc, thì sẽ mang lại nhiều phúc lộc cho nhà đó trong năm mới. Người nào có tang hay trong nhà có phiền não xui xẻo, hoặc người đang mắc bệnh, hay là phụ nữ thì không đến thăm nhà người khác vào ngày đầu tiên của năm mới, và cũng không gọi điện thoại trước. Có khi người ta mời người khách đầu tiên đến nhà mình là người giàu có, hay là người có địa vị cao trong xã hội, với ý nghĩa cầu mong phúc lộc cho gia đình. Vì họ tin rằng phúc và lộc của người đến thăm sẽ theo đến nhà họ. Lúc này, người đến thăm đầu tiên sẽ thắp hương cho tổ tiên nhà đến thăm, chúc phúc cho chủ nhà và mừng tuổi cho trẻ con nhà đó. Và mọi người thường không dọn dẹp nhà trong ba ngày Tết vì họ nghĩ rằng nếu dọn dẹp nhà cửa sẽ quét hết phúc lộc năm mới đi, mọi công việc dọn dẹp đều kết thúc trước ngày mồng 1 Tết. Còn cây chổi đã dùng để quét nhà trước đó thì phải bảo quản cho tốt để không bị mất, vì người ta tin rằng, nếu bị mất cây chổi ấy thì nhà sẽ bị trộm vào. Ở Hàn Quốc, mọi người cũng nghĩ rằng ngày mồng 1 Tết là quyết định vận may cho năm mới, nên phải cẩn thận mọi thứ từ lời nói đến hành động. Giống như ở Việt Nam, người Hàn Quốc cũng hạn chế việc phụ nữ hoặc người đang có tang, xui xẻo đến thăm nhà vào ngày mồng 1. Những điều cấm kỵ này, có thể cho rằng, nguyên do là Việt Nam và Hàn Quốc cùng có những tương đồng như: ảnh hưởng văn hóa Nho giáo, tư tưởng trọng nam khinh nữ, phong tục thờ cúng tổ tiên, căn bản văn hóa dân tộc nông nghiệp...

Anh Thư (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm