26/02/2024 05:11 GMT+7 | Thể thao
Kết quả thi đấu từ Cúp Thế giới đồng thời là vòng loại Olympic 2024 vừa diễn ra tại Cottbus, Đức cho thấy, rất nhiều thách thức cho các tuyển thủ đội tuyển TDDC Việt Nam trong hành trình tìm kiếm tấm vé dự Thế vận hội.
Sau giải đấu tại Cairo, Ai Cập, 4 tuyển thủ Nguyễn Văn Khánh Phong, Văn Vĩ Lương, Trịnh Hải Khang, Đặng Ngọc Xuân Thiện cùng HLV Trương Minh Sang và HLV Nguyễn Minh Tuấn tiếp tục tham dự Cúp Thế giới diễn ra tại Cottbus, Đức, từ ngày 22 đến 25/2 và góp mặt ở các nội dung đơn môn song không có VĐV nào giành quyền vào chung kết.
Kết quả thi đấu tốt nhất thuộc về Trịnh Hải Khang với hạng 9 (14.416 điểm) nội dung vòng treo. Còn lại, Đặng Ngọc Xuân Thiện hạng 18 (14.233 điểm) nội dung ngựa tay quay, Nguyễn Văn Khánh Phong xếp hạng 19 (11.933 điểm) nội dung vòng treo và Văn Vĩ Lương xếp hạng 57 (11.733 điểm) nội dung thể dục tự do.
Nhìn từ thực tế kết quả thi đấu tại 2 giải Cúp Thế giới vừa kết thúc, người có thành tích khả quan nhất là Trịnh Hải Khang, khi VĐV sinh năm 2000 đã giành quyền vào chung kết xếp hạng 6 tại Ai Cập và tiệm cận gần nhóm 8 VĐV giành quyền vào chung kết tại Đức.
Điều này phản ánh sự khắc nghiệt trong sự cạnh tranh chuyên môn giữa các VĐV tham dự.
"Ở Cúp Thế giới chỉ có 2 VĐV đứng đầu nội dung đơn môn được trao vé dự Olympic nên sức cạnh tranh rất lớn. Ngoài ra giải đấu cũng quy tụ tất cả các VĐV chưa giành vé trên toàn thế giới tham dự nên việc chạm trán các VĐV có trình độ cao là điều chắc chắn. Các tuyển thủ Việt Nam dù đã rất nỗ lực, thể hiện được khả năng, trình độ trong tập luyện nhưng chưa đủ để giành thứ hạng cao hơn", ông Bùi Trung Thiện, phụ trách bộ môn Thể dục - Cục TDTT, đánh giá.
Theo phân tích của ông Thiện, ngoài sự cạnh tranh về trình độ giữa các VĐV, việc thay đổi cách thức tuyển chọn VĐV dự Olympic 2024 của Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) cũng khiến hành trình đến Paris trở nên chông gai hơn với thể dục Việt Nam.
"Các VĐV cần phải có thành tích cụ thể ở một giải trong hệ thống vòng loại Olympic 2024 của FIG để giành vé trực tiếp, thay vì tích điểm xếp hạng để được trao vé như trước. Ví dụ như giải ở Đức, chỉ có 2 VĐV dẫn đầu ở chung kết đơn môn sẽ giành quyền dự Thế vận hội. Còn ở một số giải khác, nếu giành chức vô địch đồng đội, thì đội đó sẽ được trao vé", theo phân tích của ông Thiện.
Căn cứ vào thực tế này, để hi vọng dự Olympic của thể dục Việt Nam chỉ thành hiện thực, nếu các tuyển thủ tạo nên đột biến về thành tích, cụ thể là lọt vào 2 vị trí dẫn đầu ở các giải sắp tới tham dự. Vẫn còn một khả năng khác có thể giành vé nhưng ít nhất cần lọt vào top 3 hoặc top 4 nhưng cần thêm cả may mắn.
"Nếu như 2 VĐV dẫn đầu đã có suất, thì vé dự Olympic 2024 sẽ được trao cho các VĐV tiếp theo ở vị trí thứ 3, thứ 4 hoặc có thể đến thứ 5. Nhưng khả năng này chỉ xảy ra nếu may mắn và các tuyển thủ Việt Nam cần nỗ lực để cải thiện thứ hạng khi thi đấu chung kết với mục tiêu vào top đầu", theo lời ông Thiện.
Theo kế hoạch, thể dục Việt Nam chỉ còn 2 cơ hội tranh vé dự Olympic là giải Cúp Thế giới diễn ra tại Baku, Azerbaijan (từ 7 đến 10/3) và giải đấu tại Doha, Qatar (từ 17 đến 20/4). Nếu không có sự đột biến trong kết quả xếp hạng đơn môn ở 2 giải này theo phân tích như trên, cơ hội dự Olympic 2024 của thể dục Việt Nam khó thành.
Theo thông tin mà ông Thiện cung cấp, Cục TDTT đã dồn toàn bộ kinh phí tập huấn, thi đấu nước ngoài của bộ môn thể dục cho kế hoạch tìm vé dự Olympic 2024. Trong đó, điểm nhấn là tạo điều kiện tối đa cho các tuyển thủ dự 4 giải Cúp Thế giới diễn ra tại Ai Cập, Đức, Azerbaijan và Qatar.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất