(Thethaovanhoa.vn) - Barcelona và Messi chia tay nhau ở thời điểm này sẽ mang lại hạnh phúc cho cả đôi bên? Sau đây là bài viết trên trang Goal.com
Kiểm soát và kiểm soát - thứ triết lý đã làm nên tên tuổi của Barca. Lò La Masia, cái nôi nuôi dưỡng các tài năng trẻ của đội bóng vẫn đang đi theo đường hướng này. Tuy nhiên, nếu là một CĐV hay soi xét sẽ thấy, Luis Enrique đang từng bước "phản bội" lại chính triết lý mà CLB gây dựng. Bộ ba Messi, Neymar, Suarez giờ được yêu cầu đưa bóng lên nhanh và mạch lạc hơn. Thời thế thay đổi nên triết lý bóng đá cũng thay đổi theo thời gian. Điều này có thể hiểu được.
Thời thế thay đổi khiến con người cũng thay đổi. Bóng đá cũng vậy, luôn vận động và chẳng đi theo quy luật nào cả. Luis Enrique dám thay đổi triết lý bóng đá của Barca, còn Giám đốc thể thao CLB Robert Fernandez lại đang loay hoay với cách tiêu tiền. Khi xưa, Barca thường rất kén sử dụng những cầu thủ trưởng thành từ các lò đào tạo khác. Phần vì họ không được quen với thứ bóng đá nặng về kiểm soát như ở Barca, phần còn lại, họ không thể "thở chung nhịp" với các đồng đội sinh ra, lớn lên và ăn tập ở La Masia.
Paco Alcacer thất bại trong việc chứng tỏ mình ở Barca
Đến giờ, khi triết lý bóng đá kiểm soát xưa kia phần nào được thay đổi theo quy luật bóng đá, hãy xem Robert Fernandez làm được gì.
Ông đưa về Paco Alcacer, Aleix Vidal và Arda Turan. Hơn 100 triệu euro được bỏ ra, trong đó có một nửa để dành cho Andre Gomes, cầu thủ đã bị chính các CĐV nhà la ó trong trận gặp Leganes cuối tuần qua. Một số tiền khổng lồ được ném đi, và chẳng ai trong số này đáp ứng nổi kỳ vọng. Sức ép khổng lồ từ Camp Nou và cái dớp "khó ở" khiến các tân binh khó thể hiện được nhiều. Barca vẫn phải sống dựa vào những hơi thở cũ mà đương nhiên, Lionel Messi là cái tên không thể không nhắc tới.
Cầu thủ xuất sắc nhất nhì thế giới chỉ còn hợp đồng với đội bóng đến năm 2018. Mua mới không được, giữ cũ cũng chẳng xong. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy tiền đạo người Argentina sẽ gia hạn hợp đồng với đội bóng. Barca không ngại tiêu tiền, nhưng họ mua bán cầu thủ phần nào dựa trên "sở thích" của Messi bởi từ lâu, anh đã là linh hồn của đội bóng. Mọi cá thể xoay quanh Messi, mọi cầu thủ chơi cạnh Messi đều phải phù hợp với phong cách chơi bóng của cầu thủ này. Chẳng tự nhiên mà Paco Alcacer liên tục phải ngồi dự bị. Chẳng tự nhiên mà những tiền đạo Nam Mỹ như Neymar, Suarez lại "hợp" với Messi đến vậy.
Toàn bộ sức mạnh của Barca thời điểm hiện tại
Chỉ trừ khi Leo Messi rời khỏi Camp Nou, Barcelona mới chấm dứt được hội chứng Messidependencia, nhưng đó lại là điều không thể xảy ra trong bất kì thời điểm nào.
Giờ sẽ ra sao, nếu Barca để mất Messi?
Viễn cảnh này hơi xa vời, hay có thể nói là "Lo bò trắng răng", nhưng hãy cứ thử làm một bài toán. Messi đang nhận 32 triệu euro mỗi năm tại Barca, khi hợp đồng chỉ còn hơn 1 năm nữa là đáo hạn. Về cơ bản, Messi đương nhiên muốn tăng lương nếu gia hạn. Tối thiểu phải vào khoảng 35 - 40 triệu euro để tiền đạo người Argentina ký vào bản hợp đồng từ 4 đến 5 năm. Messi được quyền đòi hỏi vì anh xứng đáng. 19 bàn trong 20 trận, không biết bao lần gánh vác hàng công của đội bóng do Luis Enrique dẫn dắt nên việc Barca tăng lương cho tuyển thủ 29 là đương nhiên.
Messi là tất cả những gì còn lại của Barca. Anh trở thành thủ lĩnh về cả chuyên môn và tinh thần, sau sự ra đi rải rác của những "cây cao bóng cả" trước đây như Pyol, Xavi, Valdes và Dani Alves. Chính sự phụ thuộc lại có thể là con dao 2 lưỡi giết chết tất cả. Barca hứa sẽ xây dựng đội bóng chơi xoay quanh Messi, đủ mạnh để cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn khác trên toàn Châu lục. Và họ vừa bị PSG đánh "sấp mặt" 4-0, ngay ở vòng 1/8 Champions League. Tại La Liga, vẫn còn một chặng đường dài cần bước qua để đuổi kịp Real Madrid, bất chấp việc Real vừa để thua bất ngờ trước Valencia với tỷ số 1-2.
Andre Gomes cũng là một nạn nhân của chính sách chuyển nhượng mang thương hiệu Barca
Đập đi, xây lại. À, không hề đập đi. Chỉ là mua những viên gạch mới để trám vào những viên gạch sắp sửa hết hạn dùng. Nhưng với những vấn đề được nêu ra ở trên, sẽ rất khó để Barca tăng cường sức mạnh với đặc thù bóng đá của CLB này vốn duy trì. Xây dựng một đội hình xoay quanh Messi khó đến thế?
Có thể.
Cũng có thể, Barca sẽ tốt hơn nếu không có Messi (?). Cựu chủ tịch Barca, Sandro Rossell, từng lên tiếng thừa nhận sai lầm khi không bán Ronaldinho vào năm 2006. Ông cũng khẳng định thời điểm đó nếu để siêu sao người Brazil ra đi, Barca sẽ có được Ronaldo và Kaka để thay thế: "Khi bạn là chủ tịch của Barca, bạn phải có máu lạnh và cái đầu thật lạnh", Sandro Rossell trả lời phỏng vấn El Periodico.
Lại nói về bài toán kinh tế ở trên, điều khoản để đưa Messi rời Nou Camp lúc này là 250 triệu euro. Việc Messi chỉ còn 1 năm hợp đồng sẽ khiến đội bóng này không thể hưởng toàn vẹn số tiền khổng lồ này. Hãy coi như Messi sẽ đến với một bến đỗ nào đó, City, United, Chelsea hay PSG cũng được, và thu về 150 triệu euro. Paul Pogba có giá hơn 100 triệu, không có lý do gì để Messi không đem về ngần ấy tiền. 150 triệu euro thu về, đi kèm là - không mất tiền trả lương cho Messi trong 4 năm tới, dự trù khoảng 160 triệu nữa - là một con số không hề nhỏ, nhất là với một đội bóng đang thiếu cân bằng trầm trọng trong đội hình.
Sẽ ra sao nếu Ronaldo, Kaka và Messi thi đấu trong cùng một đội bóng?
Messi đã không ăn mừng sau khi ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 cho Barca trước Leganes. Nguyên nhân của việc này chính là do thái độ của các CĐV trên sân Camp Nou.
Đã có một thời gian, những cây nhà lá vườn Victor Valdes, Pyol, Busquets, Xavi, Iniesta, Pedro khiến Barca không phải lo nghĩ về sự cân bằng. Đội bóng thuở ấy phăng phăng gặt hái mọi danh hiệu, bên cạnh tài năng của Messi.
Nhưng những ngày ấy đã đi qua rồi.
Messi sẽ trải qua mọi thăng trầm và giải nghệ ở Barca? Hay ra đi, thử thách mình, thử thách chính CLB đào tạo ra mình, ở tuổi 29?