Barcelona: Khi đi shopping chỉ để tự tin

18/07/2022 07:52 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - Tuyên bố đã ký hợp đồng với Raphinha, Robert Lewandowski và đang theo đuổi một loạt các ngôi sao đắt đỏ khác trong khi đang nợ đến 1,3 tỷ euro và âm 144 triệu quỹ lương, Barcelona thực sự đang làm gì?

Lewandowski chia sẻ lý do gia nhập Barcelona

Lewandowski chia sẻ lý do gia nhập Barcelona

Tân binh Robert Lewandowski đã chia sẻ lý do anh chọn Barcelona làm bến đỗ tiếp theo cho sự nghiệp của mình.

 

Vào ngày 10/6/2008, Dick Fuld, Giám đốc điều hành của ngân hàng khét tiếng bậc nhất toàn cầu thời điểm ấy là Lehman Brothers, đã triệu tập Hội đồng quản trị để tìm giải pháp ứng phó với một con số tồi tệ: Thu nhập quý II của họ ghi nhận một khoản lỗ lên đến gần 3 tỷ USD.

Fuld muốn mọi người cùng suy nghĩ một câu hỏi, không phải là “làm thế nào để tái cấu trúc ngân hàng” hay “làm sao để tăng thanh khoản hòng giải quyết các khoản nợ đang ngày một phình to”, mà là “làm thế nào để khôi phục lại sự tự tin của chúng ta?”

Từ bài học của Lehman Brothers…

Trong các tháng tiếp theo, Fuld và ban bệ của ông đã làm đúng tôn chỉ này, liên tục kêu gọi các thành viên hấp dẫn và lôi cuốn nhất trong đội ngũ “bắn” đi những thông điệp lạc quan và tự tin về sức khỏe tài chính. Erin Callan, Giám đốc tài chính mới nhậm chức được ba tháng khi ấy của Lehman Brothers, là người được chọn: Cô phải đọc một bài phát biểu trấn an phố Wall và hàng ngàn nhà đầu tư đang nín thở chờ đợi xem liệu ngân hàng tiếng tăm này có phải quân domino tiếp theo sẽ sụp đổ. Fuld đặt niềm tin vào… giọng nói, và vẻ ngoài xinh đẹp của Callan.

Chiêu bài này có hiệu quả. Lehman Brothers đã sống nốt quãng đời lay lắt còn lại trong yên bình, cho đến khi đệ đơn phá sản ba tháng sau, ngày 15/9/2008. Thời điểm ấy, Lehman là ngân hàng đầu tư lớn thứ tư tại Mỹ với 25 ngàn nhân viên trên toàn thế giới, 639 tỷ USD tài sản và một khoản nợ khổng lồ đã phình ra lên đến 613 tỷ. Tóm lại là nó thuộc diện “lớn đến nỗi không thể sụp đổ” (too big to fail), nhưng cuối cùng đã sụp đổ.

Thị trường tài chính là một nhà hát khổng lồ, trong đó diễn viên và khán giả đều phải tạm dừng mọi sự hoài nghi. Khi chúng ta mua cổ phiếu, hoặc thậm chí là gửi tiền vào ngân hàng, chúng ta tự đưa mình vào một ảo tưởng rằng một vài tờ giấy, vài giọt mực và số được mã hóa có thể dùng để đổi ra lúa gạo, đất đai và tài sản. Trò lừa rẻ tiền của Lehman đã dễ dàng qua mắt giới đầu tư toàn cầu nhờ hiệu ứng kiểu này.

Callan sau này đã rơi vào tâm điểm chỉ trích, vì cố gắng bao che cho một thực tế không thể chối cãi, còn Fuld đã phá hỏng luôn cơ hội được nhận gói cứu trợ của Lehman Brothers, như mọi ngân hàng đầu tư khác vào thời điểm ấy, với việc kiên quyết từ chối thừa nhận rằng tình hình đã trở nên tuyệt vọng đến như thế nào.

Chú thích ảnh
Liệu chính sách tiêu pha dữ dội của Chủ tịch Laporta Hè này có dẫn đến sự sụp đổ về tài chính của Barca?

… Đến sự tự tin của Barca

Trong một bài viết dài mổ xẻ về các chiêu bài của Barca trên thị trường chuyển nhượng gần đây, ký giả nổi tiếng chuyên theo dõi bóng đá Tây Ban Nha Sid Lowe đã đặt ra một loạt câu hỏi trên trang ESPN: “Làm thế nào mà Barcelona, một CLB được cho là đang nợ đến 1,3 tỷ euro, có thể làm được điều này (mua Raphinha, Lewandowski, và theo đuổi hàng loạt các cầu thủ đắt đỏ khác)? Làm thế nào mà họ, với mức -144 triệu euro quỹ lương theo tiêu chuẩn giới hạn do La Liga đặt ra, lại có thể theo đuổi nhiều cầu thủ với chi phí đến mức thế?

Và tại sao giải đấu lại để họ làm như vậy? Làm thế nào mà một CLB được chính phó chủ tịch của nó mô tả là đã “chết lâm sàng” khi tiếp quản từ bộ sậu đã khiến họ gần như lụn bại, với nguyện vọng duy nhất là thoát khỏi nhà thương - chứ đừng mơ đến bệnh viện - ký hợp đồng nổi với tất cả những cầu thủ này?”

Ông trả lời luôn trong bài là “không thể”. Barca đã cho ra mắt Kessie và Christensen, nhưng nhiều khả năng không thể đưa họ vào danh sách thi đấu vì giới hạn trần lương. Thương vụ Lewandowski nhiều khả năng cũng chung số phận, nếu Barca không thể bán Frankie De Jong để giải phóng một khoản tiền lương lẫn tiền chuyển nhượng lên đến 100 triệu euro. Còn một số cách khác để tháo gỡ tình hình hiện tại: Hoặc là thỏa thuận bán tới 25% số tiền bản quyền truyền hình họ nhận được trong vòng 25 năm tới, hoặc bán 49,9% cổ phần của BLM, công ty quản lý hoạt động tiếp thị và nhượng quyền thể thao do họ thành lập.

Chú thích ảnh
Sau khi Barca dồn dập mua sẽ phải là dồn dập bán, với việc đẩy đi những người thừa như Depay

Nhưng về lâu dài, Barca đã tiếp tục tiến tới giới hạn tồn tại của họ: Những giải pháp cực đoan kể trên đơn giản là những khoản vay nóng dựa trên thu nhập đảm bảo trong tương lai. Những thương vụ bừa phứa hiện tại, được tiến hành và thậm chí truyền thông rầm rộ như thể CLB này vẫn hoàn toàn đủ sức để hoàn tất một kỳ chuyển nhượng hoành tráng, giống như một thông điệp hơn là một kế hoạch tăng cường lực lượng. Thông điệp ở đây, thật kỳ lạ, khó có thể làm chúng ta nghĩ đến chuyện khác: Những gì Barca đang làm hoàn toàn chỉ là để duy trì sự tự tin của họ. Rằng CLB này, vốn có slogan là “hơn là một CLB”, lớn đến nỗi nó có thể thách thức mọi quy luật kinh tế và tài chính. Một phiên bản trong bóng đá của Lehman Brothers đang thành hình.

Trong “nhà hát” Camp Nou, rất nhiều người sẽ sẵn sàng cùng Barca rơi vào ảo tưởng này. Những người chuyên nghiệp thì có vẻ lại ít ảo tưởng hơn: Bayern nhất quyết không muốn nhận trả góp số tiền mua Lewandowski, mà mong tất cả phải là “tiền tươi thóc thật”, vì lo ngại rằng đội bóng khổng lồ của Tây Ban Nha chắc gì đã… tồn tại nổi 1-2 năm nữa, với sức khỏe tài chính lúc này.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm