21/06/2019 19:41 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 21/6, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33/NQ-TW).
Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết:Thời gian qua, Bộ đã tiến hành sơ kết ở các lĩnh vực chuyên ngành để xây dựng báo cáo tổng kết chung của toàn ngành, đánh giá khá toàn diện các mục tiêu, 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp mà Nghị quyết 33 đề cập. Có thể thấy, ngành Văn hóa đã đạt được nhiều kết quả, trong đó nổi bật là tư tưởng, đạo đức, lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, văn học nghệ thuật đã nắm bắt được dòng chảy chính trong sự phát triển của xã hội, cho ra đời nhiều tác phẩm tốt…
Quá trình thực hiện các nhiệm vụ Nghị quyết đối với văn hóa, thể thao và du lịch còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế. Do đó, hội nghị là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, đánh giá, cho ý kiến về những vấn đề trong báo cáo, đưa ra các nguyên nhân và giải pháp với những vấn đề còn gặp hạn chế, bất cập. Nhiệm vụ của ngành Văn hóa trong những năm tới sẽ rất nặng do đó đòi hỏi sự vào cuộc của toàn ngành để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 33 trong thời gian tiếp theo…
Theo báo cáo, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện 6 nhiệm vụ được giao. Trong đó, hệ thống văn bản pháp về văn hóa và con người Việt Nam từng bước được hoàn thiện, tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực...
Ngành Văn hóa chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa; gắn kết các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong quá trình xúc tiến quảng bá, sản xuất kinh doanh. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được các địa phương bảo tồn, phát huy giá trị, góp phần phát triển du lịch, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương. Đến nay, Việt Nam có 27 Di sản văn hóa được UNESCO ghi danh...
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã có chuyển biến tích cực. Sáng tác và hoạt động văn học nghệ thuật tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đội ngũ những người làm văn hóa dân tộc thiểu số phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của các đoàn nghệ thuật của tỉnh, thành phố dần hình thành nhiều hoạt động kinh doanh biểu diễn nghệ thuật có hiệu quả giúp giải quyết công ăn việc làm cho các nghệ sỹ, diễn viên, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa thu hút quan tâm của cộng đồng tạo nên điểm đến hấp dẫn và kéo dài lưu trú của khách du lịch. Các hoạt động nhiếp ảnh và triển lãm diễn ra đều đặn và tập trung vào những dịp lễ lớn, ngày kỷ niệm của địa phương đã góp phần tác động tích cực tới nhận thức chính trị và tình cảm của nhân dân.
Trong giai đoạn 2014-2018, Việt Nam đã đàm phán, hoàn thiện thủ tục ký kết 55 điều ước, thỏa thuận quốc tế về văn hóa với các quốc gia, tổ chức quốc tế, làm cơ sở triển khai hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác liên quan nhằm quảng bá, giới thiệu về văn hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẳng thắn thừa nhận: Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết còn bộc lộ một số bất cập. Trong đó, bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn chưa được coi trọng, có hiện tượng tận thu trong khai thác giá trị di tích. Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn thấp. Đời sống văn hóa, thể thao của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nghèo nàn. Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận….
Quá trình hội nhập quốc tế sẽ tiếp tục tạo nên một hình ảnh xã hội Việt Nam năng động hơn. Nhưng những mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến từng gia đình, các quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng đòi hỏi sự đổi mới về công tác quản lý và tổ chức hoạt động văn hoá...Do đó, ngành Văn hóa trong thời gian sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về ví trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của các hệ thống thiết chế văn hóa.
Đặc biệt, ngành tập trung nguồn lực từ Nhà nước, các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, ưu tiên nguồn lực cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách xã hội, đối tượng chịu thiệt thòi, cho một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại cần bảo tồn, phát triển...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Ban Bí thư có Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014. Các cấp ban, bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức về văn hóa, từ đó khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; thực sự phải coi “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Thanh Giang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất