Tạo âm Đông Sơn (kỳ 7): Bộ ba khèn, tiêu, sáo trong âm hưởng Đông Sơn

05/12/2024 07:06 GMT+7 | Văn hoá

Trong các lễ hội chính thời Đông Sơn thì bộ gõ với trống, chiêng/thanh la, chũm chẹ, phách, chuông và nhạc chuông tạo giai điệu nền chủ đạo. Những nhạc cụ khác mà bài này nhắc đến hôm nay chỉ đóng vai trò phụ và đặc biệt trở nên quan trọng trong các "tiểu lễ". Tôi sẽ đi sâu vào những nhạc cụ thuộc bộ hơi đóng vai trò chính trong các "tiểu lễ" của lễ hội hoặc cả ngoài lễ hội. Đó là sự hiện diện của bộ ba khèn, sáo và tiêu.

1. Trước khi nói đến những cây sáo và tiêu, tôi muốn nán lại một chút với cây khèn, cho dù bài trước chúng ta đã dành nhiều lời cho khèn rồi.

Cây khèn Đông Sơn thuộc loại nhạc cụ bộ hơi được nhắc đến nhiều nhất. Người thổi khèn là hình ảnh không thiếu được ở mọi lễ hội, diễn xướng. Trong những nơi linh thiêng nhất, đó là màn dâng lễ trong ngôi nhà sàn chính trên trống đồng, thạp đồng, chúng tôi cũng nhận ra người thổi khèn ở trong góc. Trong đoàn chiến binh hóa trang lông chim nhảy múa trước nhà sàn cũng luôn có một người thổi khèn tạo nhịp chính bên cạnh chiếc chuông lắc tay. Trên lưng voi tạo âm điệu bên cạnh thầy cúng cũng chỉ là duy nhất tiếng khèn…

Tạo âm Đông Sơn (kỳ 7): Bộ ba khèn, tiêu, sáo trong âm hưởng Đông Sơn - Ảnh 1.

Hình hai vũ công cõng nhau. Người bên trên ôm thổi một chiếc khèn (sưu tập Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Chúng ta cũng thấy người thổi khèn được một vũ công khác đang cõng trên lưng từ khối tượng bảo vật quốc gia hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Người thổi khèn còn thường được bố trí ngồi vắt vẻo xung quanh đèn dầu Đông Sơn như hình chàng trai thổi khèn vắt vẻo trên chuôi muôi đồng Việt Khê. Tôi cũng thường hay nhắc đến hình đoàn người rước lễ với chiếc cốc hai tay bưng kéo dài, người múc rượu và không thể vắng bóng người thổi khèn cùng đi trong đoàn lễ được nghệ nhân Đông Sơn mô tả trên tấm đồng che ngực thuộc sưu tập CQK ở California (Mỹ)…

Hình ảnh khèn đáng nói nhất trong bài này là những chiếc khèn đồng hành cùng sáo, tiêu, tạo thành 3 bộ hơi kinh điển trong dàn nhạc Đông Sơn.

Tạo âm Đông Sơn (kỳ 7): Bộ ba khèn, tiêu, sáo trong âm hưởng Đông Sơn - Ảnh 2.

Một hiện vật dạng “muôi bầu” Đông Sơn. Đáng chú ý là ở đầu cuối tay cầm có một lỗ thủng có thể dùng để uống bằng mũi (tỵ ẩm) hoặc cắm vào đó một cái “kén” để thổi. Âm thanh có thể điều chỉnh thông qua bó ống nứa có lỗ bấm cắm vào miệng muôi (sưu tập CQK, California, Mỹ)

2. Để dễ kể chuyện, tôi muốn bắt đầu với khối tượng trên một ốp khóa thắt lưng trong sưu tập Đặng Tiến Sơn (Hà Nội).

Tôi được nâng niu ngắm nghía, nghiên cứu và chụp ảnh hiện vật này từ 2001. Khối tượng khá nhỏ bố trí hình 3 nhạc công chỉ trên một ô đĩa tròn đường kính khoảng 6-7cm. Một người ôm một nhạc cụ có phần đuôi cong hơi xoắn ốc như hình một chiếc sừng. Đó chính là phần bầu cong của chiếc khèn. Ngồi bên trái là một người ôm "tiêu" - một loại sáo tre có lỗ thổi dọc ở trên đỉnh. Đối diện người thổi khèn là nghệ nhân sáo ngang. Cảnh tượng vui nhộn mang không khí tương tự bức tượng hai người thổi khèn cõng nhau cho thấy tấm ốp thắt lưng thuộc về một thủ lĩnh vui tính hơn là một thầy cúng lúc nào cũng nghiêm nghị và thần bí. Dường như những dàn khèn sáo đều là những dàn nhạc vui nhộn đầy háo hức như vậy.

Tạo âm Đông Sơn (kỳ 7): Bộ ba khèn, tiêu, sáo trong âm hưởng Đông Sơn - Ảnh 3.

Hiện vật phát hiện tròn 100 năm trước tại chính địa điểm Đông Sơn trong cuộc đào bới của Pajot (1924) hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Ấm hay phần bầu của nhạc cụ dạng khèn!? Tôi tin rằng trong tương lai câu hỏi sẽ được giải đáp. Riêng tôi, nghĩ rằng đó là bầu khèn!

Khối tượng thứ hai tôi chứng kiến rất xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đáng tiếc hiện thuộc một sưu tập tư nhân ở châu Âu. Tôi vẫn thường dùng tên gọi cho các công bố của tôi sau khi tiếp xúc và được phép nghiên cứu, bình luận và công bố là "sưu tập Phạm" (Pham's collection, Paris, Pháp). Năm 2008, nhận lời mời tham dự Hội nghị Khảo cổ học Thế giới tại Dublin (Ireland), trên đường đến Dublin, tôi dừng chân tại Paris (Pháp) để làm việc với một sưu tập Đông Sơn khá lớn tại Gallery Hioco. Nhiều hiện vật rất độc đáo của văn hóa Đông Sơn xuất hiện trong sưu tập này, trong đó đáng chú ý là khối tượng "Dàn nhạc Đông Sơn" lần đầu tôi chứng kiến và vẫn là khối tượng dàn nhạc Đông Sơn duy nhất cho đến ngày nay.

Tôi đã viết nhiều về dàn nhạc này, xin không lặp lại ở đây, mà chỉ nhấn mạnh sự xuất hiện đồng thời bộ ba khèn, sáo, tiêu trong một không gian diễn xướng rất điển hình.

Khối tượng dàn nhạc thực tế là một vật treo, được dàn dựng trên một "khán đài" vuông có chiều cao 3cm, mỗi cạnh rộng 8cm, xung quanh trang trí hoa văn bốn mặt. Móc để treo hiện vật đặt cân chính giữa, nơi có một chiếc cột, trên đặt chiếc trống da nằm ngang. Trên diện tích 64cm2, chỉ gần bằng bao thuốc lá, nghệ nhân đúc đồng Đông Sơn khép léo bố trí tượng 8 nghệ sĩ. Ngoài 4 người đứng chắp hai tay bên nạnh sườn, há mồm hát, còn lại 4 nhạc công: người đánh trống ở giữa, 3 góc là 3 "thổi nhân" (một người ôm khèn, một người ôm tiêu và một người thổi sáo) tạo ra một giai điệu riêng của bộ hơi mà tiếng trống da chỉ là bắt nhịp.

Tạo âm Đông Sơn (kỳ 7): Bộ ba khèn, tiêu, sáo trong âm hưởng Đông Sơn - Ảnh 4.

Hình khối tượng “Dàn nhạc Đông Sơn” với chiếc trống da ở giữa, hai góc đối diện nhau là người thổi khèn (phía bên trái) và người thổi sáo phía đối diện. Những người đứng chống nạnh đang hát. Sưu tập Phạm, Paris, Pháp

Tôi đã mang các tấm hình hiện vật này đi hỏi rất nhiều nhà sưu tầm ở Việt Nam, rất may đã tìm được chủ nhân đầu tiên. Ông dẫn tôi đến nơi đào được khối tượng này trong vườn nhà một người dân ở Làng Vực, Vĩnh Ninh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Khối tượng ở phía đầu người chết, sọ gỉ xanh, gối bên trong một chiếc trống đồng.

Hình ảnh khèn, sáo, trống da còn bắt gặp trong ngôi nhà lễ nghi của một trống Đông Sơn phát hiện ở Indonesia giúp khẳng định thêm sự tồn tại khá phổ biến của nghệ thuật tạo âm Đông Sơn đã đạt đỉnh mà từ ngữ hiện đại vẫn dùng là "hòa âm, phối khí".

3. Để tạm kết thúc phần nói về nhạc cụ hơi, tôi xin dành lời nói đến một hiện tượng cá biệt, đó là chiếc kèn nhiều ống. Trong bộ nhạc cụ "thổi" Đông Sơn từng xuất hiện loại kèn thổi nhiều ống. Đó là loại nhạc cụ làm bằng các ống nứa nhỏ, ghép vào nhau. Mỗi ống nứa có một lỗ thổi bên trên như cách chế sáo tiêu. Chúng được cắt vát tạo độ dài khác nhau, để mỗi ống sẽ tạo ra một âm điệu cao thấp riêng.

Trong nghệ thuật đời nhà Đường thấy khá nhiều hình ảnh mô tả nhạc công sử dụng loại kèn này. Tôi giới thiệu ở đây tượng người thổi kèn nhiều ống này trên một cán dao găm thuộc sưu tập CQK (California, Mỹ). Ở trong nước, tôi cũng thấy một tiêu bản trong sưu tập Nhà hàng Trống Đông Sơn và một tiêu bản vãng lai trên internet.

Tạo âm Đông Sơn (kỳ 7): Bộ ba khèn, tiêu, sáo trong âm hưởng Đông Sơn - Ảnh 6.

Bức tượng người thổi kèn nhiều ống trên cán dao găm Đông Sơn trong sưu tập CQK (California, Mỹ)

Hầu hết các tượng thổi kèn nhiều ống đều có dáng đứng hai tay khum giữ khèn để ngang miệng như cách nghệ sĩ thổi kèn Harmonica hiện nay vậy. Để phát ra nhạc điệu, nghệ nhân thổi vào các lỗ khoét ở trên đầu ống. Mỗi ống phát ra một nốt nhạc riêng và sự lướt chắp khéo léo của "thổi sĩ" sẽ tạo ra giai điệu mong muốn.

Chưa thấy bằng chứng hòa nhạc của loại hình kèn này trong dàn nhạc chung Đông Sơn. Có thể, đó là sự phát triển của loại hình "kèn môi", được thổi như các chàng trai người Mông dùng để mê hoặc các cô gái mình yêu…

"Hình ảnh khèn, sáo, trống da cho thấy nghệ thuật tạo âm Đông Sơn đã đạt đỉnh mà từ ngữ hiện đại vẫn dùng là "hòa âm, phối khí" - TS Nguyễn Việt.

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm