16/11/2013 12:33 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Phút 40 của trận đấu, khi ĐT Việt Nam đang có một thế trận không tồi trước Uzbekistan và tỷ số trận đấu vẫn đang là 0-0, thì Tấn Trường đã mắc sai sót rất khó chấp nhận: Ôm bóng, rồi để “ói”, tạo điều kiện thuận lợi để tiền đạo đối phương dẫn bóng vào lưới trống.
Sai lầm của Tấn Trường khiến tâm lý thi đấu của ĐT Việt Nam đi xuống trông thấy và không ai bất ngờ khi cuối cùng chúng ta đã thua đậm.
1. Tấn Trường bắt đầu được biết đến trong đội hình các lứa tuổi “U”, kể từ những năm 2005-2006, trước khi anh giành một trong 3 suất thủ môn đến SEA Games 24 trên đất Thái Lan (năm 2007). Mặc dù vậy, Trường chỉ thực sự sắm vai “kép chính” kể từ SEA Games 25, 2 năm sau đó, trên đất Lào. Và cho đến lúc này, chúng ta vẫn chưa quên chấn thương bả vai của Tấn Trường, khiến giấc mơ vàng của U23 Việt Nam khép lại trong trận chung kết với Malaysia.
Kể từ đó, Trường bắt đầu gây sự chú ý. AFF Cup 2010, sau một đôi lượt trận bắt khá hay ở vòng bảng, Tấn Trường được gửi trọn niềm tin trong các trận bán kết với Malaysia (lại là Malaysia). Và tại Bukit Jalil, 2 lần Trường vồ hụt bóng là 2 lần ĐT Việt Nam để thua bàn, tự biến mình trở thành cựu vương tại giải đấu mà chúng ta mang danh những người bảo vệ danh hiệu. Những sai số lặp lại với tần suất ngày một dày đặc hơn sau đó khi Trường trở lại CLB chơi ở V-League.
Vừa được gọi lại ĐT Việt Nam thì Tấn Trường đã lập tức mắc phải sai lầm nghiêm trọng. Ảnh: VSI
Trận hòa 2-2 với SLNA ở V-League 2012, với pha “đẩy” mà như “mớm” bóng để đối phương ghi bàn, ấn định tỷ số hòa vào những phút cuối trận, Trường (cùng đồng đội Đình Luật) bị CLB chủ quản đề nghị công an vào cuộc.
Trận đấu với B.BD ở lượt về V-League 2013, Tấn Trường vờn bóng trước Philani, để đối phương cướp được, khiến XMXT.SG thua 3 bàn không gỡ tại thủ phủ Thủ Dầu Một, rồi trận hòa SHB.ĐN... Tấn Trường bị thanh lý hợp đồng trước thời hạn.
2. Theo giải thích của cựu thủ môn ĐTQG Nguyễn Thế Anh, Tấn Trường đáng ra đã có thể trở thành một trong những thủ môn đẳng cấp nhất ở thế hệ của anh, với chiều cao lý tưởng và những môi trường phấn đấu không thể tốt hơn. Bản thân Trường cũng từng được tôn vinh giá trị bản thân bằng bản hợp đồng kỷ lục (dành cho một thủ môn) khi chuyển từ TĐCS.ĐT về XMXT.SG với giá 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trường đã (và có lẽ sẽ) không bao giờ chạm ngưỡng. Tại sao?
“Tấn Trường bắt rất hay trong những tình huống bóng cụ thể, nhưng anh ấy thường mắc những sai lầm cơ bản, điều không được phép xảy ra với các thủ môn. Đó là những pha vồ hụt bóng, phán đoán sai điểm rơi và cả những pha “diễn” rườm rà không cần thiết. Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, TĐCS.ĐT (và Đồng Tháp trước đây) vốn không có một HLV thủ môn chuyên trách. Những người như Trường phải tự tập nhiều hơn”, thủ thành Nguyễn Thế Anh nói.
Thế Anh là một thủ môn dày dạn kinh nghiệm trận mạc, từng nhiều năm khoác áo các ĐTQG và từng 2 lần vô địch V-League, vào đến bán kết AFC Cup, thành tích có thể nói là khó đồng nghiệp cùng vị trí nào có thể sánh được. Tuy nhiên, người ta hiểu rằng, đấy là những chia sẻ rất đồng cảm với những người cùng làm nghề đứng trong khung gỗ.
Với rất nhiều những sai sót lặp lại mang tính hệ thống, ở các cấp độ ĐT khác nhau, giải đấu khác nhau, khiến giới quan sát phải thừa nhận rằng nó như thể một thói quen khó bỏ của Tấn Trường.
Nhưng tại sao và như thế nào, Tấn Trường vẫn ở đó, có giá chuyển nhượng tiền tỷ, ra sân trong các trận đấu ở V-League và vừa mới được gọi lại ĐT Việt Nam kể từ sau AFF Cup 2012?!
Phải chăng chỉ có bóng đá Việt Nam mới có thể mở ra nhiều cơ hội đến thế cho một bộ phận những cầu thủ đã không còn là chính mình?!
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất