CLB TP.HCM: Ngổn ngang trước ngày trở lại V-League

26/11/2016 18:51 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Bảy năm để trở lại đỉnh cao V-League, bóng đá TP.HCM giờ phải bắt đầu mọi thứ trở lại để không dẫm vào vết xe đổ như trước đây. Chuyện khó ai ngờ nhưng như đã đề cập từ lâu, bóng đá không dễ tồn tại ở mảnh đất này chứ chưa nói đến việc tái hiện quá khứ hoàng kim.

Giờ mới tính đến chữ chuyên

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) – ông Trần Anh Tú không khỏi phật lòng mỗi khi người ta nhắc đến ông trong vai trò lãnh đạo CLB TP.HCM. Bầu Tú xác nhận năm ngoái, Công ty Thái Sơn Nam của ông đã móc hầu bao hơn chục tỷ đồng để thầy trò HLV Lư Đình Tuấn thực hiện mục tiêu thăng hạng sau 7 năm chờ đợi. Ông Chủ tịch HFF phải xắn tay tài trợ để CLB khỏi chết yểu vì khi đó, không ai đoái hoài gì đến đội bóng do UBND TP.HCM quản lý. Tồn tại theo cơ chế Nhà nước và hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cũng không ai mặn mà đèo bồng CLB có tiền thân Cảng Sài Gòn này. Và trước đó, người ta đã thấy bài học ông bầu Nguyễn Chí Kiên khốn khổ thế nào khi quản lý CLB TP.HCM.


HLV Tuấn “nhím” sẽ chỉ làm phó tướng ở TP HCM mùa tới cho HLV người Pháp gốc Campuchia

Từ chỗ không ai nhận đến khi TP.HCM trở lại V-League là chuyện khác. Hiện tại theo chia sẻ của người đứng đầu bóng đá TP.HCM, đã có cổ đông chính thức đề nghị chuyển giao CLB để đội bóng hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần. Đội bóng trong tương lai sẽ không là sản phẩm của Nhà nước, thay vào đó phải sống như nhiều CLB khác hiện nay. Ông Trần Anh Tú cho biết: “Đội bóng được nhà đầu tư mới nhảy vào làm thì tốt, tôi rất mừng. Tôi không quan tâm chuyện người ta nói tôi bị hất cẳng ra khi CLB vừa xây dựng lại tiếng tăm, còn trước đó thì vứt lăn lóc chả ai nhận. Năm ngoái tôi đã bỏ ra hơn chục tỷ đồng cho CLB và năm nay chắc chắn tôi không đầu tư nữa, tiền để dùng vào hoạt động khác. Mọi người cứ gắn ghép tôi vào chức danh người đứng đầu CLB TP.HCM, tôi nhấn mạnh là không phải như thế. Tôi với vai trò Chủ tịch HFF chỉ có nghĩa vụ trợ giúp đội bóng của UBND và Sở VH, TT, DL TP.HCM. Người thay mặt UBND và Sở đứng đầu CLB là anh Trần Đình Huấn. Hiện tại tôi đã trợ giúp CLB về phần luật sư tư vấn những việc cần làm sắp tới. HFF chỉ giữ vai trò trung gian, trợ giúp những CLB đóng chân trên địa bàn. Ở TP.HCM này ngoài CLB TP.HCM còn có Sài Gòn FC, khi các CLB này cần trợ giúp điều gì đó thì HFF sẵn sàng”.

Cũng theo ông Chủ tịch HFF, dù đã lên chuyên nghiệp nhưng do lâu nay vẫn phải thở nhờ nguồn ngân sách Nhà nước nên CLB TP.HCM phải gây dựng lại từ đầu. Trước mắt, CLB phải thực hiện mô hình chuẩn mà các CLB khác đang xây dựng, phải thành lập Công ty cổ phần. Đề xuất từ lâu nhưng có thể phải đầu năm sau (chậm nhất ngày 30/1/2017), CLB TP.HCM mới hoạt động theo mô hình này. Cổ đông chính là một công ty có tiềm lực tài chính và như bầu Tú tiết lộ, phía HFF sẽ hỗ trợ công ty này trong 2 năm đầu. Nếu thuận lợi, đối tác sẽ tiếp tục đầu tư và “bánh ít cho đi, bánh quy đưa lại”, phía thành phố cũng tạo cơ chế cho nhà đầu tư thu lại kinh phí bỏ ra cho CLB. Trước mắt, có thể nhìn thấy khoản chi trăm tỷ đồng cho 2 năm gắn bó với CLB.

Tồn tại thôi rồi tính tiếp

Chính vì chưa có Công ty cổ phần, mọi thứ vẫn rất ngổn ngang với CLB TP.HCM. Trừ việc được đối tác Lyon giới thiệu một HLV ngoại quốc, TP.HCM vẫn chưa thể ký hợp đồng với cầu thủ nào. Với nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, muốn gây dựng lại tên tuổi và thương hiệu ngay khi nắm đội, TP.HCM đánh tiếng mời những cầu thủ khoác áo ĐTQG như Đình Luật và có thể cả Công Vinh về đầu quân. Chỉ có cách mua “sao”, CLB TP.HCM mới rút ngắn được khoảng cách với phần còn lại ở V-League về chuyên môn. Bởi lẽ sau khi lên hạng, đội bóng như HLV Lư Đình Tuấn thừa nhận ngoài sức trẻ thì thực lực còn non kém và nhiều cầu thủ chỉ ở mức trung bình. Hỏi nhiều CĐV TP.HCM, chắc chắn không ai biết nhiều cái tên có chút tiếng tăm ở đội bóng này dù trên danh nghĩa, CLB là sản phẩm mang tính địa phương hơn hẳn Sài Gòn FC.

HLV Alain Fiard là HLV ngoại duy nhất ở mùa bóng 2017 trong xu thế V-League không hợp thầy nước ngoài được ông Trần Anh Tú đánh giá: “Có thực lực, tính tình dễ gần”. Ông thầy gốc Campuchia đến làm việc sớm nhưng nhiều thứ chưa ủng hộ ông, đặc biệt là đội hình vẫn chưa đâu vào đâu. Từng là vùng trắng ở khâu đào tạo trẻ nhiều năm liền, TP.HCM giờ khốn đốn với nhân lực địa phương.


Sài Gòn FC không mang bản sắc của TP. Hồ Chí Minh

Theo người làm bóng đá TP.HCM, cần ít nhất 5-7 năm nữa, họ mới có những sản phẩm chất lượng gốc địa phương từ việc phối hợp đào tạo trẻ với Lyon. Từ đây đến đó, TP.HCM tất nhiên phải chi tiền để thuê cầu thủ chơi bóng. Theo thông tin mới đây, lò đào tạo PVF vốn đứng chân trên địa bàn TP.HCM lâu nay sẽ không giúp gì được nhiều cho đội bóng Sài thành. Bầu Tú tiết lộ từ khi ra đời, Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá trẻ PVF hoạt động độc lập như phương châm và không có nghĩa vụ giúp đỡ bóng đá TP.HCM. Trước đây, bầu Vượng và bầu Hiển từng thống nhất chuyện chia sẻ nguồn lực cầu thủ trẻ nên những cầu thủ tài năng nhất PVF đang có sẽ thuộc về SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T. Trong danh sách này, các cầu thủ Đức Chinh, Thanh Thịnh, Trọng Hóa, Việt Anh đã về SHB Đà Nẵng. Còn Minh Dĩ, Thái Quý, Thanh Phong, Vũ Tín sẽ khoác áo Hà Nội T&T. Với đội trẻ Hà Nội T&T đang làm mưa làm gió ở các giải trẻ trong nước, cùng với PVF sẵn sàng cung ứng và trong năm 2017, nhiều khả năng Quỹ PVF sẽ dọn luôn nhà đến thủ đô “an cư lập nghiệp”, tương lai bóng đá Việt Nam khó thoát khỏi tay ông bầu họ Đỗ.

“Người ăn không hết, người lần không ra”, TP.HCM rất muốn cậy nhờ nguồn lực PVF và ngược lại, đối tác cũng muốn cho sản phẩm của mình có cơ hội cọ sát nhiều do không theo đuổi mô hình CLB chuyên nghiệp (PVF đã tuyên bố bỏ suất chơi giải hạng Nhất 2017). Nhưng khi các ông bầu giữ chữ TÍN, TP.HCM phải tự lo cho mình. PVF sẽ gửi gắm những cầu thủ kém danh tiếng hơn cho CLB TP.HCM và cả đội futsal của ông bầu Trần Anh Tú với lời nhắn nhủ, nếu dùng được thì mới ký hợp đồng.

Thực tế những gì diễn ra ở bóng đá TP.HCM hiện tại, đừng đòi hỏi chuyện vinh quang trong bóng đá lại đến với địa phương này. Tồn tại đã khó, nguồn lực để khởi sắc là vấn đề càng khó hơn. Chuyện cầu thủ miền Nam đóng góp cho nguồn lực đội tuyển Quốc gia như Thể thao & văn hóa đề cập ở số trước giờ không khác nào “hái sao trên trời”.

Việt  Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm