26/11/2022 08:54 GMT+7 | Văn hoá
Hà Nội đang có rất nhiều nhà máy cũ có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc nằm trong diện di dời khỏi nội đô. Đây là cơ hội tốt để tái thiết thành các không gian sáng tạo. Điều này đặc biệt cần thiết khi Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Kinh tế sáng tạo - Nhìn từ các mô hình trên thế giới
Di sản công nghiệp được coi là nguồn tài nguyên cần được khai thác hiệu quả vì nắm giữ các tiềm năng tái sinh khu vực đô thị, tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa và tạo ra giá trị kinh tế thông qua mô hình tái thiết bền vững.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, Đại diện Mạng lưới Bảo tồn Di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam, nước ta có các công trình công nghiệp có giá trị di sản, nhưng chưa có di sản công nghiệp. Vì khái niệm này chưa được pháp lý hóa, chưa đưa vào các văn bản pháp luật nên chưa thể bảo vệ các di sản này. Đó chính là rào cản lớn nhất cho nỗ lực bảo vệ những di sản công nghiệp tại Việt Nam.
Các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa hiện còn mới mẻ và thành phố Hà Nội chưa có nhiều kinh nghiệm để thúc đẩy hoạt động này phát triển đúng với tiềm năng lợi thế. Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội rất quan tâm và hy vọng di sản công nghiệp sẽ trở thành một phần di sản đô thị, di sản văn hóa của thành phố.
Di sản công nghiệp đang được nhiều quốc gia nhìn nhận như một phần của văn hóa, của lịch sử xã hội. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và tái thiết di sản công nghiệp cần được quan tâm và thúc đẩy sự tham gia, sáng tạo của xã hội. Nhìn từ các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế sáng tạo phát triển, di sản công nghiệp được đầu tư, phát huy hiệu quả cao.
Ông Alban Corbier-Labasse, Giám đốc Khu phức hợp văn hóa Friche la Belle de Mai ở Marseille (Pháp) đã chia sẻ những kinh nghiệm khi vận hành địa điểm này. Theo đó, thành công của Friche la Belle de Mai là sự kết hợp của hai ý chí. Một là ý nguyện của chính quyền, hai là sáng kiến của các chủ thể trong xã hội. Việc sử dụng tối ưu không gian hiện có và dự trữ các không gian cho các mục đích sáng tạo sau này là cần thiết. Vì vậy, cùng với việc tổ chức các hoạt động trong khu phức hợp, nơi này đang trở thành địa chỉ hấp dẫn cho người dân trong vùng và đông đảo du khách nơi khác đến tham quan.
Được chuyển đổi từ kho tàu cũ nát của Đường sắt Hà Lan, không gian làm việc Utrecht Community (Uco) đã giúp cung cấp 1.800 m2 không gian làm việc, hội họp và trình diễn. Tuy khởi tạo từ một kho tàu cũ được xếp hạng di sản, tòa nhà Uco vẫn thiết kế và tuân theo các tiêu chuẩn trong suốt quá trình cải tạo để đảm bảo tính trung hòa về năng lượng. Trong quá trình cải tạo và trang bị nội thất, Uco đã xem xét từng chi tiết để tìm ra các giải pháp bền vững, đầy đủ chức năng. Những người thiết kế đã chú ý để đảm bảo khí hậu trong lành với các vật liệu không độc hại và có nhiều ánh sáng tự nhiên. Đó là lý do nhiều năm qua, không gian này hoạt động hiệu quả do thực hiện tái thiết di sản công nghiệp tích hợp thiết kế bền vững tối ưu năng lượng.
Sự chuyển đổi mạnh mẽ cho Thành phố Sáng tạo
Tháng 7/2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn, trong đó có 9 cơ sở công nghiệp phải di dời trong vòng 5 năm. Nghị quyết đã mở ra nhiều vấn đề về phương thức di dời, chuyển đổi các nhà máy công trình này cũng như kế hoạch quản lý và tiếp quản các khu đất trống sau khi di dời. Tuy vậy, những vấn đề trên gây ra nhiều thách thức cho thành phố khi chưa có chính sách, quy định, phương thức thẩm định di sản công nghiệp và chưa có mô hình tái thiết di sản thành công.
Tiến sỹ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, sẽ rất đáng tiếc nếu tiếp cận 9 khu đất khi di dời 9 nhà máy cũ theo hướng khai thác chuyển đổi thành các khu đô thị và chỉ có giá trị về mặt kinh tế. Nhưng nếu tái thiết di sản công nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Hà Nội trong phát triển Thành phố Sáng tạo.
Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu, Giảng viên Bộ môn Lý luận - Bảo tồn di sản kiến trúc thuộc Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (người đã có những đề xuất nghiên cứu mô hình chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm) cho rằng: Việc di dời 9 nhà máy cũ ra khỏi nội đô đã mở ra quỹ đất rất lớn cho thành phố. Đây là cơ hội để Hà Nội đủ tiềm lực chuyển mình và trở thành một Thành phố Sáng tạo năng động. Ông Phạm Trung Hiếu đề xuất, không gian văn hóa sáng tạo được chuyển đổi từ các địa điểm này cần đảm bảo 3 thành tố (như bảo tồn thích ứng di sản giá trị, kiến tạo không gian sáng tạo cộng đồng, không gian khuôn viên cây xanh) được gắn kết lại với hệ thống không gian cảnh quan sống động.
Nhiều kiến trúc sư cũng cho rằng, tái thiết nhà máy cũ cũng cần gắn kết với bối cảnh xung quanh, đảm bảo các giá trị kinh tế, bảo tồn văn hóa và giảm thiểu các tác động tới môi trường xung quanh. Trong các khu nhà đó là những không gian sáng tạo cho các thiết kế sáng tạo, các cuộc trưng bày, triển lãm, hội thảo, nơi nuôi dưỡng và star-up sáng tạo... Thành phố và người dân không chỉ được hưởng thụ văn hóa mà còn là nơi thúc đẩy hoạt động kinh tế sáng tạo phát triển.
Đối với thành phố, việc tái thiết các cơ sở công nghiệp cũ thành không gian sáng tạo là rất cần thiết, bởi nó có thể minh chứng cho tính khả thi về kinh tế, văn hóa, môi trường, tạo động lực cho cộng đồng cùng sáng tạo. Đây cũng là cơ hội tốt để Hà Nội thúc đẩy phát triển Thành phố Sáng tạo năng động trong giai đoạn tới.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất