24/01/2019 06:53 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - 2 năm vừa qua đánh dấu nhiều thành công của nhà thơ Mai Văn Phấn - với đỉnh cao là việc nhận giải thưởng văn học Cikada danh giá của Thụy Điển. Vậy nhưng, trong bài viết gửi Thể thao &Văn hóa (TTXVN) về chuyến đi nhận giải, anh lại không muốn nói về giải thưởng của mình. Đó là câu chuyện khác, về tình cảm với Việt Nam của một bạn văn Thụy Điển.
1. Ngày cuối cùng trong chuyến thăm Thụy Điển. Tôi hẹn với nhà văn Agneta Pleijel và nhà nghiên cứu văn hoá, dân tộc học Eva Lindskog đi dạo phố Drottninggatan ở trung tâm thủ đô Stockholm.
Một điều không ai có thể quên được vào mùa Hè 2017, ngay trên con phố cổ kính này từng xẩy ra vụ khủng bố kinh hoàng. Bọn khủng bố đã lái một chiếc xe tải lao thẳng vào đám đông làm 6 người chết và hàng chục người bị thương. Sau sự kiện kinh hoàng ấy, người ta đã đặt giữa lòng phố những bức tượng sư tử bằng đá trắng, vừa để trang trí, vừa ngăn chặn hoạt động của các loại xe cơ giới.
Agneta Pleijel và Eva Lindskog đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng cả hai đều nhanh nhẹn, minh mẫn và rất hóm hỉnh. Tôi cũng đã quen với cách đi bộ nhanh sải bước rộng nên theo kịp hai chị.
Nhà văn Agneta Pleijel đã đến Việt Nam hai lần, thăm Hà Nội và Huế vào mùa xuân và mùa thu. Nhà văn rất ấn tượng với tính cách người Việt, mến khách, nhân hậu, và nói như hát. Agneta khoác tay tôi, còn tay kia khỏa rộng miêu tả sương khói Hồ Tây lúc hoàng hôn, hương vị ly café “đen đá” trong một quán giải khát không nhớ tên nằm sát mặt hồ.
Chị Eva đã giải thích thêm cho Angeta Pleijel biết vì sao mặt hồ ở Hà Nội bảng lảng sương khói vào mùa xuân và lấp lánh ánh vàng vào mùa thu.
2. Rồi Eva quay sang nói với tôi về cuộc đời và những cuốn sách của Agneta Pleijel.
Agneta Pleijel sinh năm 1940 tại Stockholm, từng là Chủ tịch Câu lạc bộ Văn bút Thụy Điển từ năm 1988 đến năm 1990. Là tác giả của nhiều kịch bản, tiểu thuyết nổi tiếng, Agneta Pleijel được coi là một trong những nhà văn Thụy Điển hiện đang sống được dịch sang nhiều ngôn ngữ nhất. Chị từng nhận được nhiều giải thưởng văn học uy tín của Thụy Điển và quốc tế, trong đó có giải thưởng mang tên nhà văn Thụy Điển Selma Lagerlöf. Tiểu thuyết “Chúa tể Nevermore” của Agneta Pleijel từng được đề cử cho giải thưởng lớn của Hội đồng Văn học Bắc Âu.
Chúng tôi ghé vào một quán café ở cuối phố Drottninggatan. Angeta nói, hàng ngày chị thường uống café cappuccino, nhưng hôm nay sẽ uống một ly café nguyên chất để lạnh để nhớ “đen đá Hà Nội”.
Tôi mở máy đi động đưa cho chị Angeta xem tấm ảnh tôi chụp trước ngày ra sân bay. Đó là hình bìa cuốn tiểu thuyết Một mùa đông Stockholm của chị, do dịch giả Hoàng Cường dịch từ bản tiếng Pháp sang tiếng Việt, NXB Văn học ấn hành, 2007. Chị cười hiền, ánh mắt tinh nghịch như quét vào tôi, giọng quả quyết: “Exactly!” (chính xác). Một người bạn ở Hà Nội, hình như lúc đó làm ở NXB Văn học đã gửi cho nhà văn cuốn sách này.
Về tiểu thuyết Một mùa đông ở Stockholm của Agneta Pleijel, theo tác giả Bửu Nam: "điều gây ấn tượng mạnh đối với ta là tấn kịch riêng tư bi thiết của một nhân vật - thiếu phụ trí thức, một giáo sư Đại học vừa là một nhà văn, về tình yêu và hôn nhân giữa đam mê và tỉnh táo, giữa ảo tưởng và vỡ mộng, giữa chịu đựng và nổi loạn, giữa vị kỷ và hướng thiện, lồng vào bi kịch của một tuổi thơ với những vết thương tâm hồn do sự khác biệt, xung đột và chia ly giữa cha và mẹ, những con người có đam mê và tài năng, ước vọng, nhưng không thể đem hạnh phúc cho nhau, không thể hiểu nhau ".
Trong sáng tác, Agneta Pleijel lên tiếng đấu tranh cho nữ quyền rất mạnh mẽ. Tiêu biểu nhất về đề tài này là cuốn tiểu thuyết Doften av en man (tạm dịch "Mùi của đàn ông") của Agneta Pleijel.
“Tôi viết về điều lo lắng, bất an của một phụ nữ trẻ trong những mối quan hệ rắc rối, phức tạp mà cô ấy gặp phải” – nhà văn tâm sự - “Tôi căm ghét sự bất công, tàn nhẫn trong tình yêu và nhất là trong tình dục mà phụ nữ phải gánh chịu. Phụ nữ cần được tôn trọng và bình đẳng với nam giới dù ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào”. Chị nhấn mạnh, nữ quyền phải được hỗ trợ bởi luật pháp, phong tục và tập quán địa phương.
3. Chúng tôi tiếp tục dạo bước và dừng lại khá lâu ở địa chỉ 85 Drottninggatan. Được Agneta Pleijel chỉ dẫn, tôi biết được đây chính là bảo tàng nhà văn Thụy Điển August Strindberg (1849 - 1912), nơi ông đã sống bốn năm trước khi qua đời. Ông là một tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà viết tiểu luận và cũng là một họa sĩ nổi tiếng. Nhưng, thế giới biết đến August Strindberg nhiều nhất với vai trò nhà soạn kịch và coi ông là một trong những nhà cách tân sân khấu hiện đại tiêu biểu của châu Âu.
Cũng chính trên mặt đường con phố này, người ra đã gắn những dòng chữ tiếng Thụy Điển bằng đồng. Đó là những câu nói, đoạn trích từ các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn August Strindberg.
Chị Agneta cố ý chạy gằn lên phía trước, rồi dừng lại ở cuối mỗi dòng chữ của August Strindberg đã nhẵn bóng dấu chân khách bộ hành. Chị đưa ngón tay như nhấn từng ký tự, chậm rãi dịch sang tiếng Anh cho chị Eva và tôi nghe.
Tôi nói với Eva rằng sau này các con cháu tôi sẽ đến thăm đất nước của chị. Chắc chắn chúng sẽ dạo chơi nơi đây, hoặc có thể trên một con phố bất kỳ ở Thụy Điển. Nơi ấy sẽ có những dòng chữ bằng đồng được trích từ những tác phẩm xuất sắc của Agneta Pleijel mà mọi người đang say mê thưởng thức.
Mai Văn Phấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất