04/11/2022 13:43 GMT+7 | Văn hoá
Sau hành trình gặp gỡ độc giả tại Hà Nội và Huế, nhà văn Michel Bussi đã ghé qua TP.HCM. Rất đông bạn đọc, mà đặc biệt là các bạn trẻ, đã đến buổi giao lưu với ông diễn ra tại Đại học KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM vào tối ngày 3/11/2022.
Trong nền văn học Pháp đương đại, Michel Bussi được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám” với phong cách viết biến hóa tài tình, bất ngờ đến ngạt thở. Ông giành được hơn 15 giải thưởng văn học lớn, các tiểu thuyết của ông đã được dịch và xuất bản tại hơn 35 quốc gia, trong đó một số đã được chuyển thể thành phim. Theo tờ Le Figaro, ông là một trong năm nhà văn Pháp có sách bán chạy nhất năm 2021 tại nước này. Các tác phẩm của Michel Bussi đã được xuất bản tại Việt Nam: Xin đừng buông tay, Hoa súng đen, Mẹ đã sai rồi, Vết khắc hằn trên cát, Kho báu bị nguyền rủa.
Những người yêu thích Michel Bussi xác nhận rằng chính lối viết văn trinh thám theo phong cách phê bình và can thiệp đầy sáng tạo của ông đã chinh phục được công chúng Việt Nam. Nhân dịp này, ông đã dành báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cuộc trò chuyện chân tình.
* Mặc dù ông đã có 5 tác phẩm được bán chạy tại Việt Nam, nhưng được biết đây là lần đầu tiên ông đến vùng đất phương Đông này. Cảm nhận ban đầu của ông như thế nào?
- Tôi đến Việt Nam trong dịp kỷ niệm 75 năm tác phẩm Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry (1900 - 1944) ra đời, đây cũng là dịp giới thiệu tiểu thuyết mới nhất của tôi là Mã 612: Ai đã giết hoàng tử bé?. Hoàng tử bé là tác phẩm kinh điển, với số phát hành chỉ sau kinh thánh Công giáo, nên không có gì ngạc nhiên để biết rằng tại Việt Nam có rất nhiều người yêu thích tác phẩm này. Điều tôi bất ngờ là có rất nhiều nhà nghiên cứu văn học người Việt am hiểu về Antoine de Saint-Exupéry.
Ví dụ như họ cho tôi biết chị gái của ông đã từng làm việc tại Sài Gòn, rồi chính ông đã ghé đến và lưu lại nơi được ví là “hòn ngọc viễn Đông” tầm một tháng. Họ biết rất rõ, trong chuyến bay từ Pháp đến Sài Gòn, tác giả đã gặp tai nạn trên sa mạc (không chết) và đây là nguyên nhân ra đời của Hoàng tử bé. Tôi ấn tượng nhất là các độc giả đến giao lưu với tôi đều là những bạn trẻ, nhiều người trong số họ đã đọc tất cả 5 tiểu thuyết của tôi đã từng phát hành tại Việt Nam. Tại Pháp đa số độc giả của tôi vào độ tuổi trung niên.
* Với tiểu thuyết “Mã 612: Ai đã giết hoàng tử bé?”, Ông mất bao lâu để hoàn thành?
- Trước khi viết văn tôi là giảng viên dạy môn địa lý. Tôi yêu thích sự khám phá nên rất mê thể loại tiểu thuyết phiêu lưu, mạo hiểm. Tôi đọc và đi rất nhiều. Đến một lúc, tôi cảm thấy mình phải viết tác phẩm cho riêng mình và mong muốn của tôi là viết tiếp các câu chuyện ở những quyển sách mà tôi từng đọc. Tôi viết theo phong cách điều tra lại các tiểu thuyết trinh thám. Tôi chỉ mất 6 tháng để hoàn thành quyển sách, nhưng 30 năm tập trung nghiên cứu và thu thập tất cả các tài liệu liên quan đến cuộc đời và hành trình sáng tác của Antoine de Saint-Exupéry.
Tôi kể ra một vài điều trùng hợp rất kỳ lạ giữa đời thật của tác giả và số phận nhân vật hoàng tử bé. Ông là một trong những phi công chiến đấu đầu tiên của Pháp. Trong suốt thời gian phục vụ quân đội, ông viết văn. Trong phi vụ cuối cùng trong chiến tranh thế giới thứ nhất, ông đã mất tích, còn nhân vật hoàng tử bé bị rắn cắn chết và không ai thấy thân xác cậu ấy ở đâu. Tôi đặt ra câu hỏi phải chăng tác giả có thể tiên tri cho tương lai của mình thông qua tác phẩm, hoặc có một sự sắp đặt nào khác. Từ đó, tôi bắt đầu lên phương án và đặt ra nhiều giả thiết để giải mã những ẩn số ám ảnh tôi trong suốt một thời gian rất dài.
* Ông có bị ảnh hưởng tư duy sáng tạo của Antoine de Saint-Exupéry không và điều gì là quan trọng nhất với ông trong sáng tác?
- Thú thật là Antoine de Saint-Exupéry có ảnh hưởng lên phong cách sáng tác của tôi khá nhiều. Điều quan trọng nhất của tôi trong việc tạo nên một tác phẩm là xây dựng một câu chuyện cân bằng, văn phong đơn giản có thể phục vụ nhiều độc giả, nhưng phải có những biến hóa bất ngờ không đoán trước, và cả sự hài hước. Tôi viết truyện trinh thám nhưng không nhất thiết phải có cảnh giết người man rợ, trong các tác phẩm của tôi cũng bàn bạc chất thơ. Ngoài ra tôi cũng viết truyện cho thiếu nhi, truyện tranh. Ở các thể loại này, tôi cần có sự hồn nhiên, trong trẻo, đầy màu sắc và những thông điệp được gửi gắm.
* Ông được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám”, là 1 trong 3 nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất tại Pháp và Âu châu, với 15 giải thưởng lớn. Thành công này hẳn nhiên sẽ mang đến cho ông nhiều điều tốt đẹp. Tuy nhiên, sự nổi tiếng nhiều khi là một áp lực lớn, ông có cảm thấy thế không?
- Ngay khi bắt đầu bước vào văn nghiệp, tôi chỉ viết ra những gì mình yêu thích, không nghĩ có một ngày mình sẽ nổi tiếng hoặc nhắm đến các giải thưởng. Đến khi tên tuổi tôi được nhiều độc giả yêu mến, được trao các giải thưởng cao quý, tôi xem đó là món quà vô giá. Đôi khi tôi bị áp lực, hoặc cũng có thể xem là động lực, phải viết tác phẩm sau hay hơn tác phẩm trước, nhưng nhìn chung sự nổi tiếng không khiến tâm lý tôi bị chông chênh, đảo lộn. Thực ra, đến giờ sau khi hoàn thành một tác phẩm, tôi vẫn không chắc nhà xuất bản sẽ đồng ý phát hành. Cảm giác quyển sách được chọn in hồi hộp và hạnh phúc hơn là áp lực (cười).
* Tại Việt Nam, nhà văn được ví là nhà nghèo và 98% người viết văn mưu sinh bằng nhiều công việc khác. Tình hình ở Pháp ra sao, thưa ông?
- Cũng y như thế (cười lớn). Chỉ một số ít nhà văn có sách bán chạy là ung dung sống với nghề viết văn, đa số phải làm nhiều công việc khác nhau. Suy cho cùng nghề văn là nghề của đam mê.
* Ông là một tác giả văn chương có nhiều tác phẩm được chuyển thể điện ảnh và truyền hình. Ông có trực tiếp tham gia vào vai trò biên kịch và khi xem tác phẩm của mình bằng hình ảnh, cảm xúc ông ra sao?
- Lúc đầu tôi không tham gia vào vai trò biên kịch. Về sau, khi càng có nhiều tác phẩm của tôi được chọn, tôi được mời vào vai trò này. Mỗi khi xem câu chuyện bằng chữ của mình được kể bằng ngôn ngữ hình ảnh, ở đó, có sự tham gia của bàn tay đạo diễn và diễn xuất của diễn viên tôi cảm nhận một đời sống khác của đứa con tinh thần của mình, rất sống động và đầy cảm xúc.
* Ông có dự định sáng tác một tác phẩm có liên quan đến Việt Nam sau chuyến đi này?
- Việc tôi đến Việt Nam và nhận được những tình cảm tốt đẹp ở đây là một nhân duyên tốt. Trong lòng tôi đã có Việt Nam, rất có thể trong câu chuyện của tôi sắp tới, nét văn hóa, con người Việt Nam sẽ hiện diện. Nhưng bây giờ chưa có gì là rõ ràng trong suy nghĩ của tôi.
* Cảm ơn ông.
Nguyễn Huy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất