Sự kiện TP.HCM rớt hạng: Vì đâu, vì sao? (Bài 1)

25/08/2009 12:28 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Thành phố đông dân nhất nước đã “trắng” thật sự ở sân chơi bóng đá chuyên nghiệp vào năm sau. Sự thật nguyên bản thường phũ phàng. Vấn đề là người ta nhìn nhận nó như thế nào. Nghiêm túc làm lại hay hời hợt, tặc lưỡi cho qua?

1. Quân của TP.HCM yếu, thì đã đành. Nhưng yếu như thế nào, thì chắc không nhiều người nắm được. Có lẽ chỉ có HLV Lư Đình Tuấn biết. Chơi V-League mà Tuấn “nhím” nhiều khi vẫn phải dành cả giờ đồng hồ, để uốn nắn các động tác cơ bản cho học trò trên sân tập. Mà không chỉ có cầu thủ ta, đến tây như Marcio hay Salatiel ở giai đoạn 1 cũng vậy. Tuấn “nhím” được cái cũng “bướng”. Hễ ai bảo học trò mình không thể chơi bóng, là y rằng ông sẽ “lôi cổ” anh cầu thủ ra để dạy, cho đến khi đá được bóng thì thôi. Thì đấy, Hồ Văn Lợi vẫn ra sân và ghi bàn ở tuổi 40; Tấn Trung tưởng đã là “phế phẩm” thì đã luôn chơi chính ở lượt về, hay như Trung Tuấn vẫn còn rất “trẻ” để ra sân ở tuổi 35.

Lứa trẻ kế cận thì tài cỡ Ngọc Tùng hay Kim Long là cùng. Mà Tùng cũng chỉ chạy khỏe chừng 75 phút là hết pin. Minh Chuyên chấn thương liên miên, Chí Thắng đã không còn trẻ, còn Ngọc Bảo là ai, trước khi đá chính được vài trận?! Tuyến trẻ, tâm lý thi đấu cực yếu. Già lại dễ đứt hơi. Nhiều trận đấu, họ thậm chí không ăn được cơm. Cũng có khi đối thủ mở toang cửa cho mà đá, nhưng bóng mãi không chịu chui vào lưới. Trận đấu với B.BD mới đây là một minh chứng (có ghi bàn, nhưng lại ít hơn thủng lưới). Nó biểu hiện cho điều gì, nếu không phải là tâm lý yếu?! TP.HCM luôn thở dồn là vì thế. Mong manh và dễ vỡ.



TP HCM (trái) chỉ là một đội bóng làng nhàng xét về lực lượng - Ảnh:Bá Châu

HLV Lư  Đình Tuấn đã được cho là tài nhất trong số các đồng nghiệp cùng thế hệ. Nhưng với chỉ một đội quân như thế, thì tính thời điểm thì được, chứ cho cả chu kỳ thì không. Tuấn “nhím” không ý thức được điều này, hay anh không còn sự lựa chọn khả dĩ hơn với một đội hình chỉ có chừng chục người biết đá bóng? Có lẽ là cả 2!

2. Lãnh đạo bên HFF vẫn khẳng định, họ không thiếu tiền, nhưng đội bóng của Sài Gòn thì không được phép tiêu hoang. Bất luận thế nào, thì chính sách chuyển nhượng của đội bóng vẫn phải được đảm bảo. Như thế mới không phá bỏ truyền thống “ăn dè hà tiện” của đội bóng, lại còn có tiếng là giúp thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam không “loạn”. Phát biểu chính thức của ông Chủ tịch HFF Lê Hùng Dũng, hôm Đại hội thưởng niên khóa IV, chắc không ai quên. Ngôi sao cỡ bự của TP.HCM như đội trưởng Ngũ Chí Thắng, cũng chỉ nhận hơn 250 triệu đồng “lót tay” cho một năm gia hạn hợp đồng (tổng cộng 3 năm, chừng 750 triệu). Hầu hết những bản hợp đồng còn lại về với TP.HCM, hoặc là “phế phẩm”, hoặc vô danh. Đầu mùa giải, hậu vệ Tấn Trung từ đội hạng nhì Kiên Giang, đã ký 3 năm với TP.HCM, với giá như chúng tôi đã từng đưa tin là 80 triệu.  Trung Tuấn, sau khi rời B.BD, thất nghiệp mới quay lại đội bóng cũ TP.HCM theo dạng hợp đồng thời vụ.

Về mặt quản lý Nhà nước, CLB TP.HCM đúng là “của” HFF. Nhưng HFF không phải là đơn vị bảo trợ tài chính cho CLB TP.HCM, mà là Tập đoàn Thép Việt Nam. Đó mới là cơ chế bóng đá chuyên nghiệp. Xong thoạt nhiên, không thấy bất cứ một động thái nào của nhà tài trợ, cho chiến dịch của đội bóng, kể từ khi thay đổi phiên hiệu. HFF đã lại luôn “oang oang”, như thể họ mới nắm phần hồn và cả phần xác của đội bóng?! Họ nói nhiều, nhiều lắm, nhưng làm được bao nhiêu đâu. Thực trạng ấy khiến đội bóng trở nên trì trệ…

Đón đọc bài 2: Ông chẳng bà chuộc

TÙY PHONG

 “Hồi đầu mùa giải, chúng tôi cũng đã cố gắng liên lạc để mua Thanh Bình, Việt Cường…, đấy thôi, nhưng họ không chịu cái giá 500 triệu đồng/năm hợp đồng. Tiền là một phần bản chất vấn đề thôi, theo tôi, nguyên nhân chính phải là tham vọng của đội bóng. Sẽ chẳng ngôi sao nào chịu đầu quân cho một CLB chỉ lăm lăm mục tiêu trụ hạng cả…”, HLV Lư Đình Tuấn từng chua chát.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm