05/12/2024 15:44 GMT+7 | Văn hoá
Ngô Trọng Văn là một nghệ sĩ gốm có nét sáng tạo riêng, hiện sống ở tỉnh Bình Dương. Triển lãm cá nhân Gốm Văn khai mạc lúc 18h ngày 7/12/2024 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM là cuộc bày có đầu tư bài bản của một nghệ sĩ sáng tác thực thụ, bản sắc.
Trong mỹ thuật, lĩnh vực nào cũng đổ mồ sôi sôi nước mắt, nhưng với gốm thì có lẽ cần phải sôi gấp đôi, khi mà ngoài cái lò nung đỏ lửa, thì còn cả cái lịch sử mỹ nghệ - trang trí lâu đời đè nén lên tâm lý người làm sáng tạo. Kiểu như nói nghệ nhân gốm nghe thuận tai hơn là nghệ sĩ gốm.
Trong khi đó, nếu tính từ khi bà Bùi Thị Hý (1420-1499) ký tên lên gốm Chu Đậu, làm những tác phẩm gốm độc bản, thì lịch sử nghệ sĩ gốm của Việt Nam đâu hề ngắn ngủi.
Xem Gốm Văn, thấy anh chắt lọc và kết hợp kỹ/mỹ thuật của gốm truyền thống, của ngôn ngữ điêu khắc hiện đại và của cả nghệ thuật ý niệm. Gọi Ngô Trọng Văn là nhà điêu khắc gốm mới thật chính xác.
Bởi xem tác phẩm gốm hiện nay, thấy không ít người sáng tác quá thiên về ngôn ngữ thuần điêu khắc hoặc dùng màu men kiểu hội họa, nên mất sự độc lập, tự tại của chất liệu gốm. Một số tác giả khác thì lại câu nệ theo kỹ thuật gốm cung đình/truyền thống, hoặc hơi buông lỏng theo kiểu dân gian, mà ít tính học thuật, đổi mới. Ngô Trọng Văn thì luôn tìm tòi, khám phá những tạo hình mới mẻ hơn, có tính kết hợp của nhiều kỹ thuật và cả loại men, để tạo ra hòa sắc riêng, được nung nhiều lần, khiến các lớp màu chồng lấp và lần lượt hiển hiện…
Ví dụ với những tác phẩm hình trái tim hóa thạch, nếu không xem ở khía cạnh ẩn dụ, thì khó chia sẻ hết ý niệm mà anh gửi gắm vào hình khối, màu sắc. Trái tim không chỉ bắt đầu và nuôi dưỡng sự sống, mà còn thành nơi kết thúc và hồi sinh sự sống. Có thể nói những tác phẩm lấy cảm hứng từ hình tượng trái tim là một điểm nhấn mới mẻ, chuyên chở được triết lý của Gốm Văn.
Còn những tác phẩm mang hình mầm cây, gốc cây, hoặc các tác phẩm kiểu biến dị thì ẩn dụ cho việc cảm nhận sự biến đổi khí hậu, sự thay đổi môi trường sống, sự đột biến gen… Gốm tượng hình từ đất, mà đất thì chịu bao nhiêu đoạn trường, những nỗi đoạn trường này cũng hiển hiện qua Gốm Văn. Điều này tạo nên ba mảng của triển lãm, nó phản ánh một hành trình quan sát từ bên ngoài vào bên trong của người nghệ sĩ. Hành trình đó có cái nhìn chung về thời cuộc, có cái cảm thông-chia sẻ, có cái riêng tư khó bày tỏ cùng ai.
Về mặt kỹ thuật, gốm của Ngô Trọng Văn thường có kết cấu tinh tế, có cấu trúc phức tạp và có độ khó cao trong tạo tác. Về thị giác, bằng cách kết hợp hình khối âm dương với các chi tiết hình học, biểu tượng, men nhiều màu… Ngô Trọng Văn muốn người xem thấy được sự dụng công và sự khác biệt, với công phu rõ ràng. Xem hơn 40 tác phẩm (trong đó có 11 bộ tác phẩm) bày ở Gốm Văn, có thể hình dung được phần thể nghiệm, phần hư hỏng, nổ nứt trong quá trình tạo tác. Vì gốm nghệ thuật muốn khác biệt thì thường phá vỡ những nguyên tắc của kỹ thuật gốm, nên khi nung rất dễ bị hư, bị nổ.
Ngô Trọng Văn mất hơn 3 năm để chuẩn bị nhiều khâu cho Gốm Văn, trong đó khó nhất là chắt lọc tác phẩm, để làm sao chúng vừa đủ độ mới (vì không thể dùng tác phẩm quá cũ), vừa kể được một câu chuyện có kế thừa, tiếp nối về nghề gốm. Nói cách khác, xem triển lãm thấy được đam mê và hành trình dài lâu, liên tục của Ngô Trọng Văn.
Ở khía cạnh đời tư, Ngô Trọng Văn có vợ là nghệ sĩ gốm Nguyễn Thị Dũng, khá nổi tiếng, họ sáng tác chung xưởng, nung chung lò. Thế nhưng, nếu gốm Dũng sang trọng, bay bổng, với tạo hình tự nhiên, nữ tính… thì Gốm Văn mạnh mẽ, thô mộc, xù xì, gai góc… không chỉ ở tạo hình, mà còn ở cả ý niệm, triết lý. Nói vui theo dân gian, làm việc chung với vợ, mà dám khác biệt với vợ, quả là dũng cảm vậy.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất