17/08/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá
Vào lúc 20h ngày 19/8, tại Nhà hát lớn Hà Nội, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ đưa khán giả xuôi theo dòng thần tích dân gian trở về ba lần giáng thế, hiển linh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh - vị thánh tối linh, khai sáng đạo Mẫu ở Việt Nam. Đồng thời, khán giả sẽ được trải nghiệm hình thức tín ngưỡng hầu đồng độc đáo, qua vở diễn Thượng thiên Thánh Mẫu.
Vở diễn là sự kết hợp diệu kỳ, hữu duyên giữa nghệ thuật xiếc và cải lương, dàn dựng trên cả hai phiên bản sân khấu tròn và vuông, với thời lượng 120 phút. NSND Triệu Trung Kiên (Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) và NSND Tống Toàn Thắng (Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) đồng đạo diễn, dựa trên kịch bản của Lê Thế Song - Xuân Hồng. Góp phần làm nên sức hấp dẫn cho vở diễn còn có thiết kế sân khấu của NSƯT Doãn Bằng, âm nhạc của NSND Hoàng Anh Tú, vũ đạo của NSND Kim Chung, phục trang của NSƯT Minh Hùng…
Hữu duyên cộng hưởng
Khởi công dàn dựng từ tháng 4/2021 trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ê-kíp đã phải rất cố gắng khắc phục khó khăn để gần một năm sau vở diễn mới hoàn thành. Hai loại hình nghệ thuật tưởng như “vênh lệch”, đối lập đã được kết hợp ăn ý giữa những điệu lý, các câu vọng cổ... cùng các trò diễn đặc sắc của xiếc như bay trên không, ảo thuật nâng người, xoay người trên trục...
Thật hữu duyên khi tính ước lệ, mềm mại của cải lương được kết hợp với sự mạnh mẽ, trực diện của sân khấu xiếc để tạo nên một tổng thể thống nhất, liền mạch. Sau Cây gậy thần, hai đơn vị nghệ thuật đã nỗ lực sáng tạo không ngừng, để tạo nên Thượng thiên Thánh Mẫu vừa có độ phiêu, vừa có sức cuốn hút bởi sự độc đáo, hấp dẫn.
Vở diễn đã khéo léo kết hợp thời gian quá khứ - hiện tại; không gian thiên giới - trần thế; nhân vật truyền thuyết - đời thường… Kỹ thuật của xiếc mang đến sự thần kỳ, hấp dẫn cho câu chuyện. Các cảnh trong vở diễn được liên kết tạo thành một tổng thể thống nhất, đó là cảnh Thái Bà sinh hạ Thánh Mẫu; cảnh Giáng Tiên chia biệt Đào Lang về thiên giới; cảnh hội quần tiên trên thiên giới lý giải Thánh Mẫu giáng trần; cảnh Thánh Mẫu diệt kẻ ác nhân nơi Tây Hồ Phong Nguyệt bảo vệ công lý; cảnh Thánh Mẫu quyết chiến với Tiền Quân Thánh để bảo vệ chúng dân; cảnh hội làng… Trong đó, cảnh tốp thanh niên nhảy hip-hop, đối đáp, giao lưu, đi vào quá khứ là tình huống giả tưởng như cầu nối, dẫn mạch truyện xuyên suốt, sinh động và cuốn hút.
Xen cài giữa ca kịch là những cảnh đu bay, ảo thuật nâng người, đế kiếm trên dây, xoay người trên trục, nhào lộn trên xà, lắc vòng trên bóng, tung hứng, ảo thuật… ly kỳ, gay cấn, có nhiều pha thót tim khán giả. Ngoài việc đảm nhận tốt đặc trưng xiếc, các nghệ sĩ vừa thoại, múa, vừa diễn như diễn viên kịch nói, cùng nhau thể hiện từng mảng miếng ăn ý, tự nhiên, uyển chuyển.
Ngọc Diệp (diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam), trong vai Quỳnh Hoa công chúa, chia sẻ: “Đặc thù xiếc là diễn bằng động tác, hình thể, nhưng ở vở diễn này, em còn học thêm lời thoại, cách diễn thể hiện tâm lý nhân vật như diễn viên kịch nói. Kiến thức học biên đạo múa đại chúng đã giúp em rất nhiều”.
Nghệ sĩ cải lương quen diễn ở sân khấu vuông, xa lạ sân khấu tròn, “ngại” độ cao của xiếc… thì lần này vừa thể hiện lời ca trong điệu lý, câu vọng cổ… vừa kết hợp cùng bạn diễn những trò bay trên không, mà vẫn ngọt ngào, trầm ấm. Nghệ sĩ Minh Lý rất xuất sắc thể hiện vai Giáng Tiên, Liễu Nương, Mẫu Liễu Hạnh trong giọng ca đẹp, kết hợp với xiếc trên độ cao đầy ấn tượng. Các nghệ sĩ đã kết hợp một cách tinh tế, thông minh trong việc khắc họa hình tượng thượng thiên Thánh Mẫu, với những cuộc chuyển kiếp cùng duyên nợ trần ai độc đáo, hấp dẫn.
Làm nên thành công này phải nói đến “phép phù thủy” trong thể nghiệm của hai đạo diễn. Họ không ngừng đổi mới, sáng tạo; phát huy đặc trưng của từng loại hình; kết hợp các mảng miếng tạo nên một sản phẩm ca kịch - xiếc hoàn hảo, mới mẻ, bất ngờ, thú vị cho sân khấu.
NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Trước khi thực hiện dự án này, tôi đã từng kết hợp cải lương với múa rối trong vở Ngạ quỷ; kết hợp với chèo, xẩm, hát văn Huế trong Ngàn năm mây trắng. Những kỹ thuật của xiếc đưa vào khiến câu chuyện trở nên thần kỳ. Huyền thoại trở thành hiện thực. Nó tiếp sức cho vở diễn rất nhiều. Sau Cây gậy thần, vở Thượng thiên Thánh Mẫu giúp chúng tôi khẳng định hướng đi đúng, phát huy tốt nhất đặc trưng nổi bật của từng loại hình. Hình tượng Mẫu Liễu Hạnh tỏa sáng nhờ kết hợp nhuần nhuyễn, ăn ý của cải lương, xiếc và hát văn. Sự ghi nhận của khán giả và tiếp nối thành công đã cho chúng tôi thêm động lực, tự tin thể nghiệm cái mới. Chúng tôi rất mừng vì được các nghệ sĩ ủng hộ, hào hứng, cháy hết mình cho vở diễn. Ai cũng tràn đầy năng lượng sáng tạo”.
NSND Tống Toàn Thắng cũng hoan hỷ: “Đã qua được sự bỡ ngỡ ban đầu, với Thượng thiên Thánh Mẫu, chúng tôi đã có thêm kinh nghiệm để biến điều không thể thành có thể. Nghệ sĩ của hai đơn vị đã thể hiện quyết tâm dấn thân khám phá, tiên phong tạo nên sản phẩm mới. Những kỹ xảo, kỹ năng… của xiếc đã phát huy hiệu quả trong loại hình sân khấu truyền thống. Xiếc tôn vinh nhân vật, thể hiện cốt truyện, cộng hưởng cảm xúc”.
Vở diễn được đầu tư nghiêm túc, công phu, khai thác thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Nghi lễ hầu đồng với sự tham gia của NNƯT Phạm Hải Hậu đã mang đến một không gian tâm linh, góp phần lan tỏa văn hóa Việt. Cùng với đó, NSND Tự Long thể hiện khúc Văn ca Thánh Mẫu đầy cảm xúc, linh thiêng.
Huyền tích về Thượng thiên Thánh Mẫu
Nội dung vở được xây dựng trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh - Đệ nhất Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Theo truyền thuyết, bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng thượng đế. Vì có công đức lớn giúp dân giúp nước, bà được nhân dân tôn kính và được các triều đại từ Hậu Lê đến nhà Nguyễn tôn phong là Mẫu nghi thiên hạ (Mẹ của muôn dân). Bà theo Quán Âm Bồ Tát quy y Phật, thành đạo, được tôn là Mã Vàng Bồ Tát. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được suy tôn là Thánh Mẫu tối cao, được coi là hóa thân của Đệ nhất Thánh Mẫu thượng thiên, đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh mặc áo đỏ, được thờ uy nghi ở vị trí chính giữa tam tòa Thánh Mẫu. Mồng 3 tháng 3 âm lịch là ngày hóa của Mẫu trong lần giáng sinh thứ hai. Lễ được tổ chức long trọng tại các đền thờ Mẫu. Vào dịp lễ này, người có tín ngưỡng Mẫu, sắm sửa lễ vật, trang trọng dâng Thánh Mẫu để bày tỏ tấm lòng thành kính và cầu Thánh Mẫu gia hộ cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc. Những huyền tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã ăn sâu trong tâm thức của người Việt, giàu chất thơ, mang những thông điệp triết lý nhân sinh cao đẹp, luôn tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn.
Hướng đi mới cho sân khấu nước nhà Sau Cây gậy thần, vở Thượng thiên Thánh Mẫu đã minh chứng đầy sức thuyết phục rằng nghệ thuật cần mạnh dạn tiên phong thử nghiệm; cần thỏa sức sáng tạo, không có “vùng cấm” cho bất cứ loại hình nào. Điều quan trọng là sự kết hợp tinh tế, đạt tới tính nghệ thuật, chứ không phải là sự kết hợp kiểu cơ học. Một lần nữa cho thấy tài hoa, tìm thấy tiếng nói chung của hai đạo diễn đã góp phần làm nên một hướng đi mới cho sân khấu nước nhà. Vở Thượng thiên Thánh Mẫu là sự hợp duyên độc đáo giữa loại hình nghệ thuật xiếc kịch tính, mang tính đương đại, với nghệ thuật cải lương mang đậm chất sân khấu truyền thống. Sau vở này, khán giả hãy tiếp tục chờ đợi dự án liên kết xiếc - cải lương về Thánh Tản Viên và Thánh Gióng trong dự án Huyền sử Việt, nhằm tôn vinh trọn vẹn Tứ bất tử (Bốn vị thánh không bao giờ mất) của văn hóa Việt Nam. |
Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất