24/11/2020 07:15 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày Di sản văn hóa Việt Nam vào hôm qua 23/11 cũng là thời điểm Hoàng thành Thăng Long tổ chức lễ kỷ niệm tròn 10 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.
Đến giờ, bên cạnh các di sản văn hóa phi vật thể, đây vẫn là danh hiệu di sản thế giới ở dạng “vật thể” duy nhất mà Hà Nội sở hữu. Đáng nói hơn, vào năm 2010, danh hiệu ấy được công nhận đúng thời điểm tròn 1.000 năm kể từ khi Thái Tổ Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long.
Nhưng ít người biết, lộ trình để Hà Nội sở hữu “quà sinh nhật” đặc biệt này không hề đơn giản, và rất nhiều mồ hôi của ngành di sản đã phải đổ ra.
Cụ thể, như lời PGS Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam), vào đầu năm 2002, trước sức ép về tiến độ khi dự án xây dựng Nhà Quốc hội mới sắp triển khai, phía khảo cổ được yêu cầu thám sát khảo cổ tại vùng lõi (rộng 48.000m2) chỉ trong vòng 3 tháng, với các hố khảo cổ rộng... 4m2. Để đảm bảo tìm hiểu khu vực này một cách đầy đủ và trọn vẹn theo đúng tinh thần Luật Di sản, các chuyên gia đã kiến nghị và được Chính phủ đã đồng ý cho mở 20 hố thám sát với diện tích mỗi hố 100m2.
Để rồi khi các móng kiến trúc, tầng văn hóa và hiện vật dần phát lộ, nhiều nhận xét xác đáng đã dược đưa ra trong các hội thảo sau đó: Chúng ta đang “khai quật trúng” khu vực trung tâm phía Tây của Hoàng thành Thăng Long xưa. Dù vậy, cũng theo Chủ tịch Hội Sử học, vào thời điểm ấy, cũng có luồng ý kiến cho rằng các nhà khảo cổ học đã hoàn thành nhiệm vụ và cần trả lại mặt bằng để thi công công trình.
Với tâm huyết của mình, nhiều chuyên gia đầu ngành khi ấy đã lên tiếng và khẳng định: Việc bảo tồn di sản đặc biệt này không chỉ có ý nghĩa với đời sống văn hóa của Việt Nam mà còn mang tính quốc tế rất cao. Và, vào tháng 8/2003, Viện Khoa học xã hội Việt Nam kiến nghị Đảng, Chính phủ cho phép lưu giữ toàn bộ di tích, di vật khu 18 Hoàng Diệu - trong đó gợi ý giới thiệu giá trị khu di tích ra thế giới.
Nhiều chặng đường nối nhau đã diễn ra với Hoàng thành Thăng Long sau đó, với các hạng mục khai quật, bảo tồn, xây dựng hồ sơ. Đáng nói, ở thời điểm trình hồ sơ lên UNESCO năm 2008, việc xây dựng nhà Quốc hội cạnh di sản này là điều không thể thay đổi. Như chia sẻ, giới nghiên cứu cực kỳ lo lắng về khả năng thành công của trường hợp này, bởi về nguyên tắc, việc xây dựng một công trình hiện đại bên cạnh một di sản luôn rất khó được chấp nhận bởi nguy cơ tác động lên tính nguyên trạng của nó.
Như lời GS Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội), không thể kể hết số lần những người làm hồ sơ phải bàn lên, bàn xuống và thảo luận phương án thuyết phục UNESCO về giá trị tự thân của Hoàng thành, cũng như những cam kết rất mạnh rằng công trình mới sẽ có sự hài hòa tuyệt đối lên không gian của một Di sản Thế giới tương lai. Cao nhất, Chính phủ cũng đã có công văn số 5129 vào tháng 7/2010 để cam kết thực hiện những khuyến nghị mà UNESCO đưa ra.
Bởi thế, theo nhận xét của ông, việc nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới cho Hoàng thành Thăng Long vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là nỗ lực vô cùng lớn của Việt Nam để qua được những trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua nổi.
Sự hạn chế về điều kiện kinh tế hay nhận thức chung của mặt bằng xã hội từng là lý do để chúng ta có những tổn hại đáng tiếc về vốn di sản trong quá khứ. Nhưng với Hoàng thành Thăng Long, đó lại là một câu chuyện ngược lại - khi cách mà nó được phát lộ, bảo vệ và tôn vinh chính là minh chứng cho nhiệt huyết và trí tuệ của giới chuyên gia và cộng đồng những người dân thủ đô.
Để rồi bây giờ, khi di sản này đã trở thành một biểu trưng của văn hóa lịch sử Hà Nội và rộng hơn là của cả nước, chúng ta dù hào hứng nhưng cũng cần nhớ một thực tế: 10 năm qua cũng chỉ là một bước đi trong nỗ lực phát huy và đưa những giá trị của Hoàng thành Thăng Long tới tất cả cộng đồng.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất