09/08/2008 14:20 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH) - Dù nuôi tham vọng chinh phục mọi danh hiệu trong năm 2008, HLV Ferguson chỉ xem trận tranh Siêu cúp Anh (tên gọi chính thức là Community Shield) là cơ hội cuối cùng để kiểm nghiệm lực lượng, vốn đối mặt với bao thách thức vì cơn khủng hoảng lực lượng trên hàng công. Với Portsmouth, họ có sứ mệnh khởi đầu cho cuộc thách thức của các đội bóng tầm trung hướng về bộ tứ đại gia.
Khi Dream Team vắng sao
Ferguson tự hào xem đội bóng đã giành cú đúp mùa giải vừa qua là Dream Team. Nhưng ở Wembley vào đêm mai, Dream Team ấy vắng bóng quá nhiều ngôi sao. Vấn nạn chấn thương đầu gối đã gạt Owen Hargreaves, Ben Foster, Louis Saha và Park Ji-sung ra khỏi sân cỏ. Anderson dự Olympic. Trong trường hợp Nani và Carrick không kịp bình phục (chấn thương và virus), hàng tiền vệ còn lại vỏn vẹn mỗi mình Scholes.
HLV Ferguson vừa tiết lộ M.U có thể không bổ sung bất cứ gương mặt nào ở mùa Hè này. Từ đó là một thông điệp gửi đến Tottenham: không cần Berbatov. Nhiều chuyên gia nhận định đó là chiêu bài của M.U nhằm ép Tottenham phải hạ mức giá mà họ đòi hỏi, từ 30 triệu bảng xuống 25 triệu bảng. Nhưng nếu quả thực không cần Berbatov, HLV Ferguson đã lao vào một canh bạc. Ngoài một số trận thuộc vòng bảng Champions League, M.U sẽ mất Ronaldo ít nhất 8 trận Premier League, trong đó có 2 trận làm khách lớn: trước Liverpool ở Anfield và Chelsea ở Stamford Bridge. Chừng đó là đủ tạo ra sự khác biệt trong cuộc đua giành chức VĐ. Cần biết rằng, Ferguson đặt mục tiêu lần thứ 3 liên tiếp đăng quang tại Premier League, đồng thời cân bằng kỷ lục 18 lần giành chức VĐQG của Liverpool.
Thách thức Tứ đại gia
Ngày 17/5/2008 đã chứng kiến một cột mốc lịch sử. Lần đầu tiên kể từ năm 1991, trận CK Cúp FA vắng bóng bộ Tứ đại gia (M.U, Liverpool, Arsenal, Chelsea). Portsmouth đăng quang và đó là lần đầu tiên trong vòng 12 năm, kể từ Newcastle của năm 1996, chiếc Cúp lâu đời nhất thế giới không thuộc về Tứ đại gia.
Nhiều CĐV trung lập tin rằng chiến thắng của Portsmouth là cột mốc đánh dấu sự trỗi dậy của các đội bóng hạng trung, phá vỡ sự thống trị "nhàm chán" của Tứ đại gia. Trong danh sách của đội bóng hạng trung, Tottenham được đánh giá cao nhất sau khi chi ra 50 triệu bảng ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè này. Dù vừa bán Andy Johnson, lực lượng của Everton vẫn mạnh và đồng đều. Mùa 2004-2005, Everton ấy từng gạt phăng Liverpool để chen chân vào tốp 4. Portsmouth vẫn nuôi hy vọng nhỏ nhoi sau khi thực hiện vụ chuyển nhượng kỷ lục trong lịch sử đội bóng: mua Peter Crouch từ Liverpool với giá 11 triệu bảng.
Những năm qua, Tứ đại gia đã khẳng định sự thống trị bằng sức mạnh tiền bạc. Cứ mùa Hè đến, họ lại ném cả núi tiền ra thị trường chuyển nhượng. Năm nay, bất ngờ đã xuất hiện. Chelsea chỉ mới chi ra 23 triệu bảng để mua Deco và Bosingwa. Arsenal mất nhiều nhưng chỉ bổ sung Ramsey và Nasri. Liverpool chỉ đầu tư vụ Robbie Keane trong khi M.U dường như hài lòng với đội hình hiện tại. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để những Tottenham, Everton, Portsmouth hay Aston Villa hiện thực hóa tham vọng của họ.
Trận đấu gây quỹ từ thiện Tên gọi trước đây của Community Shield là Charity Shield. Và đúng như tên gọi, trận đấu này không chỉ tìm ra nhà VĐ nước Anh (giữa đội VĐQG và đội đoạt Cúp FA) mà còn được tổ chức nhằm gây quỹ từ thiện. Trận Chelsea - M.U năm ngoái, quỹ thu về đến 1 triệu bảng. Đến năm 2002, giải mới đổi tên thành Community Shield. M.U cũng chính là một trong 2 đội đầu tiên dự trận tranh Siêu Cúp, cùng QPR. Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1 và 2 đội đồng sở hữu danh hiệu. Mãi từ sau năm 1993, trong trường hợp hòa ở 2 hiệp chính, trận đấu cần đến lượt đá luân lưu (không đá hiệp phụ). Năm ngoái, sau 2 hiệp chính hòa 1-1, M.U đã thắng Chelsea 3-0 trên chấm 11m. Theo truyền thống, trận đấu được tổ chức ở sân Wembley. Tuy nhiên, trong thời gian sân Wembley được xây dựng lại, sân Thiên Niên Kỷ ở xứ Wales đã được chọn. Năm 2007, lần đầu tiên Community Shield được tổ chức trên sân Wembley mới. M.U thống trị hàng loạt kỷ lục * M.U là đội bóng nhiều lần đoạt Cúp nhất, với 16 lần tất cả (4 lần đồng sở hữu). Liverpool đứng thứ 2 với 15 lần (5 lần đồng sở hữu). * Dù vậy, M.U cũng là đội thua nhiều trận tranh Siêu Cúp nhất, 4 lần liên tiếp, từ 1998 đến 2001. Ngược lại, Everton là nhà VĐ từ năm 1984 đến 1987. * Ryan Giggs và Ray Clemence (của Liverpool và Tottenham trước đây) là những cầu thủ giành nhiều siêu Cúp nhất, với 6 chiếc tất cả. Tuy vậy, Giggs đang có cơ hội độc chiếm kỷ lục nếu được tung ra sân ở trận đấu đêm mai. Anh cũng là chủ nhân của kỷ lục khác: dự nhiều trận nhất (11). * Năm 1911, M.U đã đánh bại Swindon Town 8-4 và đó là trận Siêu Cúp có nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử. * Đã từng có một thủ môn ghi bàn ở trận Siêu Cúp, Pat Jennings của Tottenham, vào lưới M.U năm 1967. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất