26/08/2020 06:49 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - “Siêu cò” Nguyễn Minh Châu, biệt danh được nhiều cầu thủ đặt cho người đàn ông có mái tóc và bộ râu rất nghệ sĩ, đã có thâm niên hơn chục năm trong nghề môi giới, tiết lộ những góc khuất của nghề không đơn giản chỉ hào nhoáng như người ngoài nhìn vào.
Trò chuyện với phóng viên báo Thể thao & Văn hóa nhân vụ việc ồn ào dư luận của cầu thủ Pedro Paulo (Sài Gòn FC) và người đàn ông có tên D.B.T, “siêu cò” Nguyễn Minh Châu nói: “Thông qua các trang mạng xã hội cũng như nhiều thông tin không chính thống cũng như chính thống, thì đây là vụ tranh chấp của 3 bên là CLB Sài Gòn, bản thân cầu thủ Paulo và nhân vật nào đó xưng là người đại diện của cầu thủ Paulo.
Với những người làm nghề lâu năm như chúng tôi thì đây là câu chuyện không mới, mà mới có chăng là câu chuyện bùng phát thời điểm này được mọi người biết đến.
Thực sự ra trong quá khứ, bản thân tôi và các đồng nghiệp, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp như thế này và chúng tôi đã có những bước xử lý chuyên nghiệp, rất bài bản và thỏa đáng, căn cứ vào những thỏa thuận, hợp đồng của ba bên để xử lý, không để sự việc đi đến kết quả đáng tiếc như trường hợp của CLB Sài Gòn hiện nay với Paulo và người tự xưng là đại diện của cầu thủ.
Nhân đây tôi cũng muốn đề cập lại câu chuyện diễn ra cách đây 2 năm và cũng ở CLB Sài Gòn này là trường hợp của cầu thủ người Cameroon Christian Nsi Amougou. Trước khi xảy ra câu chuyện này thì Nsi là cầu thủ của tôi quản lý, có hợp đồng đại diện.
Tôi cũng đã đưa Nsi ký hợp đồng với CLB khác để thi đấu mùa giải 2018, nhưng khi Sài Gòn có Chủ tịch mới mà vị Chủ tịch này cùng Nsi cũng từng cộng tác với nhau, thì cầu thủ Nsi quyết định bẻ kèo, chối bỏ tất cả những gì đã thỏa thuận đã cam kết với tôi cũng như CLB mà tôi muốn đưa Nsi về thi đấu để chuyển tới luyện tập và ký hợp đồng, nhận thù lao của CLB Sài Gòn.
Sau đó tôi gặp Nsi, tôi có nói với anh ta là nếu hai bên không còn hợp tác được với nhau, phải dừng lại và thực hiện đúng những gì hai bên cùng ký kết, tức là hợp đồng của tôi và Nsi, cũng như hợp đồng của Nsi cùng CLB mà tôi đàm phán muốn đưa Nsi tới đó thi đấu.
Nsi không chấp nhận điều này, dẫn đến sự việc đã đưa đến Phòng pháp lý và tư cách cầu thủ của VFF để giải quyết. Sau đó, Phòng pháp lý và tư cách cầu thủ của VFF đã ra phán quyết cấm Nsi thi đấu 2 năm.
Đến nay anh ta đã lãnh hậu quả vô cùng to lớn là giải nghệ, không thể thi đấu cho CLB nào vì rắc rối về mặt pháp lý với CLB chủ quản ở Việt Nam và hợp đồng đại diện với tôi cũng chưa giải quyết được. Nsi bây giờ đã phải giải nghệ luôn”.
Một điều ông Minh Châu tiết lộ khá ấn tượng chính là việc ông đã mường tượng ra những bất ổn của công việc mình sẽ đương đầu. Đối diện với những khoản tiền khổng lồ mà môn giải trí hàng đầu thế giới mang lại, đương nhiên đi kèm hàng loạt điều rủi ro.
“Khi đã bước vào cái nghề môi giới cầu thủ này thì tôi cũng đã cảm nhận, dự tính những rủi ro mà mình sẽ gặp trong suốt quá trình hành nghề nên tôi đã tìm hiểu, phải tự trang bị cho mình một hành lang pháp lý để khi xảy ra tranh chấp với đối tác, cầu thủ, cũng như các CLB thì tôi phải căn cứ vào hồ sơ, hợp đồng mà mình đã ký với các đối tác để làm cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp một cách thấu đáo.
Thật sự thì trước khi làm việc với các cầu thủ thì tôi có nói sự hợp tác giữa tôi và các bạn trên tinh thần là tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của nhau. Tôi không bao giờ muốn mang hồ sơ pháp lý này để ra Hà Nội để khiếu kiện các bạn, bởi vì khi hai bên hợp tác với nhau, từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng khi kết thúc hợp đồng, tôi muốn một sự trân trọng, chia sẻ lẫn nhau, trong mọi hoàn cảnh, khi khó khăn cũng như vinh quang, lúc cầu thủ là Vua phá lưới hay chấn thương thì chúng ta hãy sát cánh bên nhau.
May mắn cho tôi là suốt từ ngày làm việc từ trước đến nay, tôi chưa có sự việc nào tranh chấp lớn, tất cả mọi việc đều xử lý theo dạng tình cảm.
Những giấy chứng nhận mà tôi với cầu thủ ký kết là bằng chứng để xác nhận người đại diện có toàn quyền tiếp xúc, thương thảo, đàm phán, ký kết những vấn đề liên quan đến chuyện tài chính của các cầu thủ.
Cũng có trường hợp tôi gặp những bên thứ 3 mà cầu thủ Pedro Paulo đã tố cáo vừa qua, lúc đó họ cũng nhận mình là người đại diện của cầu thủ đó, trường hợp này thì phải lấy giấy trắng mực đen, nắm “đồ chơi” của mình tung ra để chứng tỏ lợi thế”.
Trả lời câu hỏi về việc bóng đá Việt Nam có bao nhiêu “cò” cầu thủ và đây có phải là nghề siêu lợi nhuận, ông Minh Châu nói: “Theo nhìn nhận chủ quan của tôi thì tính tới thời điểm này của V-League 2020, chính thức hoặc không chính thức, được chứng nhận hoặc không chứng nhận thì có 30 người đang làm nghề môi giới. Ngoài ra còn một số đối tác nước ngoài tìm tới Việt Nam hợp tác với người Việt Nam làm nghề môi giới.
Sau khi VFF có quyết định cắt giảm ngoại binh, cụ thể ở hạng Nhất không còn ngoại binh, V-League thì từ 5 xuống 4 và hiện nay chỉ còn 3, nó đã tạo khó khăn lớn cho những nhà môi giới như chúng tôi.
Vì lượng cung rất nhiều, 30 nhà môi giới có thể mang 1.000 cầu thủ tới Việt Nam, nhưng nhu cầu CLB rất thấp. CLB Việt Nam thì thường thử việc cầu thủ rất lâu dài, thứ nhất do số lượng ngoại binh hạn chế nên các HLV phải cẩn trọng.
Vì khi CLB anh được đăng ký 5 ngoại binh, khi không may có 1-2 cầu thủ chuyên môn không đạt thì vẫn còn 3 người cứu đội. Tới hôm nay tôi khẳng định một điều là ngoại binh ở V-League chiếm 50% sức mạnh của đội, vì vậy các đội bóng hiện nay ở V-League muốn vô địch hay rớt hạng thì ngoại binh rất quan trọng, khi ngoại binh có vấn đề thì chắc chắn đội bóng sẽ suy yếu hoặc rớt hạng.
Thoạt nhìn qua thì ai cũng nghĩ rằng nghề môi giới cầu thủ này là nghề siêu lợi nhuận, nhưng thực tế bước vào nghề này thì mới thấy sự rủi ro và hậu quả của nghề vô cùng lớn.
Có những đồng nghiệp của tôi đã gánh chịu hậu quả nặng nề khi cầu thủ đang thi đấu thì đột tử. Người đại diện thì phải lo tất cả những chi phí cho gia đình cầu thủ sang Việt Nam như vé máy bay, thị thực, ăn nghỉ, đi lại, bảo quản di hài ở Việt Nam, hoặc vấn đề về pháp y…
Hơn nữa, khi chúng tôi đưa đến 100 hoặc vài chục cầu thủ tới Việt Nam thì tỷ lệ 20 người chỉ có 2 cầu thủ được ký hợp đồng thôi, nhưng số tiền để chăm lo cho 20 cầu thủ kia thì vượt quá số tiền lợi nhuận mà chúng tôi ký từ 2 cầu thủ này.
Sau này thì FIFA đã cho chúng tôi được hưởng 3% trên tổng thu nhập của cầu thủ ký hợp đồng với CLB trong một mùa bóng. Nếu may mắn thì chúng tôi hòa, tức là những chi phí thu lại đủ bù đắp cho chi phí tạm ứng trước để lo cho vài chục cầu thủ trước đó.
Còn nếu không may mà cầu thủ chấn thương, cầu thủ bị thanh lý giữa mùa hoặc CLB yêu cầu chúng tôi đền bù một cầu thủ có chuyên môn cao thì chắc chắn là chúng tôi sẽ chịu lỗ"...
(còn nữa)
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất