'SEA Games nói lên điều gì về bản chất con người'

16/06/2015 11:46 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) – Jeremy Au Jong, nhà báo chính trị - xã hội nổi tiếng của nước Singapore mới đây đã có bài viết nhìn lại SEA Games lần thứ 28 theo một góc nhìn rất khác...

Dưới đây là bài viết của nhà báo Jeremy Au Jong đăng trên tờ The Straits Times, số ra ngày 15/6 vừa qua. Thể thao & Văn hóa xin dịch toàn văn bài viết này.

Ngày hôm nay, tôi muốn giới thiệu với các bạn một vài sáng chế mới nhất trong thế giới hấp dẫn của các chương trình truyền hình thực tế. Hi vọng rằng chúng sẽ giúp chúng ta nhận ra một vài điều mới mẻ về bản chất con người và SEA Games.

Thời gian qua tôi đã bị cuốn hút bởi truyền hình thực tế, chủ yếu nhờ một chương trình phát sóng tại Mỹ có tên “The Briefcase” (“Chiếc cặp” – ND). Nghe tên thì có vẻ nhàm chán, nhưng nó đã bị chỉ trích khắp nơi vì lợi dụng hoàn cảnh của những người khốn khó một cách trắng trợn.

Không cần phải nói thì hẳn bạn cũng đoán được, chương trình này đã trở thành một chủ đề tâm điểm.

Nhưng trước khi tôi đi vào đánh giá những điểm tốt và xấu về chương trình này, tôi cho rằng sẽ tốt hơn là lùi lại một bước và quay lại với điều đã đưa chúng ta tới bài viết này.


Nhà báo Jeremy Au Jong (phải)

Trái ngược với những niềm tin thường thấy, truyền hình thực tế không phải sản phẩm sáng tạo của thời hiện đại. Ngay từ những ngày sơ khai, mọi sự giải trí đều đã mang một dáng vẻ nào đó của truyền hình thực tế rồi. Ví dụ, “Survivor” (“Người tồn tại” – ND) trở thành cái tên nóng trên sóng trước kia và hầu hết ai theo dõi cũng tham gia vào đó. Dĩ nhiên là ngày ấy các chương trình còn khác xa bây giờ. Ngày ấy không có những màn bỏ phiếu bình chọn, các thí sinh tham dự cũng không cố gắng đâm sau lưng nhau.

Bởi trong chương trình ấy, chỉ có một cách đâm sau lưng nhau, đó là làm đúng nghĩa đen. Nội dung cơ bản của “Survivor” là bạn sẽ phải ra khỏi hang mỗi ngày và tránh bị khủng long ăn thịt. Điều đáng chú ý là khi những người tối cổ trở nên quen thuộc với công cụ, họ bắt đầu đánh nhau, dùng đá đập vào đầu nhau rồi ngã nhào. Đó là thứ tâm lý cạnh tranh tất yếu, mang tính bản năng của mọi con thú, trong đó có loài người, một giống nòi vẫn tự nhận là cao cấp hơn.

Và nhìn rộng ra, không chỉ với “Survivor”, đã có rất nhiều loại hình chương trình giải trí là truyền hình thực tế, mang tính chất người này đánh người khác, cầm đá đập vào đầu nhau. Ví dụ những đấu sĩ La Mã đánh nhau, hoặc một đấu sĩ La Mã chiến đấu với con sư tử; những khán giả theo dõi và hò reo trên tứ phía khán đài.

Ở thời hiện đại, truyền hình thực tế cho chúng ta theo dõi những thứ đẹp đẽ hơn, ví dụ như người chơi đoán giá của một sản phẩm để giành được nó. Dĩ nhiên ngày nay những trò chơi đơn giản như thế đã không còn chiếm được suất trong khung giờ vàng nữa.

Những giá trị gây sốc dần tạo ra được sự thu hút lớn hơn, hơn rất nhiều. Ví dụ như “Big Brother” (“Người giấu mặt”) tạo ra điều đó bằng cách tống một đám người vào trong một căn nhà, theo dõi họ bằng camera 24/7. Bạn đã bao giờ xem chương trình ấy và thấy mất niềm tin vào con người chưa?

Và rồi mọi thứ bắt đầu dẫn dắt tới những chương trình như “Naked and Afraid” hay “The Real Housewives of Atlanta”, và dĩ nhiên, “The Briefcase”. Ý tưởng cơ bản của “The Briefcase” là tìm đến hai gia đình đang trong hoàn cảnh khốn khó, đưa cho họ chiếc cặp đầy ắp tiền và lợi dụng sự khát khao của họ cho mục đích giải trí.


"The Briefcase", chương trình nhận nhiều chỉ trích tại Singapore

Ban tổ chức sẽ đưa cho mỗi gia đình một chiếc cặp đầy tiền như thế, nói với họ rằng họ có thể chia sẻ cho gia đình túng thiếu còn lại hoặc có thể cho toàn bộ số tiền đi chỗ khác. Điều quan trọng là cả hai gia đình này đều không hề biết rằng bên còn lại cũng được cho một cặp tiền.

Hai bên sau đó được cung cấp thông tin về nhau và có nhiệm vụ dẫn nhau đi tham quan một vòng nhà của mỗi bên. Khán giả được chứng kiến nỗ lực để tỏ ra là gia đình của mình đang trong hoàn cảnh thiếu thốn (dù đã có một cặp tiền), nhưng cũng cùng lúc đó thể hiện rằng mình không phải người tham lam.

Khi tôi theo dõi chương trình này lần đầu tiên, tôi đã lập tức cảm thấy nó thật thu hút. Không phải vì nó gây bức xúc hay vì nó lợi dụng người khác, mà bởi nó là một hình thức sỉ nhục.

“The Briefcase” quả thực tồi tệ, nhưng nó không tồi tệ một mình. Bạn đã bao giờ nghe tới những chương trình như “Sex Box” (“Căn phòng tình dục”), khi một đôi nam nữ được mời vào một phòng kín để quan hệ tình dục trước khi nói chuyện với chuyên gia tâm lý mà không hề biết rằng có đông đảo khán giả đang theo dõi họ từ bên ngoài căn phòng trong studio ấy? Hay “Born In The Wild” (“Sinh ra trong hoang dã”), nơi những phụ nữ có đủ điều kiện để được chăm sóc bởi y tế hiện đại quyết định sẽ vào rừng sâu để đẻ em bé mà không có bất kỳ bác sĩ nào xung quanh?

Tôi thề tôi không bịa đặt ra những chương trình ấy. Chúng có thật và đã được phát sóng.

Vậy tất cả những điều này thì liên quan gì tới SEA Games?

Tôi dần hiểu ra rằng, có những chương trình truyền hình thực tế chỉ muốn nói rằng chúng ta là những kẻ tồi tệ, đang chứng kiến một cách đầy tập trung việc người khác bị làm nhục hoặc đau đớn. Ý tôi là, bạn không thể chối bỏ việc đang có một ngành công nghiệp truyền hình thực tế giá trị hàng tỷ đô nảy nở dựa trên mong muốn chứng kiến người khác chịu thiệt thòi.

Tôi không phủ nhận rằng trong số chúng ta có những người luôn mong muốn điều tốt đẹp cho người khác, nhưng tôi cũng cho rằng phần lớn trong số chúng ta muốn chứng kiến người ta thất bại. SEA Games chính là một hình thức chương trình như thế.

Có thể chúng ta đã nghe tới hai vận động viên bộ môn nhảy cầu của Philippines, những người đã thực hiện bài thi tệ hại đến mức... buồn cười. Video cảnh họ tiếp nước bằng lưng đã lan truyền nhanh đáng sợ.


“Vì sao không chia sẻ những video mà chúng tôi nhảy tốt, lại chỉ đi chia sẻ những video chúng tôi nhảy không tốt”, một vận động viên Singapore bức xúc trên mạng xã hội Facebook, kèm theo đoạn băng cho thấy cũng chính hai VĐV Philippines kia thực hiện động tác tiếp nước hoàn hảo.

Đoạn băng gốc về những vận động viên đó nhảy hỏng đạt khoảng 1,6 triệu lượt xem. Đoạn băng về lượt nhảy thành công? Không biết có được một nửa không nữa.

Vu Chân
Biên dịch

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm