25/05/2022 05:45 GMT+7 | SEA Games 32
Nhà báo thể thao lão làng Nguyễn Lưu đã tham dự đủ 16 kỳ SEA Games mà Thể thao Việt Nam tham dự từ ngày hội nhập. Dưới đây là những chia sẻ thú vị của ông với TT&VH.
Ngôi vị số 1 quá thuyết phục!
* Thể thao & Văn hóa: Thưa nhà báo Nguyễn Lưu, SEA Games 31 đã khép lại, đánh dấu một kỳ Đại hội thành công rực rỡ. Những đánh giá tổng quát của ông về kỳ SEA Games với nhiều dấu ấn đặc biệt này?
- Nhà báo Nguyễn Lưu: SEA Games 31là một nét son trên con đường gian nan của thể thao Việt Nam (TTVN) sau gần một thế kỷ hình thành. Lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, một quốc gia giành được thành công áp đảo về chuyên môn, ngọt ngào sâu lắng về tình nghĩa anh em với các nước bạn và lại mở ra những hứa hẹn cùng thách thức cho sự phát triển của thể thao khu vực và của Việt Nam nói riêng.
TTVN đã khép lại SEA Games 31 với “mùa vàng” bội thu. Chúng ta nhất toàn đoàn với tổng số 446 huy chương, trong đó có 205 HCV, vượt xa Thái Lan xếp thứ hai với 92 HCV.
Điều quan trọng hơn, “mùa vàng” bội thu lần này có rất nhiều HCV thuộc hệ thống thi đấu Olympic. Trong đó, chúng ta đã vượt trội các nước khác về số lượng HCV ở 2 bộ môn tiêu biểu: Điền kinh và bơi lội. Các VĐV Việt Nam đã giành 22 HCV điền kinh, 11 HCV bơi lội, đặc biệt 2 tấm HCV bóng đá. Có thể khẳng định rằng những kết quả này đã quá trọn vẹn, làm hài lòng tất cả.
Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã hiện diện ở các địa điểm thi đấu để động viên và trao huy chương cho các VĐV. Các cuộc tranh tài đã đón nhận được số lượng đông đảo người hâm mộ đến xem, cỗ vũ, đồng hành. Điều đó phần nào cho thấy thể thao nói chung và bóng đá nói riêng nhận được sự quan tâm to lớn. Và tại kỳ SEA Games lần này TTVN đã đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ.
* Công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam đã được bạn bè đánh giá cao, khán giả đầy ắp tại địa điểm thi đấu thật sự ấn tượng, góc nhìn của ông về điểm nhấn này?
- Tôi có may mắn tác nghiệp đủ 16 kỳ SEA Games mà Việt Nam tham gia từ ngày chúng ta tái hội nhập với thể thao khu vực. Riêng lần này thật tự hào về khán giả Việt Nam và giới thể thao của chúng ta. Tôi đã từng chứng kiến sự náo nhiệt trong nhà thi đấu Huamark (Thái Lan), chảo lửa Bukit Jalil (Malaysia) hay SVĐ Gelora Bung Karno (Indonesia)…, là nơi khán giả cổ vũ bóng đá và những nội dung “ruột” của các quốc gia ấy. Nhưng năm nay tôi thấy nhiều sân bãi và nhà thi đấu của Việt Nam có không khí và cung cách cổ vũ còn hoành tráng hơn nữa. Các sân Thiên Trường, Mỹ Đình, Cẩm Phả, kể cả nhà thi đấu Đại Yên, Hải Dương hay sân Việt Trì, cung thể thao dưới nước Hà Nội …., đều để lại những dấu ấn thật đẹp trong lòng mọi người. Thể thao mà không có khán giả thì thật vô nghĩa. Đó là cái được lớn nhất của thể thao.
Cần nói thêm, SEA Games 31 được tổ chức công bằng, sòng phẳng và không hề có tì vết hay kiện cáo. Ban tổ chức đã được sự hỗ trợ của một đội ngũ trọng tài có đẳng cấp ở châu Á, nhiều đổi mới về cung cách điều phối, hệ thống biển báo, công nghệ VAR đã vào cuộc có hiệu quả. Tôi nêu một ví dụ đáng suy nghĩ: VĐV Lò Thị Thanh bị tước huy chương ở nội dung 10.000m nữ môn điền kinh chỉ vì sơ suất về giày thi đấu. Đó là sự công bằng trong thể thao, là nét đẹp của tinh thần thể thao tại SEA Games này. Nói như Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 31, các VĐV thi đấu hết mình trong sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả và giành huy chương nếu có thể, vì đây là sân chơi rất sòng phẳng. Việc chủ nhà lập kỷ lục 205 HCV là bất ngờ nhưng không mờ ám.
Cần đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Olympic
* Việt Nam đã giành được vị trí thứ nhất toàn đoàn, chúng ta thành công ở những môn Olympic như điền kinh, bơi lội... cùng 2 HCV bóng đá để khẳng định chất lượng chuyên môn. Những chia sẻ của ông về điều này?
- TTVN đã đang đi theo quỹ đạo cần có: Phấn đấu để biến các kỳ SEA Games trở thành những “tiểu Olympic”, dần dần dồn sự chú ý vào những nội dung Olympic. Trong đó, bảng thành tích của chúng ta qua 3 kỳ SEA Games trở lại đây đã cho thấy điều này.
Tại SEA Game 2017, chúng ta có 12 HCV điền kinh, tại SEA Games 2019 - một kỳ SEA Games đáng nhớ khi lần thứ 2, TTVN vượt qua Thái Lan với 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ trong khi Thái Lan là 92 HCV. Trong 98 HCV của TTVN tại SEA Games 2019 ấy có 16 của điền kinh, 12 của vật, 10 của bơi, 2 của xe đạp, 6 của TDDC, 4 của cử tạ, 3 của bắn cung và 2 HCV bóng đá nam, nữ. Còn năm nay, TTVN thắng lớn với 22 HCV điền kinh, 11 HCV môn bơi dù vắng kình ngư Ánh Viên. Cùng với đó thiết lập nhiều kỷ lục mới của SEA Games. 2/4 VĐV Việt Nam được Ban tổ chức trao danh hiệu xuất sắc nhất là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và “cô gái hạt tiêu” điền kinh Nguyễn Thị Oanh. 2 tấm HCV ở môn bóng đá là nét son trong mắt khán giả Việt Nam của kỳ SEA Games này.
Việc 2 môn cơ bản (điền kinh, bơi lội) vượt trội và giành chiến thắng trong cả 2 trận chung kết bóng đá là những điều ngọt ngào với những người làm TTVN cũng như hàng triệu người hâm mộ.
* Từ thành công đó, thể thao Việt Nam phải đầu tư trọng điểm thế nào cho những môn Olympic tiệm cận và vươn ra đấu trường cao hơn như ASIAD, Olympic, thưa ông?
- Dù SEA Games 31 mang đến “mùa vàng” bội thu song chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là thể thao Đông Nam Á còn khoảng cách lớn so với ASIAD hay Olympic. Việt Nam cần cố gắng cùng với các nước trong khu vực tổ chức tốt hơn nữa, hoàn thiện các kỳ SEA Games để Đại hội thể thao Đông Nam Á ngày càng trở thành "tiểu Olympic".
Thời gian tới, theo tôi Việt Nam cần quyết tâm đầu tư có trọng điểm vào các bộ môn cơ bản, "Olympic hóa" triệt để hơn nữa. Lần này Ban tổ chức SEA Games công bố 4 VĐV xuất sắc nhất, trong đó có 2 VĐV Việt Nam là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Đây là điều đáng mừng. Muốn tiến lên với châu Á, với thế giới thì chúng ta phải tập trung vào 2 bộ môn cơ bản là điền kinh và bơi.
Và chúng ta cũng phải nhớ rằng thành tích của Thái Lan, Philippines, Malaysia …, tại Olympic là cao hơn thành tích của TTVN.
Tựu trung lại, SEA Games 31 thành công tuyệt vời, ngoài mong đợi. Cũng từ việc tổ chức thành công SEA Games, nhiều dự án về kinh tế và du lịch đã và đang được xem xét để hiện thực hóa. Tuy thế, nhìn tổng thể dù TTVN đã vươn lên và cùng Thái Lan xếp hàng đầu ở khu vực song công bằng mà nói, trình độ các VĐV khu vực vẫn còn khoảng cách đáng kể với châu lục và thế giới. Vì thế, vấn đề được đặt ra là cần có cái nhìn thực tế hơn với thể thao đỉnh cao ở những môn Olympic, tiếp tục tinh giản những nội dung, hoàn thiện và rốt ráo hơn nữa công tác xã hội hóa thể thao đỉnh cao.
Đầu tư chiều sâu vẫn là mong muốn và luôn luôn có đòi hỏi được bổ sung, vì kinh phí dành cho các VĐV đỉnh cao của chúng ta còn quá ít so với các quốc gia khác. Đã có những đổi mới trong suy nghĩ về thể thao ở cấp vĩ mô, đã có những chính sách mới mẻ dành cho hoạt động văn hóa, thể chất trong tình hình mới. Vấn đề là làm sao để nhanh chóng đưa các chủ trương và chính sách ấy vào cuộc sống.
* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi !
Trần Tuấn (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất