25/06/2013 08:03 GMT+7 | Truyền hình thực tế
(Thethaovanhoa.vn) - Tới tối 23/6, Giọng hát Việt (The Voice) mới chính thức khép lại vòng Giấu mặt. Có thể nói đây là vòng thi hấp dẫn nhất của The Voice vì tính tương tác và giải trí rất cao. Năm nay các huấn luyện viên (HLV) đã hoàn thành xuất sắc vai trò... giải trí của họ trong vòng Giấu mặt. Nhưng đừng vội nghe những gì họ nói mà hãy chờ xem những gì họ làm.
Vòng Giấu mặt luôn là vòng thú vị nhất, vì ở đây khán giả truyền hình có lợi hơn các HLV. Khán giả được nhìn mặt, nghe giọng hát thí sinh, còn các HLV thì quay lưng và nghe thí sinh hát. Còn gì thú vị hơn khi chứng kiến HLV Đàm Vĩnh Hưng, một người luôn đề cao ngoại hình của ca sĩ chọn được một thí sinh hát rất hay nhưng có thân hình đồ sộ; hay HLV Mỹ Linh chọn một thí sinh giọng nữ nhưng lúc biết mặt lại ớ người vì thí sinh là nam...
Và cũng ở vòng này, HLV phải phát huy tối đa vai trò ngôi sao giải trí. Ngoài nhiệm vụ tìm kiếm nhân tài cho đội, họ có nhiệm vụ "mua vui" cho khán giả. Họ càng tranh cãi, biết nói ra những câu hài hước hợp cảnh thì càng ghi điểm với khán giả.
Bộ tứ HLV Giọng hát Việt, từ trái qua Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Nhung, Quốc Trung |
Năm nay các HLV chẳng thèm kiêng nể, họ "phang" nhau ra trò, sẵn sàng lôi chuyện vợ con, chuyện ngoại hình, thậm chí cả giới tính ra để nói “móc” nhau. Nhưng được cái sau đấy họ vẫn vui vẻ, thỉnh thoảng o bế nhau nên khán giả cũng thấy đỡ có cảm giác "nội tình rối ren".
Nhưng có lẽ vì tranh đấu hăng quá mà các HLV đôi khi hơi quá lời, đặc biệt là ở khoản "hứa". Mr. Đàm “tự tin nhất quả đất" thường xuyên khẳng định vị trí "ông hoàng" có khả năng biến một thí sinh thành một ngôi sao, rồi khoe mối quan hệ, "quyền lực" để chiêu dụ thí sinh. Còn Mỹ Linh, Quốc Trung đều có Cty giải trí riêng và đang ráo riết "săn đầu người" cho các chương trình nên cũng không ngại đưa ra lời hứa.
Nhiều người cho rằng đang có những "lợi ích nhóm" ở bộ tứ HLV The Voice. Tất nhiên nhìn theo hướng tích cực thì thí sinh được dìu dắt bởi những người có kinh nghiệm và khi kết thúc cuộc thi lại có nơi có chốn thì quả là quá tuyệt. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, nếu với thí sinh nào HLV cũng nói "về với anh/chị em sẽ tỏa sáng, em sẽ có cơ hội đứng trên các sân khấu chuyên nghiệp, anh/chị sẽ theo em đến tận cuối con đường"... thì rất có thể là hứa lấy được mà thôi. Vì đến vòng Đối đầu, mỗi đội sẽ phải tự loại nhau. Lúc đó sẽ có khối người vì nhận lời hứa hẹn của HLV phải ngậm ngùi chia tay cuộc thi. Lúc đó ai dám đảm bảo các anh/chị HLV họ đã gặp ở The Voice sẽ lo cho họ đến "cuối con đường"?
Các thí sinh cũng cần phải rất tỉnh táo trước lời khen của các HLV dành cho tiết mục biểu diễn của họ. Trong môi trường như The Voice, HLV vừa phải làm nhiệm vụ của một nhân vật giải trí, vừa phải cạnh tranh khốc liệt để lôi kéo thí sinh về đội mình. Khó ai có thể đảm bảo lời nhận xét của họ không bị chi phối bởi những yếu tố ngoài chuyên môn.
Việc HLV lên sân khấu ngồi lì "nếu em không về đội của tôi thì tôi không về ghế nóng", hay lôi cả thí sinh cho ngồi vào ghế nóng của mình chỉ là những hình thức tạo kịch tính cho chương trình giải trí. Thí sinh nếu không "cảnh giác" rất có thể bị ảo tưởng và sẽ khó tiến trong môi trường khốc liệt như The Voice.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất