Khán giả bị 'quỵt' tiền vì sao Hàn

04/07/2013 08:43 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Đầu năm 2013, Đại nhạc hội Asia Super Showcase được thông báo diễn ra vào tháng 2/2013 với sự xuất hiện của các ban nhạc đình đám: Suju, EXO - M, BtoB, giá dao động từ 800 ngàn đến 3,3 triệu đồng/vé. Rất nhiều fan đã đặt mua vé thông qua các trang mạng hoặc fansite (trang web dành cho người hâm mộ) nhưng gần nửa năm trôi qua, đến nay họ vẫn chưa thấy bóng dáng thần tượng, còn tiền cũng chưa lấy lại được…

Hiện nay, để có thể mua vé một chương trình nghệ thuật nói chung, có hai hình thức: mua bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Và với những chương trình tầm cỡ của các sao Hàn, đa số, được mua theo hình thức chuyển khoản và mua theo nhóm hoặc mua qua fansite. Đây đã không còn là chuyện mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng cũng với hình thức này, khán giả đã gặp không ít những rủi ro mất tiền “hy hữu”.

Tiền vé đã trả, thần tượng… vẫn không thấy đâu

Đó chính là sự cố tại chương trình Asia Super Showcase được giới thiệu có sự xuất hiện của ban nhạc đình đám Suju cùng với EXO - M và BtoB đầu năm 2013. Vào trung tuần tháng 1/2013, chương trình bắt đầu được nhà tổ chức - Công ty Vesta Communications - quảng cáo và bán vé. Trong thời gian này, các hoạt động của các fanclub nhằm chào đón thần tượng diễn ra tại Hà Nội cũng được BTC thông báo rộng rãi đến truyền thông. Tuy nhiên, việc thay đổi thời gian biểu diễn chỉ được thông báo 2 tuần trước khi sự kiện diễn ra khiến nhiều khán giả bức xúc vì họ đã trả tiền mua vé xem chương trình (đã có khoảng 2 ngàn vé được bán ra dù vé chưa in và chưa xuất).


Poster chương trình Asia Super Showcase được quảng cáo rộng rãi

Trong khi đó, NSƯT Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội - khẳng định, ngày 7/2/2013, Sở mới nhận được văn bản của UBND thành phố Hà Nội đồng ý về chủ trương cho phép các nhóm nhạc Hàn Quốc biểu diễn tại Cung điền kinh Mỹ Đình. Lúc đó, hồ sơ xin cấp phép biểu diễn của Asia Super Showcase vẫn chưa được thông qua. “Việc cấp phép và nhà tổ chức tự ý bán vé là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, khi chưa có giấy phép biểu diễn mà đã tổ chức bán vé là… vượt rào rồi” - ông Chiêm nói thêm.

Và tính đến thời điểm đầu tháng 7/2013 này, đã hơn 5 tháng qua, nhà tổ chức - vẫn im hơi lặng tiếng trước lời hứa hẹn từ Tết rằng: Sẽ thay đổi lịch diễn còn chương trình chắc chắn sẽ diễn ra. Một thông báo chính thức về việc hoàn tiền vé cho khán giả cũng không có.

Các số điện thoại “hotline” im bặt

Khi việc bán vé đang diễn ra hồi đầu tháng 1/2013, hai số điện thoại “hotline” mua vé của Vesta Communications vẫn hoạt động nhộn nhịp, nhưng cho đến nay, số 09344531xx có chuông đổ nhưng không ai nghe máy, số 09384366xx trong tình trạng không liên lạc được. Gọi điện đến đại diện truyền thông của Công ty Vesta Communications (0914 146 6xx) thì nhận được tín hiệu: Thuê bao tạm khóa.

Liên lạc với số điện thoại liên hệ mua vé chương trình theo poster quảng cáo tại trang sukienhay.com (09493738xx) - một trong những đơn vị bán vé của chương trình - phóng viên TT&VH được chị Huyền (đại diện cho sukienhay) cho biết: “Chương trình Asia Super Showcase không có thông báo chính thức về việc hủy hay hoãn chương trình đối với chúng tôi nhưng chúng tôi đã hoàn tiền lại cho khán giả đã mua vé giữ chỗ tại sukienhay.com. Cũng vì sukienhay.com làm việc qua trung gian với BTC chương trình này nên bản thân chúng tôi cũng đã chịu tổn thất khi hoàn tiền lại cho khán giả. Đây cũng là một bài học trong kinh doanh đối với chúng tôi”.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Quản lý, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, vì chương trình Asia Super Showcase chưa được Sở VH,TT&DL Hà Nội cấp phép, nên vụ việc nằm ngoài phạm vi vi phạm hành chính mà cơ quan quản lý văn hóa có thẩm quyền giải quyết.

Tuy nhiên, với một trang web công khai như sukienhay.com thì việc hoàn tiền mua vé cho khán giả là điều có thể hiểu được. Nhưng còn rất nhiều trang web và các fansite khác đứng ra mua vé cho khán giả có làm điều đó hay không? Khi mà hàng ngày, tại trang thông tin chính thức của công ty (http://www.facebook.com/VestaCommunications), hiện vẫn còn hàng trăm khán giả vào “hỏi thăm” BTC với nhiều nỗi niềm bức xúc khi họ cảm thấy bị lừa và yêu cầu được lấy lại tiền.

“Tôi xin các người. Lương tâm các người để đâu khi ăn quỵt tiền của mấy đứa học sinh, sinh viên như chúng tôi? Chưa cấp giấy phép mà dám hô hào bán vé. Lũ cướp tiền trắng trợn” - một trong số rất nhiều những khán giả không lấy lại được tiền đã không kiềm chế được lên tiếng.

Thậm chí, một phóng viên văn hóa cũng là “nạn nhân” bị quỵt tiền khi mua vé qua một fansite. Theo phóng viên này, có thông tin về việc móc nối giữa BTC với các fansite nên mới có chuyện tiền không được trả lại cho khán giả.

Hình thức mua vé qua mạng (trả tiền đặt chỗ trước) cũng đem lại khá nhiều rủi ro cho khán giả. Thiết nghĩ, sự tổn thất của khán giả có lẽ không chỉ nằm ở số tiền bỏ ra mua vé, mà đó còn là sự tổn thất về mặt tinh thần, khi họ bị “đánh cắp” niềm tin từ những nhà tổ chức và khi gặp “sự cố” thì không nhận được sự hỗ trợ về quyền lợi của “người tiêu dùng” từ một đơn vị pháp lý nào. Đây có lẽ cũng là lời cảnh tỉnh dành cho những người hâm mộ: đừng vì quá yêu thần tượng mà đặt niềm tin (mua vé) nhầm chỗ! 

Ngọc Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm