03/05/2018 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 1/1/2017, Việt Nam đã áp dụng 4 cấp độ dán nhãn với phim chiếu rạp, trong đó có 13+ và 18+. Còn sách thì sao?
Việc làm của ngành điện ảnh nhằm mục đích giúp khán giả được bảo vệ khỏi những bộ phim không phù hợp với lứa tuổi. Đối với sách, tính đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có văn bản hay thông tư nào tương tự.
Dẫu vậy, trên thị trường thi thoảng vẫn thấy một số cuốn sách "đính kèm" những dòng kiểu như: "Độc giả cân nhắc trước khi đọc” (bìa cuốn 50 sắc thái) hoặc 18+ (in trên bìa cuốn Chạm mở). Nhưng những dòng cảnh báo này là do chính các nhà xuất bản “sao y bản chính” từ bìa sách nước ngoài chứ không phải “y lệnh” của bất kỳ cơ quan quản lý nào ở trong nước.
Nhiều độc giả cho rằng, ngành xuất bản cũng nên áp dụng cách làm của điện ảnh, để giúp các đơn vị xuất bản định hướng bạn đọc, phục vụ đúng đối tượng, đồng thời giúp độc giả “tiết kiệm thời gian” trong việc lựa chọn sách và thư viện thì dễ phân loại sách.
Và, với các tác phẩm sáng tác về đề tài lịch sử, trong đó có các sáng tác về các danh nhân, càng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn về yếu tố này trước khi đến tay bạn đọc…
Dán nhãn là hạ thấp tác giả, tác phẩm
Trả lời câu hỏi trên, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng viết về tình dục trong văn học nói chung, trong trong các sáng tác về lịch sử nói riêng là chuyện bình thường, miễn là nó trung thành với sự thật lịch sử, dựa trên sự kiện có thật chứ không phải bịa ra.
“Trước đây người ta cứ cấm kị tình dục trong văn chương, trong khi nó không phải cái gì xấu và đôi lúc cần phải có” – ông Nguyên nói. “Văn chương thuộc về con người và phản ánh mọi mặt đời sống con người. Tuy nhiên cần xem xét việc đưa chi tiết đó vào có phục vụ cho chủ đề nội dung tác phẩm, làm nổi bật lên tính cách nhân vật hay không”.
Vì thế, cái đáng nói ở đây, theo ông Nguyên là bút lực của nhà văn. Viết về chuyện tình dục, không thể dùng những từ ngữ trần tục như nói chuyện, mà phải biết dùng bút lực để làm cho nó tinh tế hơn, toát lên cái mỹ cảm.
“Dán nhãn như thế thì không phải văn chương và hạ thấp tác giả, tác phẩm. Các cảnh nhạy cảm nằm trong tổng thể tác phẩm, có tác dụng nhất định đối với giá trị tác phẩm. Hơn nữa việc dán nhãn vô hình chung làm kích thích trí tưởng tượng của độc giả, hiểu sai lệch về tác phẩm”.
Không dán nhãn nhưng cần thẩm định
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Sáng tác (Hội Nhà văn Việt Nam) nêu ý kiến: nhân vật nào cũng có đời sống của nó và tác giả hay bạn đọc không thể tước bỏ phần người của nhân vật, trong đó có tình dục – một sinh hoạt bình thường của con người.
“Vấn đề là nhiệm vụ của nhà văn là phải viết như thế nào về tình dục để bạn đọc khi đọc về nó phải nhập tâm, phải thấy đẹp. Nếu viết về tình dục mà… chối quá thì rõ là phản cảm. Mà cái gì phản cảm thì đều nên dán tem phân loại” – bà Hà nói.
Vậy nhưng, theo nhà văn này, văn chương chưa đến nỗi phải dán nhãn phần loại vì nó khác với điện ảnh. “Điện ảnh là những hình ảnh đập trực diện vào mắt con người, còn văn chương là đọc và quá đó chỉ có thể tưởng tượng” – bà Hà lý giải. “Vì thế, theo tôi, để bảo vệ bạn đọc khỏi những tác phẩm không phù hợp với lứa tuổi – mà ở đây là những lứa tuổi chưa phù hợp để đọc những cuốn sách viết về tìnhh dục, chỉ cần làm tốt khâu thẩm định là được”.
Còn nhà thơ Trần Ninh Hồ lại cho rằng, với điện ảnh, các nhà làm phim có thể làm “chẻ hoe” về vấn đề tình dục và dán nhãn phân loại để “cảnh báo” đến người xem, đặc biệt là với trẻ em là điều cần thiết. Nhưng với văn chương, các nhà văn nói về tình dục giỏi hơn điện ảnh rất nhiều và sự mập mờ của tình yêu, tình dục trong văn chương chỉ mang lại sức gợi chứ không “rõ mồn một” như bằng hình ảnh.
“Tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến rằng thẩm định các tác phẩm trước khi đến tay bạn đọc là việc cần làm. Yêu cầu các đơn vị xuất bản, phát hành phối hợp với tác giả, điều chỉnh cắt bớt những đoạn không phù hợp trước khi in là điều chấp nhận được. Nhưng không cần thiết phải dán nhãn phân loại vì việc đó rất tốn kém và dễ gây lãng phí” – ông nói.
Theo Khoản 1, Điều 12, Thông tư 09/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ ở bìa 4 và trang tên sách: Dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, dành cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 11 tuổi và dành cho trẻ em từ 11 tuổi đến dưới 16 tuổi. Các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em có cách phân loại độ tuổi khác với quy định phải ghi rõ độ tuổi cụ thể. Điều 16 của Thông tư này cũng nêu rõ, đối với các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em có nội dung về giáo dục giới tính, chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải ghi dòng chữ: “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang tên sách hoặc tại bìa 4. |
(Còn nữa)
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất