Dân Hà Nội trồng rau, nuôi gà

28/02/2012 09:29 GMT+7 | Thế giới

Nhiều người dân đã thực hiện "chính sách" tự túc thực phẩm, làm nông nghiệp trên cả mái bê tông...


Vui với thành quả trồng trọt của mình

Khi thực phẩm không được kiểm soát về an toàn thực phẩm khiến nhiều người dân đã thực hiện "chính sách" tự túc thực phẩm, làm nông nghiệp trên cả mái bê tông, nuôi gà trong diện tích chật hẹp.

Tận dụng không gian để trồng trọt

Buổi sáng, thay vì xách làn đi chợ như mọi bà nội trợ khác, chị Trần Thanh Nhàn (Đoàn Thị Điểm, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội) lại mang chiếc rổ nhỏ ra mảnh vườn chừng 15m2 trước cửa nhà. Tỉa nhanh chừng 10 chiếc lá cải lớn, mang vào nhà không cần ngâm qua nước muối mà rửa nhanh để nấu mì tôm cho cả nhà ăn sáng.

Chị chia sẻ: Ngay từ khi xây nhà năm 2011 vừa qua, gia đình tôi đã cố tình để một mảnh đất để trồng rau ăn. Một gói hạt giống cải 15.000 đồng mà nhà tôi gieo 3 đợt, ăn gần 3 tháng mới hết rau. Hơn nữa, ăn rau sạch do chính mình trồng bữa cơm thoải mái, không còn lo lắng sợ ngộ độc như trước. Hái rau trước lúc ăn 30 phút, rau vừa tươi, ngọt mà lại nhanh. Có rau sạch, thỉnh thoảng tôi còn làm quà cho bà nội ở gần đây.

Nếu gia đình chị Nhàn mới trồng được 4 loại rau chính là xu hào, cải ngọt, xà lách, cúc tần cải thiện cho bữa cơm gia đình thì gia đình ông Trần Đình Long (Ngõ 283 Đội Cấn) lại có một vườn rau mà nhiều người Hà Nội phải mơ ước với hơn 20 loại rau quả.

Không chỉ có những loại rau gia vị tăng hương vị cho bữa cơm gia đình như húng, ớt... mà hàng chục cây đinh lăng vừa làm vị thuốc, vừa làm rau ghém được sắp xếp khoa học chỉ chiếm diện tích rất nhỏ dọc các bờ bò. Đặc biệt, vườn cải nở hoa vàng choán hết không gian.

Ông Long chia sẻ: Trước tết, rau cải là rau chính cho bữa ăn gia đình. Giáp tết thì loại rau này được để cho ra hoa chơi tết. Sau tết, hạt cải sẽ được gia đình thu hoạch để làm giống tiếp tục cho mùa sau. Chu trình này đã được gia đình áp dụng cách đây 4, 5 năm. Ngoài ra, vườn rau trên tầng 5 này của gia đình cũng có những loại cây đặc biệt như chanh tứ quý ra quả quanh năm, thanh long ruột đỏ và cỏ ngọt với độ ngọt gấp 300 lần đường thông thường mà tốt cho sức khỏe.

Không chỉ trồng rau, nhiều người Hà Nội tận dụng cả những khoảng trống vài m2 để nuôi gà cải thiện bữa ăn. Nhà ông Nguyễn Văn Phúc trên đường Kim Mã thượng cho biết: mặc dù ở giữa phố nhưng gia đình vẫn nuôi thêm vài chú gà.

Nuôi gà không tốn nhiều thời gian mà lại tận dụng được thức ăn dư thừa trong nhà.Hơn nữa, với những người đi làm Nhà nước như chúng tôi, nuôi gà vừa xả stress. Ông nhấn mạnh thêm: nếu tính giống, chi phí thì nuôi gà tại nhà cũng tương đương với giá mua ngoài chợ. Tuy nhiên, có thể khẳng định đây là gà sạch 100%, không cám tăng trọng, không nguy cơ bị bệnh... Cái được của tự túc chăn nuôi là ở đấy.

Dịch vụ ăn theo: đắt hàng

Khi ngày càng nhiều các gia đình tự tạo những mảnh vườn nhỏ trong gia đình thì các dịch vụ phục vụ ăn theo như cung cấp đất, hộp trồng, hay loại thuốc khử mùi trong chăn nuôi... cũng đắt hàng.

Chị Trần Thị Thu, chủ cửa hàng bán hạt giống rau trên đường Bưởi (Hà Nội) cho biết: Trước kia, người dân mua hạt giống rau rất ít. Chủ yếu là trồng để trang trí hoặc các loại cây đặc biệt. Tuy nhiên, 2,3 năm trở lại đây thì số lượng người trồng tăng cao. Đặc biệt, thời gian gần đây, số lượng hạt giống các loại rau truyền thống, quen thuộc như cải, cúc tần, rau muống được nhiều người lựa chọn, doanh thu của cửa hàng tăng lên trông thấy.

Cung cấp đất, hộp đất trồng trên đường Phạm Ngọc Thạch, anh Trần Quốc Huy chia sẻ: Nhu cầu trồng rau tại nhà của nhiều hộ dân tăng cao. Đặc biệt, 3 tháng cuối năm 2011, nhu cầu này tăng đột biến.
 

Chăm sóc vườn rau trên mái nhà

Các thùng xốp chứa đất trước chỉ 10 đến 15.000 đồng/thùng thì nay dao động từ 30 đến 100.000 đồng tùy theo lượng đất khách hàng lấy. Với các giá thể, giá trung bình 3.500 đồng/kg. Cửa hàng cũng có dịch vụ mang tới tận nhà cho các gia đình. Anh Huy cũng tiết lộ: Hiện thị trường cũng đang có nhu cầu cao về các dụng cụ trồng cây thủy canh như ống nước, chất dinh dưỡng để pha... nên sắp tới, của hàng sẽ nhập thêm các mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Không chỉ người dân Hà Nội tự túc nông sản, thực phẩm, theo một nhân viên đường sắt Hà Nội, Hải Phòng, thường vào các ngày cuối tuần, rất nhiều người dân ở các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh gửi thực phẩm từ quê do chính gia đình trồng lên cho người thân ở Hà Nội.

Theo VEF

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm