05/10/2013 14:28 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) trả lời TT&VH về giải thưởng năm nay, khi kết quả cho thấy sự lên ngôi của thể loại phi hư cấu, đề cao tri thức và hoàn toàn vắng bóng thể loại tiểu thuyết.
Mỗi mùa giải thưởng, Hội Nhà văn Hà Nội luôn gây chú ý vì cập nhật nhanh nhạy đời sống văn học và xuất bản. Năm nay, khi làng xuất bản đầy sôi động với các tác phẩm phi hư cấu, trong đó sách du ký gây bàn cãi khá nhiều, Hội đã ra danh sách giải thưởng, trong đó 3 trong 5 giải là sách phi hư cấu.
* Giải năm nay với bút ký đậm chất văn hóa của nhà văn Nguyên Ngọc, công trình nghiên cứu cả đời của nhà văn Nguyễn Huệ Chi, biên khảo về nhà báo Phan Khôi… rất giàu tính tri thức. Nhưng, liệu có “nặng” quá so với sự tiếp nhận của bạn đọc không, thưa ông?
- Giải trao cho những cuốn sách được đánh giá cao và đạt được sự đồng thuận cao của hội đồng chấm giải. Các tác phẩm đều có hàm lượng tri thức cao là điều ngẫu nhiên và theo tôi là một phát hiện hay của giải. Sách của Nguyên Ngọc, Phan An Sa, Nguyễn Huệ Chi… đều có tiếng vang, điều đó phản ánh một phần nhu cầu đọc của độc giả, họ vẫn hướng đến tri thức.
* Giải năm nay nhấn mạnh vào giá trị của văn học phi hư cấu, mà đại diện là bút ký Các bạn tôi ở trên ấy của Nguyên Ngọc. Năm qua, sách phi hư cấu rất nổi trội nhưng là ở dạng sách du ký của các tác giả trẻ, đậm tính thương mại. Bút ký của nhà văn Nguyên Ngọc không phổ biến lắm với truyền thông và công chúng, ông nghĩ sao?
- Sách phi hư cấu đang được độc giả tìm đọc, điều đó cho thấy xã hội đang có xu hướng tìm về cái thực. Vì vậy, Hội vinh danh bút ký của Nguyên Ngọc để công nhận giá trị của văn học phi hư cấu, một tác phẩm văn học thực sự.
Cuốn sách có ba điều đáng học tập. Thứ nhất, nhà văn Nguyên Ngọc là tấm gương cho những người viết khác, trong đó có những người viết trẻ: ông đã ngoài 80 tuổi nhưng sức sống, sức đi, sức nghĩ và sức viết vẫn dồi dào. Đó là nền tảng của một nhà văn chân chính, dù viết hư cấu hay phi hư cấu.
Thứ hai, trao giải cho cuốn sách cũng là khẳng định giá trị của thể loại văn học phi hư cấu vốn nổi bật trong năm qua. Thứ ba, đây là tác phẩm hay về cuộc sống và con người Tây Nguyên, một mảnh đất giàu văn hóa.
* Tiểu thuyết là thể loại “đinh” của văn học, hơi khó tin khi một giải thưởng văn học mà lại không tìm ra tiểu thuyết nào để tôn vinh. Nhưng điều đó đã xảy ra ở giải năm nay. Tại sao vậy, thưa ông?
- Giải thưởng có phạm vi đọc là các tác phẩm của các nhà văn hội viên và các tác giả đang sống ở Hà Nội nên không thể bao quát toàn quốc.
Tuy nhiên, theo tôi trong mấy năm qua, tiểu thuyết của ta vẫn chưa có cuốn nào thực sự xuất sắc nổi bật. Năm nay, Hội đồng văn xuôi của hội đã xét nhiều tiểu thuyết của các tác giả gửi đến để chọn cuốn Gần như là sống của Đỗ Phấn vào chung khảo cùng với tập bút ký của Nguyên Ngọc ở hạng mục Văn xuôi, và kết quả thì như chúng ta đã biết.
Sự phát triển của sách phi hư cấu gần đây là một điều đáng mừng, nhưng không vì thế mà nói sách hư cấu bị yếu thế. Chúng tôi vẫn tin vào sức viết của các nhà văn Hà Nội và cả nước.
Danh sách giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013 Văn xuôi: Bút ký Các bạn tôi ở trên ấy của Nguyên Ngọc. Thơ: Đường gió của Giáng Vân. Phê bình: Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn - tập biên khảo của Phan An Sa. Dịch thuật: Tâm - tuyển thơ của M. Tsvetaeva của dịch giả Phạm Vĩnh Cư. Thành tựu nghiên cứu văn học: Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật - tuyển tập nghiên cứu của Nguyễn Huệ Chi. |
Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất