Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "Tôi già rồi..."

01/10/2012 14:37 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Nhà ôsin là tác phẩm thứ ba của nhà văn Tướng về hưu được dựng thành kịch, sau hai truyện ngắn. Tác giả của nó vừa háo hức vừa thấp thỏm, nhưng tôi biết ông đặt nhiều kỳ vọng. Ông nói: "Viết về tôi làm gì, viết về đoàn kịch đi".

Nhưng không thể khác được, trước tiên vẫn phải viết về ông. Vở kịch do Nguyễn Huy Thiệp soạn và trực tiếp đồng hành cùng đoàn kịch, nằm trong hai dự án sân khấu sắp tới của nhà hát, bên cạnh Mùa yêu đương của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Đoàn kịch Nhà ôsin vừa có buổi tập đầu tiên vào tuần qua tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội). Đạo diễn là NSND Lê Khanh.

Theo Nhà hát Tuổi Trẻ, dự kiến Mùa yêu đươngNhà ôsin sẽ lần lượt công diễn vào tháng 10 và tháng 11 năm nay.

Sống với cái ta đang là

Nguyện vọng lớn nhất của tác giả Nhà ôsin dường như là tính chuyên nghiệp. Ông nói với đạo diễn và các diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ trong buổi gặp đầu tiên của đoàn kịch Nhà ôsin: "Một trong những điều luôn làm tôi nghĩ mãi từ khi cầm bút đến nay, đó là luôn cố ra những tác phẩm xứng đáng nhất. Ai cũng có thể viết văn, làm thơ, diễn kịch. Tất cả chúng ta đều từ nghiệp dư mà lên thôi, nhưng khi có một nhà nước và các ngành nghề, chúng ta đều phải trở nên chuyên nghiệp. Nếu như chúng ta tự nhếch nhác, tự bôi bác, tự coi khinh mình thì công chúng cũng không ủng hộ chúng ta".

Từ trái qua: NSND Lê Khanh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và đạo diễn- NSƯT Việt Thanh. Ảnh: Hạ Huyền

"Tôi cũng già rồi. Đến một lúc nào đó, người già phải rút đi. Chúng ta phải sống với cái ta đang là, không phải cái ta đã là. Với tôi, già là suy đồi cả về tinh thần và thể xác", những tâm sự này có lẽ không nói riêng với đoàn kịch, cũng chẳng với một ai cụ thể. Theo tôi hiểu, nhà văn nói với chính mình.

"Khi nói ra sự thật thì chúng ta sẽ tự do", ông trích dẫn một câu trong một cuốn sách viết về trùm khủng bố đã bị tiêu diệt Osama bin Laden. "Nghệ thuật cao xa nhưng cũng đơn giản. Khi ta làm thật, với tất cả cảm xúc thật, ta sẽ tự do".

Hy vọng ở Nhà ôsin

"Vở kịch này chắc sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi hy vọng các đạo diễn, diễn viên sẽ bảo vệ được tác phẩm của mình. Là một nhà văn, tôi đã làm hết sức", Nguyễn Huy Thiệp nói về vở Nhà ôsin sắp lên sân khấu vào tháng 11 này.

Sáng tạo và cảm xúc, đó là điều ông mong muốn ở các diễn viên trẻ của đoàn kịch, vốn chiếm phần lớn. Trong vở này có nhiều diễn viên mới gia nhập Nhà hát Tuổi Trẻ.

"Đầu tiên là thuộc lời thoại. Nhà văn không phải là thượng đế nhưng thuộc lời thoại cũng là một điều luật. Tác giả kịch bản là người ra luật chơi, nên điều đầu tiên là nên tôn trọng luật. Sau khi diễn nhuần nhuyễn, khi các bạn đã hiểu mạch truyện, nắm được cả khán giả nữa, thì có thể sáng tạo thêm những lời thoại khác, động tác khác. Đó mới là kịch", ông nói.

Nhà ôsin là vở kịch nói được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết xong vào năm 2008, đến 2010 được xuất bản trong tập kịch cùng tên. Lấy bối cảnh không quá độc đáo: một gia đình giàu có với một Đại tá - ông chủ cô đơn và nhiều người giúp việc, già có, trẻ có. Hai cô con dâu như người dưng thỉnh thoảng đảo qua nhà, mang theo nhiều những ồn ào và rắc rối. Vở kịch để lại nhiều suy ngẫm về tình người.

"Sáng tạo" khi diễn, nếu nói khơi khơi thôi thì có vẻ chưa gây được ấn tượng gì cụ thể đối với các diễn viên. Hiểu điều này, NSND Lê Khanh tiếp lời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "Tôi hiểu nhiều lúc các bạn bức xúc không hiểu mình có chỗ nào để sáng tạo, nhưng chúng tôi cần sự tư duy độc lập của diễn viên. Nếu chúng ta cứ tầm gửi mãi vào những người đóng vai trò trung tâm trong vở diễn thì các bạn sẽ không bộc lộ được mình".

"Chính tôi cũng non nớt", Lê Khanh bộc bạch. Đây là vở kịch thứ hai chị làm đạo diễn, sau vở Từ thiên đường đi về phía Bắc 3 km năm 2005. "Tôi cần trí tuệ và tài năng của các bạn, lý tưởng, quan điểm về cuộc sống, thẩm mỹ trong nghệ thuật".

Về Nhà ôsin, nữ đạo diễn cho rằng đây là một vở diễn thể hiện rõ quan điểm của nghệ sĩ sáng tác, hơn hẳn nhiều vở diễn khác. 7 nhân vật rất điển hình, có thể gặp ở mọi nơi và trong chính bản thân mỗi người.

Sau hai lần thất bại, là…?

"Cảm ơn Nguyễn Huy Thiệp vì đã đến và nhẫn nại yêu chúng tôi lần thứ ba", đạo diễn Lê Khanh thay mặt Nhà hát Tuổi Trẻ nói với tác giả kịch bản Nhà ôsin.

Hai vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp từng được Nhà hát Tuổi Trẻ tham gia dàn dựng, nhưng công diễn dưới danh nghĩa của các đơn vị khác, là Đến bờ bên kia (truyện ngắn gốc là Sang sôngNhà có năm anh em trai (truyện ngắn gốc là Không có vua). Cả hai tác phẩm gốc đều có tiếng vang.

Và NSND Lê Khanh thừa nhận, hai lần hợp tác trước giữa Nhà hát và nhà văn đều thất bại. "Anh Thiệp chia sẻ với tôi rằng, hai vở kịch trước đều chỉ nói được một phần những gì anh muốn nói. Nói thẳng ra là chưa thành công. Đến lần này, anh cũng khuyên tôi nghĩ kỹ đi rồi hẵng làm. Và tôi đã hứa với anh Thiệp, lần này, chúng tôi sẽ hướng đến sự chuyên nghiệp, vì đó cũng là điều mà anh mong muốn. Chúng tôi chẳng còn cách nào khác là phải khẳng định mình".

Với Lê Khanh, Nhà ôsin cũng là một thách thức mới, vì chị được coi là một "đạo diễn trẻ", và đoàn diễn viên lần này cũng phần lớn là người trẻ. Nhà hát đang đặt kỳ vọng ở lớp người mới và vở kịch này là một cơ hội lớn. Dàn diễn viên chia làm ba kíp diễn, trong kíp đầu tiên có NSƯT Chí Trung vào vai ông đại tá, chủ nhân "nhà ôsin".

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm