Những cô gái, chàng trai đang ngồi yên thì tự nhiên giật cổ, trợn mắt và ngoác miệng. Đôi khi họ phát ra những âm thanh kỳ lạ như tiếng gà kêu, huýt sáo hoặc chửi tục. Một số khác dường như không thể kiểm soát được cánh tay của mình. Họ tự đấm vào ngực, quăng quật đồ đạc và đánh người ngồi bên cạnh.
Tài khoản Thistrippyhippie chia sẻ cơn tic của mình trên tàu, trung bình mỗi ngày, video này đang nhận về khoảng 1 triệu lượt xem.
Nghe có vẻ giống một phân cảnh của The Conjuring? Nhưng không, đây là những video chứa hashtag #tics, #tourette hoặc #tourettes trên TikTok. Tại Việt Nam, bạn có thể tìm thấy chúng bằng những từ khóa #giatmieng, #nhaymat hoặc #benhtic.
Một video #Tourettes trên TikTok với 38.1 triệu lượt xem
Thống kê của TikTok cho thấy những video này đã được xem tổng cộng hơn 8 tỷ lượt trên khắp thế giới. Sự phổ biến của chúng, bây giờ, đang khiến các nhà khoa học lo ngại. Một nghiên cứu trên tạp chí Brain cảnh báo:
Các video #Tourettes trên TikTok có khả năng đánh thức một hội chứng kỳ lạ từ thời Trung Cổ, tạo ra một dịch bệnh đầu tiên lây lan qua môi trường kỹ thuật số, bất chấp biên giới về mặt địa lý.
Cơn co giật kịch phát đầu tiên mà Aidan, cậu bé 16 tuổi sống ở thành phố Calgary, Canada gặp phải là vào tháng 3 năm 2021. Đó là lúc Aidan vừa đi học về. Không hiểu lý do tại sao, cậu bé đột ngột dừng lại ở bậc cửa.
Bố và mẹ Aidan khi đó đang ngồi ngay trong phòng khách. Họ chờ đợi một lời chào từ cậu bé. Nhưng nó đã không đến. Thay vào đó là cảnh tượng kinh hoàng này:
Aidan vung tay giật khục, đầu thì ngoặt sang bên còn miệng cậu bé phát ra những tiếng huýt sáo the thé. "Chúng tôi chứng kiến điều đó xảy ra ngay trước mắt mình", bà Rhonda - mẹ của Aidan kể lại. "Có vẻ như Aidan sắp phát điên".
Ngay lập tức, Rhonda cùng chồng đưa con mình tới bệnh viện. Nhưng các xét nghiệm không phát hiện ra bất cứ điều gì khác thường với thể chất của cậu bé. Aidan vì vậy được chuyển sang khoa tâm thần, nơi một bác sĩ giải thích cho gia đình biết rằng, gần đây ở Calgary, có hơn một chục thanh thiếu niên cũng lên những cơn co giật tương tự như cậu bé.
Điều kỳ lạ là: Ngoài việc ở chung một thành phố, những đứa trẻ này không hề có bất kỳ liên kết địa lý nào với nhau. Chúng thậm chí còn chưa từng gặp nhau ngoài đời thực. Nhưng tại một thời điểm nào đó trong đại dịch COVID-19, TikTok đã đề xuất cho những thanh thiếu niên này cùng xem một loạt video chứa hashtag #Tourettes. Sau đó thì những đứa trẻ mới phát bệnh.
Tourette là một hội chứng rối loạn phát triển, được đặt theo tên nhà thần kinh học người Pháp Georges Gilles de la Tourette - người đã có công xác định và miêu tả hội chứng này vào năm 1885. Tourette đặc trưng bởi những cú "tic", một cử động co giật đột ngột, xuất phát từ những nhóm cơ rời rạc trên cơ thể và mất kiểm soát.
Nghe thì khó hiểu, nhưng sẽ không khó để bạn nhận ra một bệnh nhân Tourette ngoài đời thực. Họ chính là những người có tật nháy mắt, nhếch miệng hoặc thỉnh thoảng giật lắc đầu. Một số người mắc hội chứng Tourette bị giật cơ liên quan đến thanh quản, khiến họ thường xuyên phát ra những âm thanh kỳ lạ như tiếng nấc cụt, tiếng rít, tiếng hắng giọng…
Các miêu tả của Tourette từ thế kỷ 19 cho thấy căn bệnh là một hội chứng rối loạn phổ. Nghĩa là bệnh thường sẽ diễn biến từ nhẹ tới nặng, đạt đỉnh ở một độ tuổi nhất định (thường là tuổi vị thành niên), rồi thuyên giảm dần khi bệnh nhân trưởng thành.
Dẫu vậy, vẫn có khoảng 20% bệnh nhân Tourette lớn lên với những cơn tic nặng. Đó là những cơn co giật phức tạp, làm gián đoạn khả năng vận động và giao tiếp của người bệnh. Tourette khiến họ không thể nói chuyện hay làm mọi việc một cách bình thường.
Những khiếm khuyết của bản thân sẽ khiến bệnh nhân chọn lối sống thu mình, tránh những ánh mắt dò xét và kỳ thị. Cho đến khi họ tìm thấy một nơi, không những chấp nhận mà còn cổ vũ họ thể hiện sự khác biệt: TikTok.
Với các hashtag như #tourettes, #tics, #tourettesyndrome bạn sẽ truy cập được vào những kho video hàng tỷ lượt xem. Trong đó, hàng ngàn bệnh nhân Tourette trên khắp thế giới đang quay lại những cú tic của họ.
Những video này thường lọt vào vòng phản hồi dương của thuật toán For You, mang lại cho chủ nhân từ vài chục ngàn tới vài chục triệu lượt xem, đơn giản từ tính chất bất thường của chúng.
Chẳng hạn, trong một video được xem 44 triệu lượt, tài khoản this.tourettes.guy đơn thuần chia sẻ một buổi làm bánh. Trong đó, những cú tic khiến anh chàng vung vãi bột mì ra khắp phòng. Bệnh Tourette ngăn cản anh ấy đập trứng vào thành bát, nhưng sẽ kích thích anh hất cà phê lên trần nhà và liên tục quăng quật đồ đạc.
Một tài khoản của bệnh nhân Tourette khác là Thistrippyhippie. Cô gái thường xuyên chia sẻ khoảnh khắc đời thường của mình với những cú tic.
"Tôi gặp những cơn tic vừa phải trên tàu. Phương tiện công cộng thường khiến tôi thấy lo lắng, nhất là khi bệnh tic của tôi trở nặng. Như các bạn thấy ở đây là những cơn tic nhẹ, nên tôi vẫn ổn. Những cú tic nhẹ bao gồm giật, khịt mũi, phát ra âm thanh kì quặc, giật mặt, đảo mắt …", Thistrippyhippie viết trong phần mô tả của video dài 42 giây có 27 triệu lượt xem.
Và có cả những video đến từ bệnh nhân người Việt, ví dụ như dinvitg02. Trong một video đạt hơn 3,5 triệu lượt xem, anh chàng chia sẻ những cú tic âm thanh mà mình gặp phải:
"Đây là lí do mình ngại đi học, sợ giao tiếp, ít khi ra nơi đông người… Mình đã từng bị từ chối rất nhiều khi đi xin việc. Nhưng không sao, mình vẫn đang ở đây. Và có các bạn, mình sẽ cố gắng, các bạn cũng hãy cố gắng! Chúng ta cùng cố gắng sống là chính mình nhé".
Video này của tài khoản dinvitg02 được xem 3,5 triệu lượt, trong đó, chàng trai tên thật là Viết Tường chia sẻ chứng tic âm thanh của mình.
Không thể phủ nhận nhiều video trong #Tourettes mang thông điệp tích cực. Một số thậm chí vui nhộn, hài hước và xứng đáng để nhấn nút theo dõi. Nhưng hãy dừng lại một nhịp, bởi một loạt các nghiên cứu ở đã cảnh báo: Việc xem video chứa hashtag #Tourettes có thể dẫn tới hiện tượng kỳ lạ, trong đó, người xem cũng sẽ khởi phát những cơn tic giống như Tourette.
Đối với Aidan, đó là cơn co giật mà cậu bé gặp ở bậu cửa. Đôi lúc, cậu tự cấu véo bản thân và nói rằng đó là những lúc cậu cảm thấy khó thở. Nhưng Aidan còn gặp cả những cú tic âm thanh, trong đó cậu tự đấm vào ngực mình và thốt ra một số cụm từ kỳ quặc bao gồm: "Đậu", "Củ dền", "Tôi là một con ngỗng ngớ ngẩn".
Những đứa trẻ khác ở Calgary cũng vậy. Chúng lên cơn tic âm thanh với những cụm từ giống hệt. Điều này khiến các nhà khoa học nghi ngờ triệu chứng phải xuất phát từ cùng một nguồn, một bệnh nhân Tourette nào đó đã nói chúng trên TikTok và những người khác chỉ đơn giản là bắt chước hoặc nhại theo vì bị ám thị.
Sự trùng hợp tương tự cũng đã được xác nhận ở Anh, Mỹ, Australia và Đức. Trong khoảng thời gian của đại dịch COVID-19, các nhà khoa học đã báo cáo hàng ngàn trường hợp mà họ gọi là TikTok Tic, hay hội chứng tic lây lan từ TikTok.
Một bài báo trên tạp chí Movement Disorder gọi đó là "đại dịch trong đại dịch". Khi thanh thiếu niên tìm thấy TikTok như một thú tiêu khiển mới trong thời gian đóng cửa, số lượng bệnh nhân có triệu chứng giống với Tourette cũng tăng vọt.
Điểm chung được tìm thấy trong tất cả các báo cáo và ở tất cả các quốc gia, những thanh thiếu niên khởi phát triệu chứng co giật thường là nữ, trong độ tuổi từ 12-25. Nó đi ngược lại với hiểu biết trước đây về Tourette, căn bệnh chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ em trai và khởi phát rất sớm trong độ tuổi từ 5-7.
Ngoài ra, từ trước đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy Tourette là một căn bệnh lây nhiễm. Vậy, nếu không phải Tourettes, TikTok Tic thực sự là gì? Tại sao chỉ bằng việc xem những video #Tourettes này, những đứa trẻ có thể khởi phát triệu chứng giống như vậy?
Trên hành trình đi tìm lời giải đáp cho TikTok Tic, một số nhà khoa học đã tìm thấy những tài liệu có từ thời Trung Cổ, mô tả lại vô số hành vi kỳ lạ lây nhiễm mà không hề có lời giải thích. Ví dụ, đây là một đoạn mà bác sĩ người Đức Friedrich Carl Hecker viết năm 1844, trong cuốn "Những bệnh dịch lớn thời Trung Cổ":
"Tôi đã đọc được một y văn mô tả sự kiện này tại một tu viện rất lớn ở Pháp. Một ngày nọ, có một nữ tu tự nhiên kêu lên meo meo như một con mèo. Ngay sau đó, các nữ tu khác cũng bắt chước theo cô ấy.
Hậu quả là đến cuối cùng, tất cả các nữ tu trong tu viện đều nhiễm bệnh. Cứ đến một thời điểm nhất định trong ngày, họ lại đồng thanh kêu meo meo suốt vài tiếng đồng hồ. Toàn bộ khu phố Cơ đốc giáo xung quanh đó đã phải nghe bản hòa nhạc mèo này mỗi ngày. Ban đầu họ còn tỏ ra kinh ngạc nhưng càng nghe thì càng thấy chán trường…".
Nhiều sự kiện những nữ tu cùng nhau bắt chước tiếng động vật đã được y văn ghi lại một cách chính xác. Chẳng hạn như tại Cambrai, Pháp vào năm 1491, một nhóm nữ tu đã lên cơn co giật và sủa như chó. Năm 1560, hiện tượng này xảy ra tở Xante, Tây Ban Nha, những nữ tu lần này kêu "be be" như cừu. Họ xé mạng che mặt và lên những cơn co giật tập thể trong nhà thờ.
Vào thời Trung Cổ, tất cả những hiện tượng này được cho là quỷ ám. Những nữ tu sau đó sẽ được làm phép để chữa trị. Nếu vẫn không khỏi bệnh, họ sẽ bị đánh đòn, giam giữ hoặc thậm chí thiêu sống.
Nhưng những gì mà Hecker mô tả phía trên chỉ là lời chú thích cho một hiện tượng mà ông thấy còn khó hiểu hơn, dịch bệnh nhảy múa ở Strasbourg năm 1518.
Các tài liệu từ thế kỷ 16 ghi nhận, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm đó, tại thành phố miền đông bắc nước Pháp đã có hơn 400 người cùng nhau nhảy múa như điên loạn. Dịch bệnh dường như đã lây lan từ một người phụ nữ duy nhất tên là Frau Troffea.
Vào ngày 12 tháng 7, người ta thấy Troffea bước ra từ căn hộ của mình trên phố Jeu-des-Enfants và cô ấy bắt đầu nhảy. Troffea đã thực hiện một loạt các động uốn éo, tác lắc người và xoay vòng.
Không có lấy một một tiếng trống, tiếng đàn violin hay kèn túi, buổi độc diễn của cô ấy vẫn thu hút được sự chú ý của đám đông hiếu kỳ. Ban đầu, họ chỉ đứng xem cô ấy và bàn tán. Nhưng rồi một số người bắt đầu cảm thấy thôi thúc bởi điệu nhảy. Họ vô thức bắt chước các động tác của Troffea và cứ thế tiếp tục nhảy mà không thể dừng lại.
Những bức tranh vẽ lại dịch bệnh nhảy múa năm 1518 khiến nhiều người bây giờ nhầm tưởng đó là không khí của lễ hội. Nhưng sự thật là chẳng có lễ hội nào ở đây cả. Hơn 400 người dân ở Strasbourg năm đó đã nhảy múa như bị ma nhập.
Ánh mắt của những vũ công toát lên vẻ dại khờ, mặt họ ngước lên trời và những động tác xen kẽ với những cơn co giật. Nhiều người một khi đã bắt chước nhau nhảy thì sẽ không thể dừng lại nữa. Chân của họ bật máu, sụn của họ lòi ra ngoài, một số kêu gào trong vô vọng.
Kiệt sức, mất nước và trụy tim, mỗi ngày ở Strasbourg có khoảng 15 người chết vì dịch bệnh nhảy múa.
Cho đến tận bây giờ, các nhà khoa học vẫn không có lời giải thích thỏa đáng nào cho dịch bệnh nhảy múa năm 1518 ở Strasbourg. Ban đầu họ đưa ra giả thuyết rằng người dân thành phố đã ăn phải lúa mì bị nhiễm độc từ nấm cựa gà, một loài nấm chứa chất Ergotamine gây ảo giác.
Nhưng nhiễm nấm không thể giải thích cho các hành vi nhảy múa kỳ lạ và sự lây lan hành vi bắt chước. Trong thời Trung Cổ, có ít nhất bảy dịch bệnh nhảy múa tương tự cũng được báo cáo ở Thụy Sĩ, Đức, Ý và Hà Lan. Không hề có bất kỳ tác nhân lây nhiễm nào được tìm thấy.
Điều này khiến các nhà khoa học chuyển sang một giả thuyết khác, cho rằng đó phải là một hiện tượng lây lan liên quan đến tâm lý, cụ thể là chứng rối loạn phân ly tập thể.
Rối loạn phân ly là một trạng thái kích động thái quá của tâm thức, khiến người mắc phải không thể điều khiển được cảm xúc và hành vi của mình. Họ thường có các biểu hiện như khóc cười vô cớ, lên cơn co giật hoặc nhảy múa…
Khi các triệu chứng này lây lan trong một quần thể, mà không hề có tác nhân truyền nhiễm như virus, vi khuẩn hay chất độc chịu trách nhiệm, nó được gọi là rối loạn phân ly tập thể.
Nghiên cứu cho thấy những người dễ bị ảnh hưởng bởi hội chứng này nhất là phụ nữ, đang gặp căng thẳng, đặc biệt là khi họ cùng chung sống trong một môi trường với người khởi phát triệu chứng.
John Waller, một sử gia người Anh cho biết điểm chung của những dịch bệnh nhảy múa ở Châu u đó là chúng thường xuất hiện ở các thành phố Trung Cổ đang phải hứng chịu nạn đói hoặc dịch bệnh, người dân thì có xu hướng mê tín.
Điều này đặt họ vào trạng thái căng thẳng. Một số người nghĩ mình đang bị Chúa bỏ rơi và phải nhảy múa để tìm lại sự kết nối với thánh thần. Một số người khác đơn giản hơn là tìm thấy niềm vui trong các động tác nhảy. Nhảy khiến họ hưng cảm và quên đi cảm giác đói ở thực tại.
Giống với người dân ở Strasbourg năm 1518, những nữ tu người Pháp cũng chia sẻ rất nhiều điểm chung. Họ bị buộc đi tu từ nhỏ, phải thề giữ gìn trinh tiết cả đời và sống trong sự nghèo khó.
Môi trường hà khắc của tu viện thời Trung Cổ bao gồm chế độ nhịn ăn kéo dài, gần như bỏ đói. Chưa kể những nữ tu này sẽ bị buộc lao động cả ngày, ngủ trong những không gian chật hẹp, mọi vi phạm nhỏ nhất của họ đều bị xử phạt bằng cách đánh đòn.
Robert Bartholomew, một nhà nghiên cứu xã hội học y tế người Mỹ, giải thích việc kêu như mèo là cách mà một nữ tu bộc phát sự phản kháng. Sau đó, hành vi đã lây lan trong tu viện vì nó hội tụ đủ những điều kiện cho rối loạn phân ly tập thể: sự căng thẳng tột độ, phụ nữ, và sự gần gũi của họ trong cùng một không gian sống.
Trở lại với Aidan, cậu bé sống ở thành phố Calgary, Canada. Trong khi mang hình hài của một nam sinh trung học, Aidan thực chất là một người song tính. Cậu bé để tóc dài, thỉnh thoảng mặc váy đến trường và chỉ chơi thân với nhóm bạn nữ.
Sự khác biệt ấy biến Aidan thành thỏi nam châm thu hút những ánh mắt dò xét và kỳ thị. Cậu bé cũng trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt học đường. Có lần Aidan đã bị các bạn cầm cổ chân kéo vào phòng thay đồ nam. Trong lúc giằng co, đầu Aidan đã đập vào đâu đó khiến cậu bé bị nứt hộp sọ.
Những trải nghiệm khủng khiếp ấy biến trường học trở thành môi trường cực kỳ căng thẳng với Aidan. Vì vậy, khi toàn thành phố Calgary phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19, Aidan đã tìm thấy ngôi nhà mình như một nơi trú ẩn an toàn.
Ngoài giờ học trực tuyến, cậu bé tải TikTok để giải trí. Đây cũng là lúc Aidan tìm thấy sự kết nối kỳ lạ của mình với nhóm những người mắc bệnh Tourrette. Đặc biệt hơn nữa, cậu nhận ra một trong những thần tượng của mình, nữ ngôi sao nhạc pop người Mỹ Billie Eilish cũng tiết lộ mình mắc bệnh.
Trong trường hợp TikTok Tic của Aidan, ít nhất hai yếu tố hội tụ để biến cậu trở thành đối tượng phù hợp cho rối loạn phân ly tập thể. Một là xu hướng giới tính, hai là sự căng thẳng. Cơn co giật ngoài bậc cửa của cậu bộc phát chỉ sau một tháng Aidan trở lại trường học.
Trường học trước đây cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lây lan rối loạn phân ly tập thể. Năm 1962, 95 nữ sinh tại một trường nội trú ở Tanzania đã mắc phải dịch cười. Cùng năm đó 21 nữ sinh ở một trường học ở Lousiana đã lên cơn động kinh tập thể, trong khi triệu chứng chỉ ảnh hưởng tới 1 nam sinh cùng lớp.
Tại Việt Nam, rối loạn phân ly tập thể từng ảnh hưởng tới 9 nữ sinh tại Bắc Cạn năm 2017 và 18 học sinh ở Cao Bằng năm 2022. Trong sự kiện năm 2022, tỷ lệ giới tính rất rõ ràng, chỉ có 2 học sinh nam trong khi tới 16 học sinh nữ lây lan các triệu chứng khóc thét, kích động và tấn công người khác.
Không ai thực sự biết tại sao các nữ sinh dễ bị ảnh hưởng bởi phân ly tập thể hơn nam sinh. Một giả thuyết được đưa ra cho rằng phụ nữ dễ đồng cảm hơn nam giới, do đó, họ dễ bị lây nhiễm.
Phụ nữ cũng có tỷ lệ trầm cảm, lo lắng và rối loạn lo âu cao hơn nam giới. Vậy nên, họ dễ bị kích động hơn nam giới. Các nghiên cứu chỉ ra người chuyển giới và song tính như Aidan chia sẻ cùng những đặc điểm tương tự, biến họ trở thành đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi rối loạn phân ly tập thể.
Bây giờ, chỉ còn một yếu tố không thể giải thích: Nếu TikTok Tic là một rối loạn phân ly tập thể, đâu là không gian chung mà những bệnh nhân như Aidan chia sẻ? Câu trả lời, hóa ra, đã nằm trong chính câu hỏi: Không gian chính là TikTok.
Nữ ngôi sao nhạc pop người Mỹ Billie Eilish là một trong số những người nổi tiếng mắc Tourette.
Năm 2021, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Movement Disorders đã khảo sát hơn 3.000 video trên mạng xã hội này do những người tuyên bố mình mắc hội chứng Tourette sản xuất. Họ phát hiện ra tới 19/28 người này báo cáo mình chỉ khởi phát những cú tic sau khi xem video #Tourette từ những nhà sáng tạo nội dung khác.
Điều đó có nghĩa là những nhà sáng tạo nội dung này không thực sự mắc Tourette. Họ đang bị lây nhiễm những cú tic vì rối loạn phân ly tập thể.
"Đó không phải là Tourrette mà là một rối loạn phân ly tập thể thế hệ mới", một nghiên cứu trên tạp chí Brain đưa ra kết luận tương tự. "Chúng tôi muốn báo cáo đợt bùng phát đầu tiên của chứng rối loạn phân ly tập thể mới này. Trái ngược với những đợt bùng phát trước đây, dịch bệnh chỉ lây lan qua mạng xã hội".
***
Việc xác định TikTok Tic không phải là Tourrette, mà là một dạng rối loạn phân ly tập thể có rất nhiều ý nghĩa trong điều trị.
Nếu TikTok Tic là hội chứng Tourrette, việc chữa khỏi nó hoàn toàn là không thể. Aidan đã từng được cho uống thuốc tâm thần, nhưng các loại thuốc này đều có tác dụng phụ. Dường như, chúng còn làm những cơn tic của cậu nặng thêm.
Ngược lại, nếu TikTok Tic là rối loạn phân ly tập thể, nó có thể được điều trị dứt điểm. Quá trình bắt đầu bằng cách tách bệnh nhân và những người có nguy cơ cao ra khỏi môi trường lây nhiễm. Chẳng hạn như với Aidan, cậu bé đã xóa TikTok.
Rachel Hnatowich, bác sĩ tâm lý tại Bệnh viện Nhi Alberta, người đã trực tiếp điều trị cho Aidan nhấn mạnh điều tiếp theo mà bệnh nhân cần ghi nhớ: Đó là họ không mắc Tourrette và các cơn co giật ấy có thể kiểm soát được.
Điều này được thực hiện thông qua các buổi trị liệu tâm lý nhằm giải tỏa căng thẳng, yếu tố tiên quyết cho những cơn tic khởi phát.
Trong trường hợp của Aidan, cậu đã dành từ 8-10 tiếng đồng hồ mỗi tuần để nói chuyện với Hnatowich. Họ đã thảo luận về xu hướng giới tính của cậu và việc cậu bị bắt nạt ở trường học. Aidan nhờ đó đã học được cách xác định và kiểm soát lo lắng tốt hơn. Đã hơn một năm, cậu bé không còn gặp phải bất kỳ cơn co giật hay cú tic nào nữa.
Nhưng không phải bất kể bệnh nhân TikTok Tic nào cũng có được kết quả điều trị khả quan. Chủ yếu bởi họ không thể ngừng suy nghĩ rằng mình đang bị Tourrette. Những video triệu view của những người mắc hội chứng này trên TikTok gieo vào đầu những đứa trẻ rằng, nếu chúng cũng có những cú tic, chúng sẽ được chú ý nhiều hơn.
Do đó, một phần của chương trình điều trị TikTok Tic mà bác sĩ Hnatowich thiết kế liên quan đến các bậc cha mẹ. Họ được khuyến khích lờ đi triệu chứng của con mình. "Đó là quyền cho phép các bậc cha mẹ không phải hồi. Làm như vậy sẽ giúp tước đi ý nghĩa và sức mạnh của căn bệnh", bác sĩ Hnatowich nói.
Tài khoản Thistrippyhippie chia sẻ cơn tic của mình trên tàu, trung bình mỗi ngày, video này đang nhận về khoảng 1 triệu lượt xem.
Mặc dù vậy, có vẻ như người dùng TikTok vẫn chưa thể thể lờ đi những video #Tourretts. Tại thời điểm bài viết này được thực hiện xong, số lượt xem video Thistrippyhippie co giật trên tàu đã tăng từ 27 triệu lên 28,5 triệu.
This.tourettes.guy thì đã đăng lại video làm bánh của anh ấy ít nhất 2 lần. Cùng một nội dung y hệt, chúng kiếm về cho anh thêm 6 triệu và 3 triệu lượt xem.
Ở Việt Nam, dinvitg02 ra video đều đặn. Anh chàng nhúng một link beacons vào phần mô tả trên TikTok của mình. Nó đã đem về công việc kiếm ra tiền đầu tiên, quảng cáo quần áo, giày dép và họa cụ.
So với thời điểm hơn một tháng trước, kho video #Tourretts trên TikTok đã tăng trưởng thêm 300 triệu lượt xem. Không ai có thể lượng hóa được con số này ra những cơn TikTok Tic khởi phát. Cũng không ai khoanh vùng được biên giới mà chúng ảnh hưởng.
Khi ràng buộc về mặt không gian bị xóa bỏ, rối loạn phân ly tập thể không còn bị giới hạn trong một tu viện, một lớp học hay thậm chí một thành phố. Người ta đã tìm thấy những thiếu niên khởi phát TikTok Tic ở quần đảo New Caledonia giữa Thái Bình Dương. Đó là nơi người Pháp từng sử dụng để giam giữ tù nhân thuộc địa. Một trường hợp khác được ghi nhận tại St. Helena, hòn đảo nhỏ bé nằm ở Nam Đại Tây Dương nơi Napoléon bị người Anh đưa tới trong chuyến đi lưu đày cuối cùng.
Tất cả những điều này khẳng định một điều chắc chắn, #Tourretts sẽ đi vào lịch sử. Những video này sẽ đứng chung hàng với dịch bệnh nhảy múa năm 1518 và những nữ tu phát ra tiếng mèo kêu thời Trung Cổ.
Để 500 năm nữa, TikTok Tic sẽ lại được biết đến với tư cách là một chứng rối loạn phân ly tập thể kỳ lạ. Nó là biến thể đầu tiên của căn bệnh lây lan qua môi trường kỹ thuật số, bất chấp những biên giới về mặt địa lý, mà thế hệ chúng ta là những người đầu tiên bị ảnh hưởng.
,Tham khảo Springer, Nytimes, Brain, NCBI, Bigthink, Atlantic, Harvard, Cambridge, BPS, BMJ, Wsj, Theverge
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất