Nhạc sĩ Quốc Trung: Muốn người chơi rock bớt mặc cảm

11/01/2014 18:03 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Từng ám chỉ Giọng hát Việt là một sự dại dột của bản thân, nhưng nhạc sĩ quốc Trung tỏ ra khá hào hứng với RockStorm từ ba năm nay. “dù không phải là một rocker, tôi vẫn muốn người chơi rock hãy bớt mặc cảm…” - anh nói.

Sau 6 đêm diễn, RockStorm mùa 2013 sẽ đến điểm cuối cùng: Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) vào tối nay (11/1). Nhạc sĩ Quốc Trung - Tổng đạo diễn chương trình - có cuộc trò chuyện với TT&VH.

* RockStorm tại Hà Nội sẽ có sự xuất hiện của Bức Tường, Microwave, Ngũ Cung, KOP… và đặc biệt là ban nhạc Thụy Điển Andromeda. BTC sẽ sắp xếp tiết mục biểu diễn thế nào để khán giả không có cảm giác các band của Việt Nam “hát lót”?

- Tôi nghĩ, nếu ai đó cho rằng việc các ban nhạc của chúng ta hát trước nghĩa là “hát lót” thì không đúng tinh thần. Định hướng của RockStorm là trở thành một festival âm nhạc. Sự xuất hiện của Andromeda giúp hâm nóng sự quan tâm của khán giả và người hâm mộ rock. Việc sắp xếp thứ tự là theo phong cách và cũng để giữ chân khán giả suốt gần 5 giờ đồng hồ. Chúng tôi cũng đã cân nhắc việc Andromeda hát sau cùng là điều hợp lý.


* Không phải là rocker mà tham gia dàn dựng, tuyển chọn cho RockStorm qua ba mùa. Bản thân anh có thấy e ngại?

- Không hề có sự e ngại nào. Tôi muốn qua RockStorm, người chơi rock bớt đi mặc cảm và đóng góp cho đời sống âm nhạc sự phong phú bởi thứ âm nhạc mạnh mẽ hơn.

Tôi không phê phán những ca từ sướt mướt, nhưng phải nói, chúng ta cần có những sân chơi nghệ thuật lành mạnh cho giới trẻ. Ca từ của rock rất ít anh/ em/ yêu… mà chủ yếu là các vấn đề xã hội, chúng ta hướng đến một văn hóa rock “văn minh”.

* Hậu Giọng hát Việt, anh có vẻ chán nản vì các chương trình truyền hình thực tế?

- Không hẳn là chán nản. Vì tham gia một chương trình truyền hình thực tế sẽ chiếm thời gian, mà cảm hứng với nó đến vậy cũng đủ rồi. Trong khi năm tới, tôi có nhiều dự án quan trọng hơn, đó là các show biểu diễn. Lần đầu tiên, Festival âm nhạc quốc tế có tên Gió mùa sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 10/2014. Nhiều ban nhạc trong và ngoài nước ở nhiều thể loại âm nhạc khác nhau đã đăng ký tham dự. Chúng tôi hy vọng hoạt động sẽ đóng góp tích cực cho đời sống nhạc Việt.

* Một chút riêng tư, anh hơi ít chia sẻ về “của để dành”. Nhưng năm qua, con trai lọt Top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu, con gái lên đường du học…

- Các cháu còn trẻ, đang đi học và chưa phải là nghệ sĩ. Vì thế, tôi không muốn giới thiệu theo cách đây là con bố Trung, mẹ Lam, vô hình trung tạo nên sức ép cho các cháu. Nghệ sĩ thì phải có sản phẩm. Dù Đăng Quang có thành quả phù hợp lứa tuổi: giải Nhất Concours Piano tại Italy, đang đi Nhật Bản dự Concours Chopin trẻ châu Á. Đấy là niềm vui trên danh nghĩa người làm cha, mẹ chứ việc giới thiệu hay lăng-xê con trên truyền thông chưa đến lúc. Không có cách nào khác, các cháu phải tự tạo dựng cho mình chỗ đứng riêng.

* Với người nổi tiếng, giáo dục con cái có phải là một áp lực ghê gớm?

- Với cha mẹ, không phân biệt cha mẹ nổi tiếng hay không nổi tiếng, tình cảm và trách nhiệm với con cái như nhau. Ai cũng kỳ vọng cả thôi. Nhưng quan điểm của tôi là dành cho con đời sống riêng chứ không gây áp lực hay ép buộc con trở thành một cái gì đó trong xã hội.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hoàng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm