30/08/2022 07:00 GMT+7 | Giải trí
Mong muốn tham gia phát triển kinh tế đêm của các doanh nghiệp phát hành phim là chính đáng và cần thừa nhận. Thế nhưng, việc những rạp phim nên “mở cửa xuyên đêm” hay “điều chỉnh suất chiếu cuối cùng trong ngày” lại là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Mới đây, 4 doanh nghiệp điện ảnh tại Việt Nam gồm CGV, BHD, Galaxy và Lotte đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, xin phép được chiếu phim tại rạp sau 0h.
Kỳ vọng tăng 30% doanh thu
Đại diện CGV Việt Nam - cụm rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam - dẫn chứng, tại nhiều nước trên thế giới như Anh, Thái Lan… hoạt động về đêm không chỉ là sản phẩm du lịch, giải trí hấp dẫn mà còn trở thành nguồn thu chính cho ngành du lịch - văn hóa quốc gia.
Tại Việt Nam, nhu cầu và tiềm năng phát triển các dịch vụ mua sắm, giải trí, văn hóa ban đêm - trong đó có sự đóng góp khá lớn của hệ thống các rạp chiếu phim - là tất yếu, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh…
“Thị trường phim chiếu rạp là một trong những thị trường quan trọng, đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của ngành điện ảnh trên toàn quốc và góp phần thực hiện chủ trương xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế” - đại diện CGV Việt Nam cho biết.
Cũng đại diện của doanh nghiệp này khẳng định: “Rạp chiếu phim là loại hình kinh doanh đặc thù, với những yêu cầu rất chặt chẽ về thiết kế, cách âm, an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định khác của pháp luật. Do đó suất chiếu muộn của hệ thống rạp chiếu hoàn toàn đảm bảo an ninh an toàn, trật tự đô thị, đảm bảo cách biệt không gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân” .
“Hiện tại, việc suất chiếu cuối cùng kết thúc trước 24h đang làm hạn chế trải nghiệm điện ảnh của khán giả chỉ có thể thu xếp được thời gian xem phim đêm. Do vậy, kiến nghị chiếu phim sau 0h xuất phát từ nhu cầu thực tế của khán giả xem phim rạp. Một bộ phận khách hàng chỉ có thể thưởng thức nghệ thuật giải trí phim sau một ngày làm việc học tập nếu các suất chiếu phim đáp ứng được nhu cầu” - chị Đào Phương Thảo, phụ trách sales & marketing của Galaxy, chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) - “Ngoài ra, Chính phủ cũng có định hướng phát triển nền kinh tế đêm, và xem phim là một hoạt động văn hóa lành mạnh góp phần vào định hướng chiến lược này”.
“Theo thống kê hiện tại, 10 - 15% doanh thu rạp chiếu do khách hàng mang lại là sau 22h. Với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tỷ lệ này còn cao hơn. Khi rạp được cấp phép hoạt động đêm, chúng tôi kỳ vọng tỷ trọng này có thể tăng 20 - 30%” - chị Đào Phương Thảo cho biết thêm.
Từ thực tế hoạt động đó, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện ảnh gửi đề nghị xin Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL và Cục Điện ảnh xem xét về việc cho phép các rạp chiếu phim hoạt động sau 24h như một trong những ngành chủ đạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, góp phần tạo thu nhập, công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước.
Ủng hộ nhưng cần… cân nhắc
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh,cho biết: Cơ quan quản lý này đã có văn bản tham mưu cho lãnh đạo Bộ VH,TT&DL về kiến nghị cho phép các rạp chiếu phim được tham gia vào phát triển kinh tế đêm. Theo đó, để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, dịch vụ văn hóa giải trí, nên ủng hộ việc điều chỉnh khung giờ chiếu phim buổi tối.
Theo ông Vi Kiến Thành, hiện nay quy định suất chiếu cuối cùng trong ngày kết thúc lúc 24h đêm. Hiện tại, có thể điều chỉnh bắt đầu suất chiếu cuối cùng từ 24h đêm. Như vậy, suất chiếu này sẽ kết thúc theo thời lượng của bộ phim, tức là vào rạng sáng ngày hôm sau.
Cục Điện ảnh cho rằng vấn đề thay đổi khung giờ suất chiếu phim cuối cùng trong ngày có thể được ủng hộ tại các thành phố phát triển kinh tế ban đêm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... nhưng chưa thể đồng loạt thay đổi khung giờ ở tất cả 63 tỉnh. Hơn nữa, để kiến nghị này có thể đi vào đời sống, các nhà quản lý phải quan tâm tới các quy định ở các văn bản luật khác, cụ thể là Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, với quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi chiếu phim ngoài khoảng thời gian từ 8h đến 24h hàng ngày.
Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho biết, Chính phủ có thẩm quyền quyết định việc có điều chỉnh giờ chiếu phim hay không. “Chính phủ cần có thời gian cân nhắc, nghe ý kiến các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công an vì liên quan tới công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội” - ông Vi Kiến Thành cho hay.
Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia, nhận định: Để phát triển kinh tế xã hội thì đề xuất, mong muốn của các doanh nghiệp phát hành phim là chính đáng. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ nhiều băn khoăn: “Căn cứ vào tình hình thực tế phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và những vấn đề liên quan tới thói quen, sức khỏe của mọi người, trong thời điểm hiện nay và một vài năm tới, chiếu phim “xuyên đêm” thì chưa phù hợp lắm vì còn ảnh hưởng tới trật tự xã hội, an ninh và những hoạt động khác.
“Trước 24h các đơn vị phổ biến phim, các rạp có thể sắp xếp các suất chiếu làm sao để phim kết thúc khoảng 2h sáng là hợp lý. Có thể có nhu cầu của người này người kia nhưng nếu mở xuyên đêm thì còn liên quan, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác. Phát triển phải đi kèm với việc ổn định trật tự an ninh và vấn đề sức khỏe - khimà thói quen của người Việt Nam chưa thể thay đổi ngay lập tức” - ông Dương cho biết thêm.
Như phân tích của ông Nguyễn Danh Dương, suy cho cùng, các hoạt động giải trí đều hướng tới việc giúp mọi người thư giãn, thoải mái, đem lại niềm vui. Và trên thực tế, sau 2h sáng, mọi người cũng đều đã mệt, nên việc xem phim sau mốc thời gian này là chưa phù hợp với yêu cầu học tập, làm việc trong ngày hôm sau.
Quy định phạt 5 - 10 triệu đồng nếu chiếu phim sau 24h Trong Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Khoản 1, Điều 8 quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi chiếu phim ngoài khoảng thời gian từ 8h đến 24h hàng ngày. Còn theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ VH,TT&DL), việc sửa Nghị định 38 không chỉ là kiến nghị, góp ý cụ thể của một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Hiện nay một số pháp luật chuyên ngành liên quan đang có sự điều chỉnh, trong đó có Luật Điện ảnh, đã được Quốc hội thông qua. Thực tế, việc rà soát, sửa đổi Nghị định 38 đang được thực hiện trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, địa phương có liên quan. |
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất