26/08/2013 11:06 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Câu thơ “Áo mũ ngàn xưa thành ra cát bụi” của danh sĩ nhà Lê - Bùi Dương Lịch (1757-1828) là nguồn gốc tên cuốn nghiên cứu Ngàn năm áo mũ, còn bản sao bức tranh cổ vẽ Trần Nhân Tông được nhắc đến trong sách từng bán được giá 1,4 triệu USD ở Trung Quốc.
Bản in bức Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ từ bản gốc bên Trung Quốc, có tỷ lệ 1:1, vừa được Trần Quang Đức, tác giả cuốn Ngàn năm áo mũ, trưng bày trong triển lãm hiện vật cuốn sách ở Manzi Art Space, Hà Nội từ hôm 23/8. Theo tác giả, đây là lần đầu bản in 1:1 với màu gốc của bức tranh xuất hiện tại Việt Nam.
“Quốc bảo Trung Hoa” vẽ người Việt
Theo một số ghi chép, Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ được vẽ vào cuối thế kỷ 14 (khoảng năm 1363), vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi tu hành đắc đạo từ động Vũ Lâm trở về, được con là vua Trần Anh Tông ra nghênh đón. Tranh có tổng cộng 82 nhân vật, thể hiện sống động trang phục và tập quán người Việt thời Trần: để tóc ngắn, đi đất, voi chở kinh, ngồi võng, tư tưởng Tam giáo…
Hiện bức tranh được lưu giữ ở bảo tàng Liêu Ninh, Trung Quốc, được coi là “quốc bảo Trung Hoa”. Tháng 4/2012, có thông tin bản sao cao cấp của bức tranh được bán đấu giá ở Trung Quốc, được mua với giá 1,8 triệu USD (có tin khác là 1,4 triệu USD).
Trên: Bức Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ; Dưới: Hai chi tiết quan trọng trong tranh: Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi võng xuống núi (trái) và người con - vua Trần Anh Tông - cùng các quan nghênh đón |
Là “cát bụi”, triệu USD hay vô giá…
Câu chuyện 1,8 triệu USD năm ngoái từng khá ồn ào. Mặc dù vậy, tác giả Trần Quang Đức nói với TT&VH: “Tôi nghĩ con số này có phần ngoa ngôn. Tôi không đánh giá cao việc mua bức tranh với giá trị tiền mặt lớn. Với tôi, nghiên cứu và hiểu ra những giá trị lịch sử của tranh quý giá hơn nhiều, và chỉ cần có bản in chất lượng trong tay là đủ. Nếu không hiểu thì sở hữu bản gốc cũng không có ý nghĩa gì cả”.
Còn họa sĩ Trịnh Bách, người sưu tập và phục chế trang phục cổ, bình luận về việc này: “Nghe nói người mua là người Trung Quốc. Chuyện này khá buồn cười vì tôi không nghĩ lại có người mua tranh bản sao với giá cao như vậy. Tôi nghe tin người Trung Quốc từng đấu giá một chiếc bình cổ thời Càn Long giá hơn 50 triệu USD.
Người Trung Quốc coi trọng chủ yếu vì đó là đồ cổ, còn thực ra bức tranh có ý nghĩa với người Việt Nam hơn. Tranh mô tả hình dạng, trang phục của người Việt thời đó, tôi nghĩ là người Việt ai nhìn thấy cũng cảm động”.
Họa sĩ Trịnh Bách cho rằng, khó có khả năng Việt Nam mua lại bản gốc bức Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ, vì người Việt hiểu giá trị của nó thì không đủ tiền, còn các đại gia thừa tiền nhưng có lẽ không hứng thú lắm.
Câu thơ từ thời Tây Sơn Áo mũ ngàn xưa thành ra cát bụi nói lên sự thay đổi về lịch sử, qua từng thời đại và từng lần cải cách thì bị triệt tiêu và biến mất, cũng là nguồn gốc tên cuốn sách Ngàn năm áo mũ. Chính vì sự triệt tiêu đó, việc lưu giữ hình ảnh áo mũ qua tranh vẽ, lại là tranh bác học như Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ, thực sự quý giá, có lẽ còn đáng giá hơn cả triệu USD, thậm chí là “vô giá”.
Ngoài ra, trong triển lãm tại Manzi Art Space, lần đầu tiên 2 bộ trang phục gốc thời Trịnh (áo mùa Đông của chúa Trịnh) và Nguyễn (triều phục của quan) được trưng bày. Đó là những bộ đồ có niên đại khoảng 100 và 200 năm, được bảo quản rất tốt.
Sau buổi khai mạc tối 23/8, hai bộ đồ gốc được cất đi và thay bằng những bản sao phục chế. Triển lãm mở đến ngày 10/9.
Tác giả bức tranh là người Việt Nam hay Trung Quốc? Dòng chữ cuối tranh ký tên họa sĩ Trần Giám Như (Trung Quốc) vẽ vào năm 1363. Nhưng theo nhiều sử liệu mà tác giả Trần Quang Đức dẫn trong sách Ngàn năm áo mũ (trang 128-132) và cả giám định của bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc), tranh không phải của Trần Giám Như mà rất có thể là của một họa sĩ Việt Nam. Hiện chưa đủ sử liệu để kết luận rõ hơn. |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất