Quảng Trị, một chuyến đi

27/04/2017 11:43 GMT+7 | Điểm đến

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Quảng Trị, nơi được coi là có nhiều nghĩa trang liệt sỹ nhất Việt Nam. Nhưng có lẽ chỉ cần đến nghĩa trang Trường Sơn, lớn nhất nước, là đủ hình dung về một Quảng Trị của mưa bom bão đạn thuở nào.


Mộ phần của các liệt sỹ được quy tập theo tỉnh thành và chia làm nhiều khu trên một không gian rộng mênh mông. Chỉ cần đi vài khu thôi với bạt ngàn bia mộ là đủ thấy đất này hứng chịu tổn thất lớn cỡ nào...

Quảng Trị có thể mô tả là mảnh đất của lịch sử chiến tranh, đau thương, mất mát có, anh hùng, tự hào có. Lịch sử đặc biệt vào loại bậc nhất của Việt Nam ấy lẽ ra phải được gìn giữ và nhanh chóng giới thiệu tới công chúng, du khách trong nước và nước ngoài một cách đẩy đủ, chi tiết từ lâu nhưng đến tận lúc này khi chiến tranh đã đi qua hơn 4 thập kỷ, du lịch Quảng Trị vẫn bay...là là mặt đất do quá thiếu đầu tư.

Sân bay Tà Cơn thuộc căn cứ Khe Sanh thì mãi vài năm gần đây mới tạm hòm hòm việc hoàn thành phục dựng các hạng mục tái hiện lịch sử khốc liệt của một thời để giới thiệu với du khách. Nói chuyện với cậu em làm HDV ở đây, cậu ấy bảo mỗi năm bọn em được giải ngân 2 tỷ mà con số ấy như muối bỏ bể anh ơi. Các hạng mục ở đây được phục dựng theo kiểu nhỏ giọt. Cứ mỗi năm làm một tí.


Thành cổ Quảng Trị mà các bạn vẫn nghe trong bài “Cỏ non thành cổ” của NS Trần Tiến thì cũng tương tự, có bảo tàng tái hiện dấu tích chiến tranh 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ khá sinh động, đầy đủ nhưng bên ngoài thì các hạng mục vẫn chưa hoàn tất. Một lần nữa vấn đề là tiền. Lên nhà tù Lao Bảo mọi chuyện còn tệ hơn nhiều.

Văn phòng đón tiếp nhìn rất khang trang nhưng em tiếp tân than thở: “Đây là nhờ vốn xã hội hóa nên bọn em mới nhanh có văn phòng này đấy anh ơi. Còn các hạng mục di tích ở đây chán lắm. Gần như chưa có gì”. Tôi vào xem thì đúng thế thật. Mang tiếng là nhà tù mà nhìn nó mới hơi hơi giống nhà tù với những phòng giam được phục dựng mô hình còn rất sơ sài.

Phần lớn các hạng mục vẫn đang nằm trên...giấy và chỉ được hoàn thành theo kiểu nhỏ giọt kiểu mỗi năm làm 1-2 hạng mục. Cứ làm dần cho đến khi nào xong thì thôi. Hơn 40 năm hậu chiến rồi mà đến giờ lịch sử vẫn còn được tái hiện một cách “bình tĩnh” thế này thì giới thiệu với ai đây? Nếu bạn nào đã vào nhà tù Phú Quốc, chuồng cọp Côn Đảo, nhà tù Hỏa Lò hay nhà tù Sơn La...thì thấy khác hẳn nhau luôn. Cùng là lịch sử chiến tranh nhưng mức độ quan tâm và rót vốn đầu tư rất khác nhau.


Khách lên Lao Bảo nếu không qua cửa khẩu sang Lào chơi thì thú vị nhất chắc chắn là ghé vào nhậu ở quán thịt trâu ngon số 1 của Quảng Trị. Nhiều người hẳn từng nghe nói đến món thịt trâu lá trơng như là đặc sản nổi tiếng ở đây. Nhưng lá trơng là lá mọc hoang trên rừng, khó kiếm nên người ta đã chuyển sang dùng lá lốt. Ở Đông Hà có vài quán thịt trâu nhưng toàn là trâu “lão thành cách mạng”. Phải lên gần cửa khẩu thì bạn mới được ăn thịt trâu “xịn”.

Quán này nổi tiếng đến mức nó cách cửa khẩu hơn 1km nhưng hỏi ai ở cửa khẩu họ cũng biết tên và nói vanh vách là quán Thương Vườn. Dân Đông Hà tôi hỏi thì đa số mù tịt vì Lao Bảo cách Đông Hà hơn 80km. Quán nằm khuất nẻo nhưng vẫn cực đông khách.

Từ Đông Hà đi lên khi cách cửa khẩu khoảng 1km, nhìn thấy hồ nước thì rẽ trái, đi thẳng qua một ngã 3, bao giờ nhìn bên tay phải thấy con đường đất đỏ thì rẽ vào và đi thẳng khoảng 200m thì quán nằm bên trái. Quán này có từ 2005, chỉ chuyên thịt trâu gồm 5 món là canh (xáo), nướng, lòng, xào, hấp. Lòng thì 80k/đĩa, các món còn lại đồng giá 120k/đĩa.

Quán rộng rãi, có 2 khu phân cách bởi một cái ao nhỏ có đặt các chậu cây cảnh nhìn cũng OK. Đường vào quán thì nhỏ, xấu nhưng sân trong quán thì rộng rãi, ô tô đỗ thoải mái. Bà chủ bảo lấy trâu non từ Lào, mỗi ngày mua một con tầm 60-70kg (khoảng 1 năm tuổi), ngày nào mua ngày ấy và không quên khoe với tôi là ca sỹ Mai Hoa (vợ NS Trọng Đài), MC Thái Tuấn, danh hài Tự Long... đều từng ghé quán thưởng thức món thịt trâu ở đây.



Ngoài du lịch tâm linh (nghĩa trang đường 9, nghĩa trang Trường Sơn, thánh địa La Vang (tương truyền đức mẹ hiển linh bên gốc cây cổ thụ ở núi rừng xứ La Vang cách nay hơn 200 năm ban phước lành cho chúng sinh trong cơn túng quẫn, đói khát, ốm đau không có tiền chữa trị và được dân chúng (không phân biệt tôn giáo) vô cùng ngưỡng vọng, tôn thờ), di tích lịch sử (thành cổ, sân bay Tà Cơn, Làng Vây, dốc miếu, địa đạo Vịnh Mốc...) thì Quảng Trị cũng có nhiều biển đẹp nhưng cũng chung tình trang cực thiếu đầu tư.

Cửa Tùng thì nhiều đoạn nước gần bờ không sạch, cát vàng, dịch vụ ăn uống tràn lan sát biển nhìn mất mỹ quan. Cửa Việt thì tôi đếm sơ sơ có cỡ 40 quán nhậu hải sản san sát nhau như những kiosk nhưng còn cách biển quãng tương đối xa. Ăn thì quá sẵn nhưng nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ cứu hộ biển, các dịch vụ du lịch khác thì quá ít.

Dù vậy, phải nói Cửa Việt sạch và đẹp hơn Cửa Tùng. Cát trắng, rất ít rác, nước trong xanh, gần bờ vẫn sạch. Mỹ Thủy, Gio Hải, Vĩnh Thái, Gia Đẳng cũng hoang sơ như Cửa Việt, cũng đẹp và cũng...thiếu tiện nghi như thế. Chỉ có quán nhậu hải sản là luôn không thiếu. Dấu hiệu cho thấy những biển này mới chỉ dừng ở mức chủ yếu phục vụ dân từ Đông Hà và các khu vực lân cận đến tắm và ăn nhậu sau đó về lại thành phố chứ không lưu trú quá đêm.



Quảng Trị là mảnh đất sinh ra cố TBT Lê Duẩn nên ở Đông Hà có công viên Lê Duẩn hoành tráng. Đường Lê Duẩn cũng là một trong những đường trung tâm ở Đông Hà và các bạn có thể chọn ở trên đường này, đoạn sát với khách sạn Mường Thanh Quảng Trị là rất OK. Gần đó có nhà hàng Tân Châu nổi tiếng ở Đông Hà, có 3 cơ sở, cái đầu mở đã 27 năm, ăn chọn món, rẻ nhất là 100k/suất, cũng có thể coi là ngon.

Muốn bình dân hơn mà vẫn ngon thì bạn qua “Cơm âm phủ” ở Phan Chu Trinh. Quán này là “con” của quán cơm âm phủ nổi tiếng ở Huế. Ở Đông Hà thì mới mở được hơn 20 năm còn ở Huế thì có cỡ 7-8 thập niên rồi. Sạch sẽ, 40k/suất là ăn rất OK cả chất lẫn lượng. Sở dĩ gọi là cơm âm phủ vì lúc đầu quán mở vào ban đêm trên một khu đất có nhiều mồ mả và mở từ thời Pháp thuộc. Được chính lính Pháp thời đó đặt cho cái tên này.

Muốn uống cafe thì qua Đào Duy Từ, phố cafe của Đông Hà, giống kiểu Triệu Việt Vương của Hà Nội. Riêng tụ điểm ca nhạc, vũ trường thì Đông Hà không có vì có mở ra chắc chắn sập tiệm luôn và ngay do dân tình chưa đủ điều kiện để ăn chơi. Nhạc nhẽo mà mời ca sỹ từ Huế hay Đà Nẵng ra thì chắc chắn lỗ vốn vì tiền bán vé không đủ trả cát-xê cho ca sỹ.

Một vài huyện của Quảng Trị trong đó chủ yếu ở Hướng Hóa tập trung người Vân Kiều sinh sống. Họ ở trong nhà sàn với gầm cao (khác với nhà sàn của người Mường ở ngoài Bắc gầm thấp). Người Vân Kiều tùy điều kiện mà nuôi từ 2 đến 4 con vật cùng lúc để sinh tồn là heo, bò, dê, gà.

Từ trẻ con đến người lớn cơ bản là cũng đã đều “kinh hóa” hết. Họ ăn mặc như người kinh, ăn tết như người kinh, nói tiếng kinh, có bản thì nói khá sõi, bản thì vẫn còn ở dạng “ú ớ”. Có bản trẻ con Vân Kiều cũng đã được học tiếng Anh, có bản thì chưa. Cơ bản thì vẫn nghèo nhưng cũng không đến mức như người H’mong ở ngoài Bắc này.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm