Quang "Tèo" không dám nhận là danh hài

29/08/2011 08:13 GMT+7 | Văn hoá

Mộc mạc, thuần phác như chính những vai diễn của mình, Quang "Tèo" dễ chiếm thiện cảm của người đối diện. Suốt cuộc nói chuyện, chàng diễn viên miền Bắc khoe nụ cười "như đười ươi" làm không khí quán cafe không cần mở đĩa hài cũng trở nên rộn rã.



Nghệ sĩ Bình Trọng chỉ đạo diễn xuất cho Quang 'Tèo' khi quay đĩa hài.

- Lâu nay, không còn gặp cặp bạn diễn ăn ý Quang "Tèo" - Giang "Còi". Tại sao hai anh không tiếp tục chung đường với nhau?

- Trước đây, khán giả biết đến nhóm hài Giang "Còi" - Quang "Tèo" trong series Gặp nhau cuối tuần. Đây là công lớn của anh Khải Hưng - khi ấy đang là Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài truyền hình Việt Nam. Anh ấy giống như nhịp cầu nối những bờ vui, xây dựng Giang "Còi" - Quang "Tèo" thành một nhóm hài chuyên mảng nông dân với việc chăn vịt, nuôi lợn, gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Trong những tiểu phẩm đã đóng, tôi và Giang "Còi" luôn tranh cãi nhau y như Tom và Jenny, nhưng người xem vẫn rất yêu quý vì nó đúng bản chất của người nông dân: mộc mạc, chân thành, không có sự thâm độc, hiểm ác.

Khi Gặp nhau cuối tuần kết thúc, Giang "Còi" cũng nghỉ nghề diễn. Anh ấy học đạo diễn, mở công ty quảng cáo. Còn tôi xác định cả cuộc đời mình chỉ làm nghệ sĩ chứ không làm được việc gì khác. Khi Giang "Còi" ngưng lại, tôi phải tìm hướng riêng cho mình, tham gia những đĩa hài. Tết vừa rồi, tôi và Trung Hiếu đóng chung Đại gia chân đất. Trung Hiếu vốn là diễn viên chính kịch, khi chuyển sang đóng hài không ngờ rất "ngọt". Những người in đĩa lậu tiết lộ, Đại gia chân đất bán chạy nhất trong các đĩa hài.

- Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vì sao lại chọn nông dân làm hình ảnh cho mình?

- Tôi sinh ra ở làng cốm Vòng, Dịch Vọng, Từ Liêm - ngày xưa là ngoại thành nên vẫn quê. Bố mẹ tôi làm nông nghiệp, hồi bé tôi cũng chăn trâu cắt cỏ. Quần tôi thường mặc lên sân khấu chính là quần của bố mặc ngày xưa khi ông đi làm đồng. Bố tôi đã mất - tôi coi đó là gia tài ông để lại. Khi diễn, tôi luôn có cảm giác bố đang phù hộ cho mình để khắc họa hình ảnh người nông dân đẹp hơn, thật hơn.

Trong quá trình học ở trường nghệ thuật, chúng tôi đã hình thành tính cách. Có những bạn 18-20 tuổi nhưng không đóng vai trẻ được, chỉ hợp những vai già. Có những người chỉ đóng được vai ác và có những người chỉ hợp làm nông dân như tôi. Bác Trịnh Thịnh cũng gốc Hà Nội nhưng ông chuyên hai dạng vai: hoặc là nông dân - hoặc là địa chủ. Trong những chương trình quảng cáo hay Chắp cánh thương hiệu, tôi cũng được làm giám đốc, nhưng tự tôi cũng thấy, diễn những vai ấy không thuận. Có lẽ gương mặt, nụ cười của mình vốn mộc mạc quen rồi.



Hình ảnh Quang 'Tèo' trong vai nông dân đã gần gũi với khán giả cả nước. Đĩa hài mới nhất anh góp mặt là "Người bệnh, con bệnh" vừa được phát hành.

- Bây giờ anh mặc đồ là lượt, đi xe hơi. Khi vào một nhà hàng sang trọng, người ta vẫn réo tên Quang "Tèo" - anh cảm thấy thế nào?

- Dường như không có biệt danh nào hợp với nụ cười của tôi hơn cái tên "Tèo". Có người gặp tôi bảo: “Tôi xem anh diễn ở Sài Gòn 7-8 năm về trước, khi thấy anh cười tôi nhận ra ngay Quang "Tèo". Tôi ấn tượng nụ cười của anh vì nó rất hay, khó diễn tả, chỉ cần nhìn là người ta muốn cho thóc, cho gạo. Cái nụ cười như đười ươi”. (Quang "Tèo" cười vang).

Nguồn gốc cái tên "Tèo" bắt đầu từ ngày học ở trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tôi đóng vai thằng Tèo bị khèo, dựa vào bệnh tật để đi buôn lậu. Khi ấy, mọi người quá ấn tượng với vai diễn nên gọi luôn tôi là Quang "Tèo". Nó trở thành nghệ danh gắn bó với tôi đến tận bây giờ. Kể cả lúc mình ăn mặc sang trọng nhất, người ta vẫn lôi cái tên Quang "Tèo" ra gọi - đó cũng là niềm hạnh phúc của tôi.

- Trong khi nhiều diễn viên chính kịch kêu cát-xê không đủ sống thì người làm hài như anh có vẻ khá tươm tất. Mác “danh hài” mang lại cho anh những gì?

- Tôi không dám tự nhận mình là danh hài, chỉ dám nhận mình là diễn viên thiên về mảng hài. Dùng từ “danh hài” tôi thấy to tát quá. Chẳng nhẽ những người làm chính kịch lại gọi là “danh chính kịch” hay “danh bi kịch”? Lớp đàn em ra trường, nhiều người mới đóng được 1-2 vai diễn ấn tượng đã vỗ ngực xưng mình là danh hài, nghe thật không thuận tai chút nào. Trường hợp Vượng "Râu" theo tôi là sự thiếu khiêm tốn.

Hiệu quả của diễn viên đo bằng sự hài lòng của khán giả. Chính họ là người nuôi sống chúng tôi. Tôi tự hào rằng, tôi là diễn viên duy nhất trong tổng cộng gần 100 người của Nhà hát kịch nói Quân đội sống được với nghề, không phải làm nghề tay trái. Một gia đình có hai vợ chồng cùng đi làm thì đỡ vất vả. Còn gia đình tôi, vợ sinh đôi hai đứa vào năm 2003 nên phải nghỉ ở nhà trông con. Tôi vẫn đùa với các con: bố chính là con trâu đi cày. Người ta ví von: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” còn nhà tôi “Một con ngựa đau, cả tàu không có cỏ”.



Những khi Quang "Tèo" đóng bộ cánh sang trọng, đi ôtô, nhiều người lại thấy lạ lẫm.

- Vợ anh ở nhà nuôi con trong khi những vai diễn của anh, như trong "Đại gia chân đất", có cảnh khá tế nhị với các cô gái gợi cảm. Có khi nào vợ anh thấy bất an?

- Tôi chứng kiến nhiều người phụ nữ rất ích kỷ. Khi chúng tôi quay Người bệnh, con bệnh, vợ một diễn viên hài cũng có tiếng cứ đứng bên cạnh soi mói, sợ chồng thế này thế khác. Tôi cho rằng cô ấy không hiểu nghề bởi khi ở trường quay, có mặt rất đông người, không bao giờ có chuyện khuất tất được. Nếu có ôm nhau cũng chỉ là công việc và phải ôm thật để khán giả không thấy mình đang giả vờ nhưng cảm xúc thì hoàn toàn không có. May cho tôi, vợ rất hiền lành, chu đáo, ở nhà lo lắng công việc gia đình để chồng yên tâm làm nghề. Hơn nữa, nếu ghen thì tôi là người nên ghen, vì tôi là diễn viên bên quân đội - thiệt thòi hơn diễn viên ở ngoài rất nhiều. Có những khi phải đi diễn ở các tỉnh biên giới đến mấy tháng trời, vợ ở nhà có gửi con để đi chơi mình cũng không quản được.

- Sức ép từ việc kiếm tiền nuôi vợ con tác động lên anh như thế nào?

- Khi chết, mộ ai cũng gọi là cái mả, chứ chẳng ai gọi là “ông mả” nên khi sống cần hết lòng vì nhau. Với vợ con mình, mình còn không tốt thì tốt được với ai? Tôi lại là diễn viên hài, trên sân khấu, mình vui vẻ, hài hước, về nhà cũng phóng khoáng, không khắt khe được. Thực ra vợ tôi ở nhà nhưng cũng vất vả lắm, sáng cho con cái ăn uống, đưa chúng tới trường rồi về chợ búa, cơm nước, chiều lại tất bật đón con, cho chúng tắm rửa, học bài... Nếu cô ấy cũng đi làm, giao tất cả cho người giúp việc, tôi không yên tâm. Đôi khi sợ cô ấy ở nhà buồn, tôi trêu: "Em quá hạnh phúc vì được ngày ngày ở nhà ngắm nhìn con cái - 'cá chuối đắm đuối vì con' mà". Ngay xưa tôi hay giúp cô ấy chuyện cơm nước, bây giờ nếu có ngày nghỉ ở nhà, cô ấy cũng không muốn tôi làm - phần vì thương tôi vất vả, phần vì sợ đàn ông chân tay vụng về nấu nướng không ngon.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm