Quang Hải trở về và sự bất lực của Hoàng Đức

09/06/2023 05:17 GMT+7 | Bóng đá Việt

Sau khi tiếng còi trọng tài kết thúc trận đấu giữa Khánh Hòa và Viettel trong khuôn khổ vòng 11 V-League 2023 cất lên, ống kính truyền hình cho thấy gương mặt tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức có vẻ như muốn khóc. Đó là trận đấu mà Hoàng Đức vẫn chơi rất tốt trong vai trò tổ chức, nhưng tập thể mà anh đang chơi bóng dường như không có cùng đẳng cấp.

1. Sau chức vô địch năm 2020, Viettel dường như không còn ý định đua tranh thành tích nữa. Dù quân số của họ ở đội tuyển quốc gia vẫn ngang với Hà Nội FC, nhưng chất lượng thì có lẽ chỉ một mình Hoàng Đức là ngang bằng. Phong độ cũng như cách chơi bóng của Viettel trong 3 mùa giải gần đây không thể hiện được những phẩm chất của một cựu vô địch. Nói thẳng ra, họ đang trên đường trở thành một đội bóng tầm trung, y hệt như giai đoạn trước khi Thể Công giải thể đội bóng và chuyển giao cho Thanh Hóa hồi 2009.

Chúng ta không biết liệu Viettel có kết cục giống như đội bóng được xem là "tiền thân" của họ hay không, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định là Viettel đang làm bóng đá không còn nặng tính tranh đua như lúc mới thăng hạng. Họ sử dụng HLV trẻ, cầu thủ trẻ, ngoại binh cũng làng nhàng. Về thực lực, Viettel vẫn là một đội bóng mạnh nhờ chiều sâu ở khâu đào tạo. Nhưng có cảm giác họ đang là một phiên bản khác  của HAGL. Đá cho vui, đá để trụ hạng là được.

Có thể hiểu được cảm giác của Hoàng Đức sau trận đấu với Khánh Hòa. Không thắng nổi đội bóng tân binh, Viettel dậm chân ở vị trí thứ 5 với 15 điểm. Cho dù trong 2 vòng đấu cuối giai đoạn 1, họ chỉ gặp Bình Dương và TP.HCM đều thuộc nhóm cuối bảng nhưng với cách chơi bế tắc trước Khánh Hòa thì khả năng thắng 2 trận cuối để vào tốp 6 tranh đua vô địch tại giai đoạn 2 là không dễ. Cho đến thời điểm này, Viettel chỉ mới ghi 11 bàn thắng sau 11 vòng đấu, họ hòa đến 6 trận và chỉ thắng được 3. Đây không phải là thông số của một đội bóng mạnh, từng là vô địch quốc gia cách đây mới 3 năm.

Trong một đội bóng như vậy, thì một ngôi sao như Hoàng Đức phát triển được gì? Trong 11 bàn của Viettel, thì một mình Hoàng Đức góp dấu giày trong 6 bàn thắng với 2 pha lập công và 4 đường kiến tạo. Từ một tập thể mạnh cả nội lẫn ngoại binh, giờ đây trở thành "đội bóng 1 người". Nói như vậy để thấy tầm quan trọng và giá trị của Nguyễn Hoàng Đức, nhưng ở chiều ngược lại, là một dấu hỏi lớn cho tương lai sự nghiệp của tiền vệ được xem là xuất sắc nhất, quan trọng nhất của đội tuyển Việt Nam thời điểm hiện tại.

2. Chừng 2 năm gần đây, không thấy ai nói về việc Hoàng Đức xuất ngoại nữa. Những thông tin không chính thức cho rằng, đi hay ở là do đơn vị chủ quản quyết định. Vì vậy mà người ta nghĩ đến câu chuyện của lứa U19 của HAGL cũng như những thứ dở dang trong sự nghiệp chuyên môn của họ. Nếu như vậy thì thật đáng tiếc, vì Hoàng Đức không đáng phải đi vào vết xe đổ ấy.

Câu chuyện thể thao: Quang Hải trở về và sự bất lực của Hoàng Đức - Ảnh 1.

Dường như CLB Viettel lúc này không còn là môi trường phù hợp với khả năng của Hoàng Đức. Ảnh: Hoàng Linh

Thế nhưng như những gì đang diễn ra, có vẻ như sự nghiệp của Hoàng Đức sẽ phải chậm lại ít nhất là thêm 1 mùa giải nữa và khả năng tiến bộ là không nhiều. Tập thể Viettel hiện nay không phải là nơi giúp cho Đức thăng hoa, ngược lại, có thể tần suất chấn thương còn sẽ nhiều hơn với tiền vệ Hải Dương này khi mà anh phải gánh vác nhiều nhiệm vụ hơn, thay vì chỉ cần phát huy trình độ kiến tạo nếu được chơi trong một đội bóng có nhiều cầu thủ cùng năng lực.

Cho đến lúc này, với nhiều chuyên gia, thì Hoàng Đức là người có triển vọng thành công nhất khi xuất ngoại. Anh có lợi thế thể hình, vị trí chơi bóng và chiếc chân trái rất ngoan. Hoàng Đức chơi trung tâm, lệch biên hay nhô cao đều được. Cảm giác ghi bàn của tiền vệ này cũng rất đáng kể. Nhìn chung, đó là một mẫu tiền vệ hiện đại, có khả năng thích ứng với nhiều sơ đồ chiến thuật và đó chính là cơ sở để cơ hội thành công khi ra nước ngoài chơi bóng cũng nhiều hơn những người khác. Chưa kể, Hoàng Đức còn một lợi thế, đó là có nhiều bài học của các đàn anh đi trước để đưa ra chọn lựa phù hợp về điểm đến khi xuất ngoại.

Nhưng vấn đề là Hoàng Đức có thể tự do ra đi không? Và bao giờ?

3. Việc Quang Hải phải rời Pau FC chỉ sau đúng một mùa giải thất bại nặng nề và có khả năng sẽ về V-League đá cho CAHN lại càng khiến cho câu chuyện Hoàng Đức xuất ngoại trở nên đáng bàn hơn. Không thể vì việc Quang Hải trở về mà bóng đá Việt Nam từ bỏ ý tưởng đưa các tài năng ra nước ngoài thi đấu. Chuyện gì ra chuyện đó, việc càng có nhiều cầu thủ xuất ngoại càng tốt, càng cần được khuyến khích.

Hãy lấy chính hoàn cảnh của Hoàng Đức và Quang Hải để phân tích. Đội bóng mà Quang Hải chọn khi trở về chỉ là một tân binh mới thăng hạng. Tại sao lại như vậy? Đơn giản vì đội bóng đá có tham vọng vô địch và có nhiều tài năng. Đây chính là vấn đề của các cầu thủ giỏi. Họ cần được chơi bóng ở một đội bóng sở hữu những yếu tố ấy. Hoặc là có đẳng cấp, dễ đoạt danh hiệu như Hà Nội FC, hoặc phải đầy tính cạnh tranh và thu nhập cao như CAHN.

Trong khi đó, Viettel mà Hoàng Đức đang chơi bóng gần như thiếu tất cả ở thời điểm hiện tại. Một cầu thủ trưởng thành, cống hiến, có danh hiệu cùng Viettel như Hoàng Đức thì lẽ ra đã đến lúc phải đi tìm một nơi khác tốt hơn, ít nhất là yếu tố chuyên môn.

Quang Hải về V-League và có thể sẽ còn xuất ngoại. Thay vì ngờ vực hay dè bỉu, thì đó là lựa chọn đáng ủng hộ đối với các tài năng. Trên thực tế, V-League hiện đang là một tấm áo quá chật cho các tài năng. Một giải đấu mà tân binh như CAHN hầu như chẳng có gì, chỉ cần mua một loạt cầu thủ ngôi sao về thì đã có cơ hội đua tranh vô địch thì không ổn chút nào.

20 năm trước, HAGL đã từng làm điều như vậy thì không sao, đó là một điều rất tốt để thúc đẩy bóng đá chuyên nghiệp lúc còn sơ khai. Nhưng bây giờ, sau 2 thập niên, nếu để vô địch V-League theo cách đó thì cho thấy V-League đang yếu tính cạnh tranh, thiếu các đội bóng xây dựng tiềm lực dài hạn để hướng đến danh hiệu.

Một khi giải đấu vẫn chưa nâng cao chất lượng, thì các cầu thủ ở độ tuổi 24-25 như Hoàng Đức cũng nên chọn cho mình một cuộc phiêu lưu kiểu như Quang Hải. Có thất bại đi nữa, thì đó vẫn là trải nghiệm cần thiết cho sự nghiệp vẫn còn nhiều thời gian để vượt qua giới hạn bản thân. 

HLV Troussier khuyên cầu thủ Việt Nam nên xuất ngoại sang Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 5/6/2023 vừa qua, HLV Philippe Troussier đã có những chia sẻ thẳng thắn về chuyện xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là từ trường hợp của Quang Hải. Ông Troussier nói: "Tôi hiểu và thông cảm với những cầu thủ xuất ngoại thi đấu như Quang Hải. Chuyển tới và sinh sống tại nước ngoài không hề dễ dàng. Việc này luôn trải qua khó khăn vì chuyển tới đồng nghĩa với luôn phải làm quen môi trường khác, làm quen với khí hậu khác, đồ ăn khác, có xung đột ngôn ngữ, giao tiếp, chưa kể các yêu cầu chuyên môn. Ví dụ như Quang Hải ở Ligue 2, yêu cầu chuyên môn rõ ràng nhanh, mạnh hơn nên Hải phải thúc đẩy bản thân, nhanh, mạnh, các quyết định nhanh hơn.

Tôi không có lời khuyên cụ thể nào nhưng CLB và cầu thủ ở thời điểm đầu tiên phải có sự hỗ trợ nhau tốt hơn, giúp cầu thủ làm quen tốt hơn, phải có phiên dịch, người hỗ trợ đặc biệt để cầu thủ bớt đi khó khăn. Nhiều CLB sẵn sàng trả lương, chi phí rất cao cho cầu thủ nhưng sau đó để hỗ trợ thì lại không có nhiều.

Ví dụ trao đổi với Chủ tịch CLB Pau, mẹ Quang Hải sang nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn, không ở lại được vì visa quá ngắn nên không thể có hỗ trợ về tinh thần, cuộc sống. Với cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài có lẽ sang châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan sẽ phù hợp hơn".


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm