Nhà hoạt động xã hội André Menras: 'Ngư dân là những người hùng thực sự'

11/07/2014 07:30 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - "Họ nói về Hoàng Sa như là nhà của mình. Họ ra biển với một con tàu nhỏ, phải đối mặt với bão tố, bị tàu Trung Quốc đâm, bị bắt, bị đánh, bị đòi tiền chuộc nhưng họ vẫn quyết tâm bám biển. Với tôi họ là những người hùng thực sự", nhà hoạt động xã hội André Menras chia sẻ cảm xúc về những ngư dân vẫn hàng ngày, hàng giờ bám biển giữ vững chủ quyền.

Sáng 10/7, André Menras đã có mặt tại Hội Nhà văn Hà Nội (19 Hàng Buồm) để giới thiệu bộ phim tài liệu Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát. Cần nhấn mạnh là André Menras không hề được học về phim ảnh, và bộ phim của ông không có thủ pháp gì đặc biệt. Tuy nhiên câu chuyện và sự thật được nêu trong bộ phim tài liệu này có sức mạnh khó ngờ.

Rất nhiều khán giả có mặt tại buổi chiếu đã rơi nước mắt trước số phận của những người vợ góa, con côi của những ngư dân đã bỏ mạng trên biển vì tàu Trung Quốc. Kết thúc buổi chiếu, là một cuộc chia sẻ, trao đổi cảm nghĩ tràn đầy cảm xúc. Rất nhiều lời cảm ơn đã được gửi tới Menras.


Cảnh trong phim Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát

Hình nhân trong mộ gió - nỗi đau không lời

Trong phim, André Menras đã ghi hình toàn bộ nghi lễ làm hình nhân bằng đất sét. Thầy cúng sẽ đặt vào mỗi hình nhân bằng đất sét các bộ phận cơ thể như tim, gan, phổi (làm bằng giấy), khung xương tứ chi (bằng que tre), mạch máu (bằng dây)... Bức tượng đó sẽ được chôn trong những ngôi mộ gió, thay thế cho người ngư dân chết trên biển không thể tìm thấy xác.Hình nhân có thể an ủi người thân của ngư dân, nhưng cũng là biểu tượng cho những nỗi đau không nói lên lời.

André Menras bám đảo ở Bình Châu, Lý Sơn (Quảng Ngãi) suốt 3 tháng. Ông cùng ăn, cùng ở, cùng đi đánh cá với ngư dân, để phá vỡ khoảng cách giữa ông với họ. "Khi những người dân ở đây xem lại hình ảnh của họ trên phim, họ đã khóc nghẹn ngào. Tôi ngần này tuổi rồi, đã gặp quá nhiều cảnh đời rồi, nhưng cũng không cầm được nước mắt. Đó là một trong những giây phút xúc động nhất cuộc đời tôi".


André Menras tới VN lần đầu tiên vào năm 1968

"Họ đi biển bằng những con thuyền thô sơ. Họ phải đối diện với bão tố, họ có thể bị bắt, bị đánh, bị giam cầm. Nếu họ được trở về thì tàu cũng bị phá hoại. Ấy vậy mà những con người ấy vẫn kiên cường bám biển. Họ không bao giờ tự khoe mình là dũng cảm. Họ xứng đáng là những người hùng thực sự, xứng đáng là những chiến sĩ hòa bình", André Menras xúc động nói.

Chuyến đi của người suốt đời chiến đấu vì Việt Nam

Năm 2006, André Menras đọc báo Tuổi trẻ thấy tin ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắt. Ông đã hỏi bạn bè của mình: "Tại sao Trung Quốc, láng giềng thân thiết của Việt Nam lại có thể hành động như thế?". Từ đó ông bắt đầu nghiên cứu lịch sử mối quan hệ Việt – Trung, nghiên cứu Luật biển, và quyết tâm ra Lý Sơn làm phóng sự.

André Menras là một nhà hoạt động xã hội người Việt gốc Pháp. Ông tới Việt Nam năm 1968 để dạy học, và từ đây bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng tại Việt Nam. Năm 1971, vì hành động treo cờ phản đối chính quyền Sài Gòn, Menras bị bắt và giam cầm tại khám Chí Hòa. Năm 2009, ông được cấp thẻ chứng minh lấy họ tên là Hồ Cương Quyết, chính thức được công nhận là công dân Việt Nam.
"Tôi cũng là người dân biển ở Pháp, tôi không bị say sóng. Tôi muốn đi biển với ngư dân nhưng tình hình lúc đó không cho phép. Thời gian đó tôi buồn lắm, tôi có nói chuyện với một người bạn. Không ngờ câu chuyện đến tai Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết. Ông đã mời tôi đến ăn sáng, giải thích lý do và cũng mở ra cơ hội cho tôi thực hiện bộ phim này", André Menras chia sẻ. Nhà hoạt động xã hội đã lên đường với một ê-kíp của Đài Truyền hình TP. HCM và được hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, làm phim.

Bộ phim làm xong từ năm 2011 nhưng phải đến bây giờ mới chính thức được ra mắt khán giả tại Hà Nội. Những khán giả có mặt tại buổi giao lưu sau khi xem xong phim, nhiều người đã tình nguyện làm phụ đề tiếng Hoa cho bộ phim của André Menras. André Menras cho biết ông sẵn sàng chia sẻ miễn phí bộ phim này.

"Năm 1971 tôi treo cờ phản đối chính quyền Cộng hòa ở Sài Gòn. 40 năm sau, bộ phim này chính là một lá cờ khác tôi treo lên để phản đối cách hành xử của chính quyền Trung Quốc. Đó là lá cờ dành cho những người dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục, sẽ quyết tâm đứng vững đến cùng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc", André Menras nói.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm