(TT&VH) - CĐV Việt Nam vẫn luôn tự hào về sự hâm mộ cuồng nhiệt của mình với bóng đá, và AFF Suzuki Cup 2008 vừa qua chính là dịp để các CĐV Việt Nam làm cả Đông Nam Á ngất ngây về những màn cổ vũ rực lửa nơi đất khách như Surakul, Rajamangala (Thái Lan) hay Kallang Roar (Singapore). Thế là nếu xét về tình yêu bóng đá thì người Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á…
CĐV Việt Nam cũng chẳng hề nghèo, nhất là với bóng đá. Bằng chứng là dù ĐTVN thi đấu ở vòng bảng AFF Suzuki Cup 2008 phải di chuyển vất vả và tốn kém như vậy thì cũng vẫn có hàng trăm CĐV lặn lội theo chân ĐTVN tới tận Phuket để cổ vũ và ủng hộ cho các chàng trai áo đỏ.
Rồi tới khi ĐTVN trở về sân Mỹ Đình đá trận chung kết lượt về với Thái Lan, có những khán giả đã chấp nhận bỏ ra 6 triệu đồng để mua 1 đôi vé có giá gốc chỉ bằng 1/10. Có mặt tại chợ vé Mỹ Đình trong những ngày mùa đông nóng bỏng đó, chúng tôi từng chứng kiến có những người sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua một lô vé có vị trí sát nhau từ các phe vé.
Tức là, nếu xét ở góc độ lòng hâm mộ hay khía cạnh tài chính thì những CĐV Việt Nam đều rất đáng nể. Thế mà, thị trường Việt Nam lại không được M.U đánh giá cao, và vì thế họ đã bỏ qua Hà Nội trong tour du đấu châu Á mùa Hè năm 2009. Thay vào đó, M.U lại chọn 2 quốc gia Đông Nam Á khác là Malaysia và Indonesia.
CĐV Việt Nam sẽ không có cơ hội chứng kiến Sir Alex và Ronaldo bằng xương bằng thịt
Điều này chắc hẳn sẽ khiến nhiều CĐV Việt Nam cảm thấy chạnh lòng, nhất là khi chúng ta từng được gặp thử thách hàng hiệu với chuyến viếng thăm của ĐT Olympic Brazil hồi tháng 8 năm ngoái. Khi đó, sân Mỹ Đình đã không còn một chỗ trống, và bản thân mỗi buổi tập của các vũ công Samba tại Mỹ Đình cũng được đón chào với sự cuồng nhiệt đến khó tin.
Tuy nhiên, ĐT Olympic Brazil đặt chân tới Việt Nam chủ yếu là để phục vụ lý do chuyên môn nên yếu tố thương mại không được đặt lên hàng đầu. Còn với M.U, mục đích du đấu châu Á của họ chỉ là để kiếm tiền và quảng bá thương hiệu, nên họ sẽ phải ưu tiên những thị trường được coi là tiềm năng và có sức mua lớn hơn.
Mà tính ở góc độ này thì đúng là thị trường Việt Nam chưa thể sánh được với những nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Ở Việt Nam không có hệ thống các siêu thị chuyên bán đồ thể thao hoặc đồ lưu niệm của những CLB hàng đầu thế giới như M.U, và đương nhiên số người bỏ tiền ra để sở hữu những vật phẩm đắt giá như thế này cũng không có bao nhiêu.
Theo báo chí Anh, Indonesia được đánh giá là 1 trong những thị trường hứa hẹn nhất của M.U tại châu Á với dân số 200 triệu người. Thật ra, nếu tính chi li, dù dân số Việt Nam chỉ xấp xỉ 100 triệu, nhưng số người hâm mộ M.U của chúng ta không kém Indonesia là bao.
Thế nhưng, khác biệt là ở chỗ, trong số hàng trăm ngàn CĐV M.U tại Indonesia, rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm USD để mua áo đấu “xịn” cũng như đồ lưu niệm “xịn” của đội bóng Quỷ đỏ, thì đa phần fan hâm mộ VN, mà phần lớn là giới trẻ, lại thể hiện tình cảm của mình với M.U bằng cách sử dụng đồ nhái do Việt Nam hoặc Trung Quốc sản xuất, vì lý do là “đồ xịn đắt quá”.
H.Huy