Phú Quang, trong ánh chớp mùa Xuân (*): Lắng nghe 'Bao giờ cho đến tháng Mười'

08/12/2021 10:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tết Tân Sửu 2021 này, nhạc sĩ Phú Quang sẽ lần đầu tiên đón năm mới xa nhà. Chỉ chừng 7km, nhưng ông không thể đón Xuân tại ngôi nhà đẹp kề các làng hoa ven Hồ Tây. Ở ngay Hà Nội mà cách biệt mọi người. Một thử thách lớn từ mùa Xuân trước, đến năm nay vẫn dằng dặc chưa qua...

Phú Quang với Hà Nội

Phú Quang với Hà Nội

Điều kỳ lạ ở Phú Quang là anh cứ liên tục tuôn trào nỗi nhớ của mình thành một vệt các bài hát từ Em ơi! Hà Nội phố (phỏng thơ Phan Vũ) mùa Đông 1988 cho đến tận hôm nay. Cũng là nỗi nhớ, nhưng Phú Quang như đã từng thổ lộ...

LTS: Sáng nay, 8/12/2021, nhạc sĩ Phú Quang qua đời sau gần 2 năm chống chọi bệnh hiểm nghèo. Báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN) trân trọng giới thiệu lại bài viết dài kỳ về Phú Quang của nhà thơ Vi Thuỳ Linh.

1. Nhưng ngay chính trong nỗi buồn, cô đơn nhất, cũng là lúc trỗi dậy niềm khát sống, khát sáng tạo mãnh liệt nhất, như đã tràn đầy hàng trăm nhạc phẩm của Phú Quang.

Và thế, tôi đâu chỉ viết bài báo về Phú Quang, một nhạc sĩ có nhiều ca khúc hay nhất về Hà Nội, một "nhà Hà Nội học" của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Mà đây là tác phẩm dành cho một Người Hà Nội, tài hoa, tử tế, một nhân chứng của thành phố 1.011 năm tuổi, một nhân vật trong ký ức thanh xuân.

Phú Quang đã nhiều phen vào bệnh viện, có lần bị hạch cổ hút chết khi bị chẩn đoán ung thư. Trở về, ông nói với tôi và mọi người: "Nhuộm tóc đen cho... hết đen". Vậy là chấm dứt giai đoạn tóc trắng. Vẫn những đêm trắng đọc, viết và có cả trò chuyện tâm giao.

Tôi muốn viết về Phú Quang từ tháng 6/2020, khi đang ở Hải Phòng, đọc bài báo của Dương Phương Vinh trên Tiền Phong, hoảng hốt về chú Quang trọng bệnh, đầy lo lắng. Rồi công việc cứ cuốn đi. Cuộc sống chất chồng kế hoạch dự định không làm xuể, thành ra nối dài "danh mục nợ".

Kề Tết 2021, mới ngồi viết được dòng chảy Phú Quang. Chính ông là dòng chảy đầy lưu lượng phù sa của âm nhạc, văn hóa, chất liệu sống. "Thủy lưu" Phú Quang không đơn giản một dòng một chiều, mà có phụ lưu, chi lưu, khúc, dốc, ghềnh. Kỷ niệm 20 năm ùa về khiến tôi xúc động tưởng không "chống đỡ và sắp xếp được" khi hiện ra chuỗi hình ảnh trong hồi tưởng với mốc tuổi 20 vô giá của đời người.

Không, từ thuở thiếu thời tôi đã thích bản nhạc ấy, giai điệu da diết, cồn cào, đằm thắm quá, được làm nhạc hiệu một chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), tôi không biết tên tác phẩm và tác giả. Ngày đó, mọi nhà đều có đài, mọi người hay nghe đài, lớp 3 tôi vẫn phải cõng em chạy xem nhờ ti vi đen trắng bên hàng xóm. Giờ đây, mỗi gia đình đô thị có vài ti vi màn hình phẳng hiện đại, thì tôi chỉ được nghe đài khi đi taxi.

Chú thích ảnh
(Từ trái qua): NSƯT Bùi Công Duy bế con trai Duy Anh, Trinh Hương, nhạc sĩ Phú Quang cùng Phú Cường (bìa phải) - người cháu gọi bằng ông, tại một quán cà phê Hà Nội, 5/1/2020

Lên đại học, tôi mới biết bản nhạc tuyệt vời ấy là Tình yêu của biển của nhạc sĩ Phú Quang viết cho flute (sáo Tây) và dàn nhạc giao hưởng. Còn một Tình yêu của biển khác viết cho piano và flute của nhạc sĩ Cát Vận (ông còn là tác giả bản Mùa Thu viết cho đàn tranh và dàn nhạc được dùng rất nhiều trên VOV, VTV và các đài khác). Thính giả nhiều thế hệ có thể không biết tên tác giả, tác phẩm, song thuộc, nhớ những giai điệu này vì hay, nên hay được dùng, nghe nhiều thành ấn tượng.

2. Còn một ấn tượng mạnh mẽ khác khi tôi là học sinh cấp 3 mới được xem phim truyện Bao giờ cho đến tháng Mười khi được phát sóng trên VTV. Tôi nhớ câu chuyện giản dị về nỗi đau mất chồng của cô Duyên (Lê Vân), chồng đi bộ đội mất, không muốn bố mẹ chồng (Hoàng Yến - Lại Phú Cương) đau khổ, cô lại không biết chữ nên phải nhờ thầy giáo Khang (Nguyễn Hữu Mười) viết hộ để nói dối bố mẹ rằng anh Nam (Đặng Lưu Việt Bảo) vẫn khỏe, vẫn đang chiến đấu.

Duyên mơ thấy chồng, trong cơn mộng du đã ra miếu Thành hoàng làng, gặp người chồng trong "chợ Âm Dương" trước cửa miếu, nắm tay nhau mà không chạm được. Những thước phim trữ tình được quay bởi Nguyễn Mạnh Lân (sau là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh) và Phạm Phúc Đạt (bạn học cùng lớp Quay phim khóa 6 của cha tôi, trường Điện ảnh Việt Nam) diễn xuất ăn vai của dàn diễn viên với bối cảnh ở Thường Tín, sông Nhuệ, bên vùng Cự Đà và Tó, được nâng đẩy bằng âm nhạc rất hay của Phú Quang.

Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, phim được nhớ và thành công có đóng góp đáng kể của âm nhạc, nhạc hay từ lúc mở đầu vào générique, các cao trào, trường đoạn đắt giá. Khang vì tình cảm với Duyên mà phải chuyển đi. Cảnh kết phim, Thầy giáo Khang đi trên đê làng và vẳng lời thơ: "Bao giờ cho đến tháng Mười/ Lúa chín trên cánh đồng giông bão/ Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi/ Những mất mát hy sinh chịu đựng khổ đau/ Khi trời Thu vẫn xanh mãi trên đầu".

Phim chiếu tại nhiều quốc gia và đến hôm nay, khi nhắc về âm nhạc các phim của mình, đạo diễn 83 tuổi Đặng Nhật Minh vẫn thích nhạc Bao giờ cho đến tháng Mười hơn cả.

Giai đoạn sáng tác này khi Phú Quang 35 tuổi (năm 1984), thời kỳ ông viết Tình yêu của biển. "Bộ tứ sông Hồng" Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ, Trần Tiến, chỉ có Phó Đức Phương viết nhạc cho sân khấu - điện ảnh. Còn Phú Quang, nhạc sĩ Hà Nội trẻ hơn "bộ tứ" ấy, là nhạc sĩ duy nhất ở thế hệ 4X đã cống hiến một tài hoa đa dạng cho phim truyện - hoạt hình nhựa, truyện video, nhạc kịch, nhạc múa, nhạc giao hưởng.

Chú thích ảnh
Phú Quang biểu diễn tác phẩm của mình trên sân khấu. Ảnh: TL

Âm nhạc Phú Quang nổi bật với những ca khúc hay về Hà Nội. Còn với tôi, chỉ cần tính nhạc phim Bao giờ cho đến tháng Mười và các tác phẩm hòa tấu, khí nhạc đã đủ thấy tài năng và tầm cỡ của ông.

NSND Đặng Nhật Minh nhớ lại: "Tôi tự hào là người đầu tiên mời Phú Quang viết nhạc cho điện ảnh. Nhạc phim hay nhất của Phú Quang là viết cho phim của tôi. Năm 1984, tôi không hề quen biết Phú Quang. Cô Phương Chi - giảng viên piano chơi với vợ tôi - Nguyễn Phương Nghi (chuyên đệm piano) giới thiệu tôi với Phú Quang. Tôi tin bạn, mời anh viết. Thỉnh thoảng nhạc sĩ mời tôi nghe một đoạn nhạc. Tôi đến nhà Phú Quang trong ngõ Văn Chương. Đôi vợ chồng nghèo ở căn phòng 15m2, có cây đàn piano, và đứa con gái nhỏ".

Thời kỳ phim "mì ăn liền" lên ngôi đầu thập niên 1990, thực sự có những phim hay, ngôi sao tài năng. Đó là giai đoạn phim video bùng nổ, một trong các phim gây chú ý cao, đọng lại trong lòng khán giả là Vị đắng tình yêu tập 1 với diễn xuất của Lê Hồng Thủy Tiên và Lê Công Tuấn Anh vai chính (Thủy Tiên sau này đã là một quý bà). Mà trường đoạn ấn tượng nhất là chàng sinh viên y khoa nghèo nhổ trộm hoa trong đêm mưa, bị ông bảo vệ (NSƯT Hồ Kiểng) phát hiện và đuổi. Đem hoa đến nhà cô tiểu thư mong manh chơi dương cầm, trèo balcon vào tặng nàng, người chàng ướt sũng. Âm nhạc vang lên đắm say bay bổng, khiến người xem liên tưởng chuyện tình Romeo - Juliette hiện đại.

(*): Gợi cảm hứng từ nhan đề bài thơ “Trong ánh chớp số phận” của nhà thơ Ý Nhi

(Còn tiếp)

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm